Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 449.489 ca nhiễm, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 163/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.572 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 445.291 ca, trong đó có 226.042 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 07/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang.
+ Có 05 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ, Kon Tum.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (215.810), Bình Dương (110.258), Đồng Nai (23.132), Long An (21.457), Tiền Giang (9.438).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 9.014 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 228.816
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.449 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.157
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.247
- Thở máy không xâm lấn: 105
- Thở máy xâm lấn: 916
- ECMO: 24
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.064 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 536.647 xét nghiệm cho 626.126 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 13.252.329 mẫu cho 32.742.499 llượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 19.710.560 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.186.153 liều, tiêm mũi 2 là 2.524.407 liều.
Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới
Tính đến nay thế giới đã ghi nhận 217.415.551 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.518.600 ca tử vong. Hiện 194.329.776 bệnh nhân đã bình phục và 18.567.175 bệnh nhân đang phải điều trị, trong số này 113.592 ca đang trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 39.668.541 ca mắc và 654.696 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 32.745.457 ca mắc và 438.411 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 20.741.815 ca, trong đó có 579.330 ca tử vong.
Không bố trí nhân viên y tế có bệnh nền, mang thai trực tiếp điều trị COVID-19
Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo sơ bộ ở nhiều quốc gia cho thấy, khoảng 10% tổng số ca mắc COVID-19 là nhân viên y tế. Trong khi đó, bệnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều biến chủng có khả năng lây nhiễm cao, số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 nhập viện ngày càng tăng khiến nhiều bệnh viện trở nên quá tải, nguy cơ nhân viên y tế phơi nhiễm với SARS-CoV-2 ngày càng cao.
Để phòng ngừa lây nhiễm, nhân viên y tế phải thực hiện nghiêm quy định 5K trong cơ sở khám, chữa bệnh và ngoài cộng đồng, tuân thủ các quy định về phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2; tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế.
Bộ Y tế lưu ý, nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc và phục vụ người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 phải được đào tạo và thực hành thành thạo các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
Không bố trí nhân viên y tế mắc các bệnh lý nền, phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, nhân viên y tế chưa được tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng COVID-19 vào làm nhiệm vụ này.
Cứu sống thai phụ mắc COVID-19 phổi đã bị tổn thương nặng
Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết, tổ cấp cứu Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của bệnh viện đã cứu sống thành công cho một sản phụ nguy kịch do mắc COVID-19.
Thai phụ mang thai 29 tuần, mắc COVID-19, sau khi nhập viện tình trạng của bệnh nhân ngày càng tiến triển xấu và dù cố gắng hết sức, đội ngũ y tế vẫn không thể giữ lại em bé.
PGS. TS Lê Minh Khôi- phó giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 BV Đại học Y dược TP HCM - cho hay: Sản phụ bị hội chứng ARDS, phổi đã bị hư hỏng nặng, phải đặt nội khí quản. Máy móc không có tác dụng, các điều dưỡng phải liên tục bóp bóng với hy vọng cứu sống bệnh nhân.
Trước những diễn tiến nguy kịch của bệnh nhân, êkíp bác sĩ BV Đại học Y dược TP HCM đã tiến hành hội chẩn với các bác sĩ BV Hùng Vương để đưa ra các phương án tối ưu cứu sống sản phụ.
"Đây là kỳ tích đầu tiên của trung tâm khi đã chung sức cứu sống một sản phụ mắc COVID-19 ở thể nặng"- PGS. TS Lê Minh Khôi nói.
Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 BV Đại học Y dược TP HCM đóng tại Bệnh viện Quốc tế City là 1 trong 6 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế tại TP HCM.
Trong tuần qua, tại đây đã có 21/101 người bệnh được điều trị và chuyển về tuyến dưới. Hiện Trung tâm đang điều trị tích cực cho 50 người bệnh thở máy và 49 người bệnh thở HFNC.
TP HCM đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai ngay xét nghiệm giai đoạn 2
Hôm qua, Sở Y tế TP HCM đã ký văn bản khẩn gửi đến UBND, trung tâm y tế, phòng y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP về việc triển khai một số nội dung trong xét nghiệm theo đề nghị của Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý triển khai ngay xét nghiệm giai đoạn 2 (từ ngày 27- 31/8) nhằm bóc tách, kiểm soát nguồn lây nhiễm mạnh (F0) trong cộng đồng.
Đối với các quận 5, 6, 11, 12, Bình Tân và Tân Bình chưa đạt chỉ tiêu xét nghiệm cần gấp rút hoàn thành đánh giá vùng nguy cơ (vùng vàng) trong giai đoạn 1.
(Theo SKĐS)