Nhằm đối phó với sự lây lan của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã gấp rút triển khai chiến dịch tiêm vắc xin quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Để chiến dịch này được thông suốt, nhiều giải pháp công nghệ đã được áp dụng và cùng nhau tạo nên nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia.
Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia bao gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng Covid-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia và Trung tâm đáp ứng (MCC).
Vai trò của nền tảng này là nhằm triển khai nhanh, có hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin, bảo đảm công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức khi đăng ký và thực hiện tiêm chủng.
Hơn 5 triệu mũi tiêm vắc xin đã được cập nhật trên hệ thống
Theo Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, chỉ tính riêng trong đợt tiêm chủng thứ 5 được tổ chức trên phạm vi toàn TP.HCM, việc ứng dụng công nghệ trong công tác tiêm chủng đã tăng trưởng rõ rệt, gấp gần 100 lần.
Theo đó, từ 2.833 mũi tiêm ngày 21/7/2021, đến ngày 07/8/2021, đã có hơn 205.000 mũi tiêm được thực hiện trên nền tảng. Có được điều này là nhờ sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND Thành phố, sự hướng dẫn của Sở TT&TT, ngành y tế và sự tham gia hỗ trợ trực tiếp của Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ TT&TT tại TP.HCM.
Sổ sức khỏe điện tử, một trong bốn thành phần của nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia.
Trao đổi với phóng viên báo chí, đại diện Viettel Solutions - đơn vị phát triển nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia cho biết, tính đến ngày 9/8/2021, đã có tổng cộng hơn 2,6 triệu lượt tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên cả 2 nền tảng hệ điều hành iOS và Android. Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia hiện đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố.
Thống kê của đơn vị phát triển cho thấy, tổng đối tượng đăng ký tiêm qua app tính đến ngày 9/8 là hơn 2,45 triệu lượt. Ngoài ra, còn khoảng 2,3 triệu lượt người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tiêm vắc xin qua Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.
Đến nay, lũy kế tổng số đối tượng đăng ký tiêm và nhập lên hệ thống là hơn 11 triệu. Tổng lượng mũi tiêm được nhập lên hệ thống là hơn 5,2 triệu mũi tiêm. Con số này tương ứng với 5,2 triệu Chứng nhận tiêm chủng đã cấp phát.
Người dân chỉ mất 5 giây để xác nhận thông tin tiêm chủng
Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia hiện đã đáp ứng hoạt động tiêm chủng đồng thời tại 19.500 điểm tiêm trên toàn quốc theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Theo đại diện Viettel Solutions, nhóm phát triển nền tảng đã chuẩn bị các phương án về công nghệ và hạ tầng để đảm bảo vận hành tốt ngay cả khi nhu cầu tăng vượt dự kiến.
Tại các điểm tiêm ứng dụng nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia, người dân sẽ mất chưa đến 5 giây để xác nhận thông tin bằng mã QR.
Tại các điểm tiêm ứng dụng nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia, người dân sẽ nhận được chứng thực điện tử sau khi tiêm vắc xin Covid-19.
Dữ liệu tiêm sau đó được cập nhật và quản lý tập trung. Người dân có thể tra cứu "Chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19” của mình trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.
"Những người đã tiêm một mũi vắc xin ngừa Covid-19 sẽ có chứng nhận màu vàng, còn người tiêm đủ 2 mũi sẽ có chứng nhận màu xanh”, đại diện nhóm phát triển nền tảng cho biết.
Theo Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia đã hỗ trợ đắc lực cho việc lập kế hoạch tiêm, nhắn tin tới đối tượng tiêm theo khung giờ và giảm tập trung đông người.
Thông tin của người được tiêm đã có sẵn trên phiếu cam kết tiêm chủng và phiếu khám sàng lọc. Người dân không phải điền thông tin bằng tay, điều này giúp tránh lây nhiễm qua vật dụng trung gian. Bằng cách quét mã QR để xác định thông tin, nền tảng cũng giúp thực hiện bước tiếp đón nhanh chóng (chưa đến 30 giây).
Ngoài ra, nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia còn giúp theo dõi tiến độ, báo cáo tiêm chính xác theo thời gian thực, tiết kiệm ít nhất 12 tiếng đồng hồ so với cách báo cáo thủ công. Thậm chí, chỉ 30 - 60 phút sau tiêm, người dân đã có thể nhận được kết quả chứng nhận điện tử đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Không chỉ vậy, một trong những lợi ích lớn nhất của nền tảng này nằm ở việc thống nhất, tập trung, dữ liệu được chia sẻ giữa các nền tảng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
(Theo Vietnamnet)