Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 27/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 195.279.889 ca, trong đó có 4.181.853 người tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch "nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại.
Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Anh, Indonesia và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Trong 24h qua, Iran là nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, với 31.814 trường hợp.
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan.
Thời gian gần đây, biến chủng Delta và Delta Plus đã xuất hiện tại hàng loạt nước, buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng COVID-19 mới.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 177.086.882 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 14.011.154 ca và 84.532 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 26/7, thế giới có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 90 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, tới nay đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể này cũng được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gen tại nhiều quốc gia lớn.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Kobe, Nhật Bản.
Trong một cuộc phỏng vấn mới được hãng Reuters công bố, 10 chuyên gia hàng đầu về COVID-19 cho rằng Delta là biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và đáng sợ nhất mà thế giới đang phải đối mặt.
Theo nhà vi sinh vật học người Anh Sharon Peacock, người phụ trách công tác giải trình tự gene của các biến thể virus SARS-CoV-2 ở Anh, nguy cơ lớn nhất đối với thế giới lúc này là Delta, biến thể mạnh nhất và có tốc độ lây lan nhanh nhất.
Do đó, hiện nhiều nước trên thế giới đang chứng kiến số ca mắc mới và tử vong ở mức cao.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 25/7/2021.
Ngày 26/7, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 76 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 40 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất kể từ tháng 1.
Theo số liệu của NHC, trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng có 39 ca ở tỉnh Giang Tô (Jiangsu) và 1 ca ở tỉnh Liêu Ninh (Liaoning) và không có ca tử vong nào. Do số ca mắc mới tăng vọt, giới chức tỉnh Giang Tô phải tiến hành xét nghiệm lần thứ hai cho hàng triệu người ở tỉnh miền Đông Trung Quốc này.
Hiện hàng chục nghìn người dân thành phố Nam Kinh (Nanjing), thủ phủ của tỉnh Giang Tô đang phải thực thi lệnh phong tỏa trong bối cảnh nhà chức trách tiến hành xét nghiệm cho 9,2 triệu người dân lần thứ hai sau khi bùng phát một ổ dịch ở sân bay trong tuần trước.
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Soeul, Hàn Quốc ngày 9/7/2021.
Hiện biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh cũng đang chiếm đa số trong các ca bệnh COVID-19 ở Hàn Quốc, khiến các cơ quan y tế nước này gặp nhiều khó khăn hơn trong triển khai các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), biến thể Delta là nguyên nhân khiến số ca COVID-19 tăng đột biến gần đây ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, đồng thời đang có dấu hiệu lây lan nhanh hơn tại những vùng tại bên ngoài khu vực này. Cụ thể KDCA cho biết trong tuần thứ 3 của tháng 7, có tới 48% số bệnh nhân COVID-19 được xác nhận nhiễm biến thể Delta, tăng nhanh so với mức 3,3% trong tuần thứ 4 của tháng 6.
Các quan chức KDCA cho rằng biến thể này sẽ sớm là nguyên nhân gây ra hơn 50% số ca nhiễm mới. Tuy nhiên, trong khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, liên tục ghi nhận số ca COVID-19 cao kỷ lục mỗi ngày, chính quyền các địa phương phải căng mình phòng dịch thì một số lượng lớn người dân nước này vẫn tiếp tục đổ về các bãi biển tránh nóng trong hai ngày cuối tuần vừa qua.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran.
Cùng ngày, Iran thông báo số ca mắc mới COVID-19 trong ngày lần đầu tiên vượt mốc 30.000 ca. Đây là lần thứ 2 trong chưa đầy 1 tuần, số ca mới lên mức cao chưa từng thấy.
Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước Cộng hòa Hồi giáo này ghi nhận thêm 31.814 ca mới và 322 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 3.723.246 ca và 89.122 ca.
Iraq cũng ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong 1 ngày từ trước đến nay, với 12.180 ca. Hiện nước này ghi nhận tổng cộng hơn 1,5 triệu ca mắc, trong đó có 18.347 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại La Habana, Cuba.
Trong khi đó, Cuba ngày 25/7 ghi nhận số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở mức cao nhất trong ngày.
Theo Bộ Y tế Cuba, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 8.853 ca mắc mới và 80 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 332.968 ca và 2.351 ca tử vong cho đến nay. Trong số các ca mắc mới, La Habana - thành phố đông dân nhất Cuba với 2 triệu dân ghi nhận 1.481 ca, tiếp đó đến các tỉnh Matanzas với 1.461 ca, Santiago de Cuba 735 ca.
Bộ Y tế Cuba lo ngại tỉ lệ mắc bệnh rất cao ở trên toàn đảo quốc này, ngoại trừ vùng đô thị đặc biệt Isla de le Juventud, nơi các biện pháp hạn chế sẽ sớm bắt đầu được nới lỏng hơn nhờ số ca nhiễm thấp.
Đến nay, khoảng 3,4 triệu người Cuba đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 do nước này tự bào chế trong chương trình tiêm chủng quốc gia.
Hành khách tại sân bay Heathrow ở phía tây London, Anh.
Tại châu Âu, với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao, nhiều nước đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Mới đây nhất, Ireland đã cho phép các nhà hàng được phép mở cửa phục vụ khách trong phòng kín với điều kiện khách hàng phải có "hộ chiếu vaccine”.
Theo quy định mới, các nhà hàng trên cả nước sẽ được mở cửa đón những người đã tiêm phòng đầy đủ, đã khỏi bệnh trong 6 tháng và trẻ em đi cùng. Tuy nhiên, số người được ngồi cùng bàn tối đa là 6 người và nhà hàng phải đóng cửa trước 23h30.
Tại Pháp, số người được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19 đã vượt 40 triệu người, đồng nghĩa với việc khoảng 60% dân số nước này đã được tiêm đầy đủ hoặc một mũi vaccine phòng bệnh.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 16/7/2021.
Ở nước láng giềng với Pháp, các nhà khoa học cảnh báo Vương quốc Anh có nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới làm suy yếu hiệu quả của vaccine trong bối cảnh nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch có thể khiến số ca mắc COVID-19 mới tăng tới 100.000 ca/ngày vào mùa Hè này.
Tại Italy, ngày 26/7, quan chức phụ trách chiến dịch phòng chống COVID-19 của Italy, ông Francesco Paolo Figliuolo cho biết Rome đặt mục tiêu 80% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19 vào cuối tháng 9, tỷ lệ đủ khả năng tạo miễn dịch cộng đồng.
Phát biểu với báo giới khi đến thăm một trung tâm tiêm chủng ở Turin, ông Figliuolo nói: "Đến cuối tháng 7, chúng tôi sẽ bảo đảm 60% dân số được tiêm chủng. Mục tiêu của chúng tôi là tăng lên 80% vào cuối tháng 9. Hiện nay, 56% dân số Italy đã được tiêm vaccine và tôi coi đó là một kết quả tốt. Bây giờ chúng ta phải tiếp tục tiến lên, không bỏ cuộc".
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 19/7/2021.
Tại Brussels, chiến dịch tiêm chủng của Bỉ dành cho các thủy thủ nước ngoài cập cảng tại quốc gia này bắt đầu vào hôm 26/7 thông qua các đội lưu động lên tàu. Chiến dịch này nằm trong kế hoạch đặc biệt do Tổng cục Điều hướng dịch vụ công cộng Liên bang, Liên minh hoàng gia các chủ tàu của Bỉ và Bộ trưởng phụ trách Biển Bắc, Vincent Van Quickenborne, điều hành.
Bộ trưởng Vincent Van Quickenborne cho biết, tại các cảng quốc tế của Bỉ, hơn 5.500 tàu khác nhau cập cảng mỗi năm, trên đó có khoảng 80.000 thủy thủ làm việc. Họ cùng sinh hoạt trong không gian chật hẹp, điều này khiến nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 càng lớn nếu có trường hợp mắc bệnh. Ngoài ra, do đi biển dài ngày nên nhiều thủy thủ không có cơ hội được tiêm phòng.
Từ ngày 2/6, Bỉ đã bắt đầu tiêm cho các thủy thủ của mình. Việc tiêm chủng đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo dành cho các thuyền viên nước ngoài với vaccine Janssen (của Johnson & Johnson) một liều duy nhất. Việc tiêm chủng được tổ chức bởi Mediport, một nhóm bác sĩ về lĩnh vực hàng hải và có trụ sở tại Antwerp. Các thuyền viên của các tàu trên khắp thế giới cập cảng Antwerp, Ghent hay Zeebrugge đều được tiêm phòng. Thuyền trưởng của tàu phải báo cáo số lượng thuyền viên cần tiêm 24 giờ trước khi tàu cập cảng.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 7/6/2021.
Theo các nhà khoa học, cho đến nay, các biến thể gây lo ngại đều là những biến thể có khả năng lây lan rất nhanh, như chủng Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, có khả năng lây lan nhanh gấp đôi so với chủng SARS-CoV-2 nguyên thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ lây lan không phải là đặc điểm duy nhất của virus SARS-CoV-2. Khi càng có nhiều người trong cộng đồng miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc đã mắc COVID-19, virus nhiều khả năng phát triển để tránh miễn dịch đó.
Hiện tượng này được gọi là thoát miễn dịch. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, hiện tại đã có các điều kiện để xảy ra thoát miễn dịch khi 70% người lớn, và một số ít trẻ em tại Anh, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, và cứ 80 người thì có một người mắc COVID-19.
Theo các nhà khoa học, điều này không có nghĩa là một biến chủng mới sẽ xuất hiện tại Anh trong những tuần tới, song nguy cơ này có nhiều khả năng xảy ra hơn trước đây.
Cảnh vắng vẻ trên đường phố ở Bangkok, Thái Lan, sau khi chính phủ mở rộng thêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 26/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 73.814 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 133.300 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Philippines. Đông Nam Á đang là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại "quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tăng mạnh. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại và hiện là tâm dịch của cả thế giới.
Cảnh sát kiểm tra các phương tiện để phòng dịch COVID-19 tại Bali, Indonesia, ngày 19/7/2021.
Trong khi đó, diễn biến dịch cũng rất nghiêm trọng ở Philippines trong mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines đang chứng kiến số ca tử vong và ca mắc thấp hơn khá nhiều các nước thành viên khác, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Trong 1 ngày qua, nước này chỉ ghi nhận 23 ca tử vong.
Malaysia tình hình vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.
Ngày 26/7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 207 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 21/7/2021.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch COVID-19.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. "Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 26/7 ghi nhận thêm trên 15.376 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 87 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.
Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 778 bệnh nhân mới và 22 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 8/7/2021.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 133.371 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.857 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 6.820.314 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 5.563.459 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 9/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BionTech.
Tại New York (Mỹ), rạng sáng 27/7 theo giờ Hà Nội, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên tham vấn đầu tiên về thực thi nghị quyết 2565, được thông qua hồi tháng 2/2021 về phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 cho các nước trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp, nhất là ở một số nước có xung đột.
Các Trợ lý Tổng Thư ký LHQ phụ trách xây dựng hòa bình và nhân đạo Oscar Fernandez-Taranco và Ramesh Rajasingham đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp về tác động của đại dịch COVID-19 đến tình hình nhân đạo, kinh tế - xã hội tại các khu vực xung đột và nỗ lực của hệ thống LHQ hỗ trợ phân phối vaccine đến các khu vực này.
Các nước thành viên HĐBA đều nhất trí rằng đại dịch toàn cầu đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội cho các nước trong xung đột, đồng thời làm gia tăng căng thẳng chính trị ở nhiều nơi; kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy tiếp tục ủng hộ nỗ lực ứng phó với số ca nhiễm đang tăng và cả những hậu quả gián tiếp của đại dịch trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ người dân chưa sẵn sàng tiêm chủng vaccine.
Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson.
(Theo Tin Tức)