Sáng 16/8: Hơn 600 bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị ICU và ECMO

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/8/2021 | 6:16:27 AM

Đến nay, Việt Nam có 275.044 ca mắc COVID-19, trong đó 102.504 ca đã chữa khỏi. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 607 trường hợp nặng và nguy kịch.

Đến nay, Việt Nam có 275.044 ca mắc COVID-19, trong đó 102.504 ca đã chữa khỏi (Ảnh:Báo Công Luận)
Đến nay, Việt Nam có 275.044 ca mắc COVID-19, trong đó 102.504 ca đã chữa khỏi (Ảnh:Báo Công Luận)

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 275.044 ca nhiễm, đứng thứ 78/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.798 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 271.037 ca, trong đó có 99.730 bệnh nhân COVID-19 đã được công bố khỏi bệnh.

- Có 05/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình.

- Có 07 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

5.519 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 15/8, nâng tổng tổng số ca được điều trị khỏi: 102.504 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 589 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến ngày 15/8 là 5.774 ca, xếp thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 59 người tử vong do COVID-19).

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 157.983 xét nghiệm cho 617.513 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 8.151.426 mẫu cho 23.187.591 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 14.434.017 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.078.340 liều, tiêm mũi 2 là 1.355.677 liều.

Số ca mắc COVID-19 trên thế giới

Tính đến hết ngày 15/8, toàn thế giới ghi nhận 207.729.603 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.371.673 bệnh nhân đã tử vong. Hiện số bệnh nhân phục hồi là hơn 186.218.141 người trong khi số bệnh nhân phải điều trị là 17.139.789 người.

Mỹ đứng đầu thế giới khi ghi nhận 37.435.835 ca mắc và 637.439 ca tử vong, tiếp theo là Ấn Độ với 32.192.576 ca mắc, trong đó có 431.253 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 568.833 ca tử vong trong tổng số 20.350.142 ca mắc. Quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới là Peru với 599 ca trên 100.000 dân, tiếp theo là Hungary với 311 ca trên 100.000 dân.

Các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 91.459 ca mắc mới COVID-19 và 2.523 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 8.712.349 trường hợp và 188.795 ca tử vong. Toàn khối có 7.328.111 bệnh nhân đã bình phục.

TP Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách đến ngày 15/9 theo nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó"

Tối 15/8, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn khẩn về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, bắt đầu từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 15/9 theo nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó".

Trước đó, chiều 15/8, sau khi thông tin về việc TP Hồ Chí Minh sẽ giãn cách xã hội thêm 1 tháng (đến ngày 15-9), Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động, học sinh sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực thực phẩm.

Chủ trương của Thành ủy TP Hồ Chí Minh là không để ai thiếu đói và sẽ hỗ trợ gói an sinh xã hội bằng tiền mặt. Thời gian hỗ trợ là tháng 8 và 9-2021. Đồng thời, các địa phương tổ chức để bà con tiêm vaccine. Kế hoạch hỗ trợ sẽ được các quận, huyện và TP Thủ Đức thông báo sớm đến người dân.

Hà Nội tăng cường quản lý tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc tăng cường quản lý tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn. Theo đó, trong thời gian vừa qua, một số khu cách ly tập trung của Hà Nội còn hiện tượng số lượng ca mắc COVID-19 cao, tập trung tại một số phòng nhất định. Có những trường hợp đi cách ly về lại phát bệnh sau 2-3 ngày.

Để thực hiện nghiêm công tác cách ly tập trung trên địa bàn thành phố, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng, Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu các khu cách ly thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, quản lý người cách ly theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm quy tắc 5K trong khu cách ly y tế tập trung, hạn chế tiếp xúc giữa những người cùng phòng và đảm bảo khoảng cách giữa các giường.

Đơn vị liên quan cần giám sát chặt chẽ người đi cách ly, yêu cầu không được tiếp xúc với các phòng khác. Đồng thời, thực hiện rà soát và giãn cách số người trong 1 phòng không quá 4 người.

Các khu cách ly tập trung cũng phải thực hiện nghiêm việc phân loại và thu gom chất thải để vận chuyển và xử lý theo đúng quy định, tránh lây nhiễm chéo. Chỉ có cán bộ có nhiệm vụ mới được vào khu cách ly và phải thực hiện nghiêm việc bảo hộ trong quá trình làm nhiệm vụ.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4 cho đến nay) là 2.202 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.202 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.000 ca.

Bình Dương: Đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến 500 giường tại huyện Dầu Tiếng

Ngày 15/8, tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã đưa Bệnh viện dã chiến Ngô Quyền với quy mô 500 giường vào hoạt động thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đây là khu điều trị được bố trí, tổ chức nhân sự, trang thiết bị với năng lực điều trị tầng 1 theo mô hình "Tháp 3 tầng" mà Bộ Y tế khuyến cáo.

Bệnh viện dã chiến Ngô Quyền được xây dựng trên cơ sở trưng dụng Trường Tiểu học Ngô Quyền trên địa bàn thị trấn Dầu Tiếng. Đây là bệnh viện đầu tư theo hình thức xã hội hóa do các đơn vị đầu tư hoàn thiện hạ tầng. Ngoài Bệnh viện dã chiến vừa đưa vào sử dụng tại Dầu Tiếng, hiện tại trên đìa bàn tỉnh Bình Dương có 5 bệnh viện dã chiến khác.

(Theo SKĐS)


Các tin khác

Sau khi bị 5 cơ sở y tế từ chối, gia đình đã đưa ông Ngô Dương quay trở về phòng trọ. Đến sáng ngày 14/8, ông Dương tử vong.

Lực lượng chốt kiểm soát Cà Ná, huyện Thuận Nam thực hiện kiểm tra phòng, chống dịch đối với công dân về từ các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.

Ngày 31/7, trên 2.000 công dân của tỉnh Ninh Thuận từ Đồng Nai trở về quê, trong số này có hơn 400 người mắc COVID-19, tạo sức ép rất lớn cho địa phương này về cơ sở cách ly, điều trị.

Chiều 15/8, Hà Nội không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới.

Chiều 15/8, TP Hà Nội không có thêm ca mắc COVID-19. Tổng số ca mắc trong ngày là 25 trường hợp.

Chiều 13/8, Sở Y tế tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận xe chuyên dụng tiêm vắc xin lưu động do Bộ Y tế phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố.

Trong ngày ghi nhận 19 trường hợp về từ TP Hà Nội, 01 trường hợp từ tỉnh Tây Ninh, đã cách ly tập trung; 03 người đi từ các tỉnh khác đang có dịch về địa phương (01 trường hợp cách ly tập trung, 02 trường hợp cách ly tại nhà). Tất cả đều đã lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay, Yên Bái đã có 48.336 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục