Theo hẹn ước chỉ còn 1 tháng nữa, bác sĩ Trần Trung Hiếu, Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ tổ chức đám cưới. Nhưng vì "trận chiến” chống Covid-19, bác sĩ Hiếu đã gác lại niềm riêng của mình để lên đường hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 4/8. Bác sĩ Hiếu cho hay: "Khi tỉnh có quyết định cử các bác sĩ đi hỗ trợ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy lùi dịch bệnh, tôi sẵn sàng lên đường và nhận được rất nhiều lời chia sẻ động viên của gia đình, đơn vị và cả vợ sắp cưới. Tôi sẽ nỗ lực hết mình để không phụ niềm tin của mọi người”.
Cùng với các y, bác sĩ toàn tỉnh, các thầy thuốc huyện vùng cao Mù Cang Chải dù còn rất nhiều khó khăn cũng trong danh sách lên đường. Bác sĩ Phùng Ngọc Kiên - Khoa Nội hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Mù Cang Chải chia sẻ trước khi lên đường: "Trước khi đi, tôi đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của các đoàn đi trước, tôi sẽ đem hết những kiến thức đã học được hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bình Dương”.
Hỗ trợ tỉnh bạn trong cuộc chiến chống Covid-19 là trách nhiệm chung, là trọng trách với đất nước, góp phần giảm nguy cơ cho các địa phương khác. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã cử hàng trăm y bác sĩ, nhân viên kỹ thuật, nhân viên y tế - là những người có kinh nghiệm, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống dịch, với tinh thần dũng cảm, xung phong, hỗ trợ các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với tinh thần ấy, ngay khi đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 10 cán bộ y tế của tỉnh gồm 5 bác sĩ, 5 điều dưỡng chuyên ngành hồi sức cấp cứu đã chia 4 kíp trực tham gia cùng các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến Bà Rịa - Vũng Tàu điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại Khoa Hồi sức tích cực.
Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Đình Lâm - Trưởng đoàn cán bộ y tế tỉnh Yên Bái tại Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ qua điện thoại: "Đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đoàn chúng tôi được sắp xếp ở ngay tại Bệnh viện dã chiến của tỉnh để thuận tiện cho công việc. Tất cả anh em đều đã vào guồng quay với 4 kíp trực, nhiệm vụ được phân công cụ thể tới từng người, từng giờ. Khoa Hồi sức tích cực thời điểm đó có trên 30 giường bệnh, với 12 bệnh nhân nặng phải thở máy, phải chăm sóc đặc biệt, nhiều lúc cũng mệt mỏi, căng thẳng, nhưng ai cũng quyết tâm cao giúp tỉnh bạn nhanh chóng khống chế đại dịch”.
Đoàn 20 y, bác sĩ của tỉnh ngay sau khi đến tỉnh Bình Dương đã cùng y, bác sĩ thị xã Bến Cát của tỉnh tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho hơn 2.000 công nhân các công ty đóng trên địa bàn, trước khi nhận nhiệm vụ tại Khu B, Bệnh viện dã chiến số 3 Bến Cát - Bình Dương.
Hơn 1 tháng tại tâm dịch "nóng" nhất cả nước, 44 y, bác sĩ của tỉnh tại thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với y, bác sĩ các bệnh viện: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Đại học Y - Dược, thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện điều trị Covid-19 huyện Củ Chi để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Từ việc khám bệnh, ra y lệnh điều trị đến theo dõi diễn tiến của bệnh, chăm sóc và lấy mẫu xét nghiệm, can thiệp các thủ thuật đặt nội khí quản, đặt catheter, chạy thận nhân tạo... góp phần giúp ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh không bị động trong việc tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng.
Qua Zalo, bác sĩ Chuyên khoa I - Đào Văn Khang, Trưởng đoàn cán bộ của tỉnh tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Đoàn chúng tôi đã sử dụng hệ thống máy móc để đảm bảo công việc đi theo guồng ổn định. Hơn 1 tháng "chiến đấu” với dịch bệnh nhưng tất cả chúng tôi đều rất vững vàng, bởi bên cạnh những mệt mỏi là niềm vui khi được chứng kiến người bệnh khỏe lên từng ngày, rồi ra viện. Đó cũng là động lực thôi thúc chúng tôi cố gắng, cố gắng hơn nữa”.
Kể từ khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, các tỉnh, thành phố là "điểm nóng” dịch Covid-19 như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh đã được đón những "chiến binh đặc biệt” trên cả nước, trong đó có các "chiến binh” của tỉnh Yên Bái. Và họ đã nỗ lực hết mình cùng với lực lượng y tế địa phương thực hiện công tác xét nghiệm, khám sàng lọc, tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các thầy thuốc còn làm nhiều việc "không tên” khác... góp phần chung tay, góp sức đồng hành đẩy lùi dịch bệnh.
Phát huy những phẩm chất đáng quý của con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập" như lời gửi gắm của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn trước lúc lên đường, những "chiến binh đặc biệt” của tỉnh đã cùng với lực lượng y tế nơi tâm dịch hết lòng, hết sức bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, những mong sớm ổn định tình hình và chiến thắng dịch bệnh.
Minh Huyền