Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 40 triệu ca mắc và hơn 657.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 70.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Các nhà nghiên cứu tại Mỹ vừa có một phát hiện mới. Đó là loại enzyme mà có thể là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân nhiễm COVID-19 tử vong, tương tự như enzyme có trong nọc độc của loài rắn đuôi chuông. Loại enzym này là phospholipase A2 (PLA2s), nhóm 2A, đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn bằng cách phá hủy màng tế bào vi khuẩn.
Theo kết quả nghiên cứu, người khỏe mạnh có nồng độ enzyme này thấp, trong khi cơ thể của người tử vong vì COVID-19 lại có nồng độ enzyme cao gấp 10 lần bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, tương đương với bệnh nhân tử vong vì nhiễm trùng máu. Khi nồng độ enzyme này quá cao, nó sẽ phá hủy lớp màng của các cơ quan quan trọng trong cơ thể con người. Theo các nhà khoa học, dựa trên nồng độ enzyme này được tìm thấy trong cơ thể, họ có thể tiên lượng khả năng sống sót của bệnh nhân. Ngoài ra, khi đã xác định được nguyên nhân là do enzyme này, họ có thể tìm ra các phương pháp chữa trị để cứu sống bệnh nhân.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 31/8, nước này ghi nhận hơn 43.000 ca mắc mới COVID-19 và 462 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 32,8 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 439.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Cảnh sát khắp Mumbai đang phát cảnh báo không cho phép người dân tụ tập, tham gia một nghi lễ "dựng tháp người" giữa thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát. Bất cứ ai vi phạm đều có thể bị phạt, vì không tuân thủ quy định phòng dịch. Cảnh sát Mumbai đưa ra cảnh báo nghiêm khắc sau khi nhiều người tuyên bố vẫn tham gia nghi lễ dựng tháp người tại lễ hội Gokulashtami nổi tiếng của Hindu giáo, bất chấp các hạn chế giãn cách vì COVID-19. Các chuyên gia lo ngại, mùa lễ hội vào tháng 9 có thể khiến Ấn Độ chứng kiến dịch COVID-19 bùng phát tương tự năm 2020.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 579.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 20,7 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Ngày 31/8, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, 70% người trưởng thành ở Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, đạt mục tiêu mà liên minh này đặt ra vào đầu năm nay. Điều này có nghĩa, ít nhất 255 triệu người ở EU đã được tiêm 2 liều vaccine của Pfizer-BionTech, AstraZeneca, Moderna hoặc một liều của Johnson & Johnson.
Tháng 1/2021, EC tuyên bố, vào mùa hè năm nay, các nước thành viên EU cần phải tiêm chủng cho ít nhất 70% người dân trưởng thành của mình. Theo đó, mỗi quốc gia trong số 27 nước thành viên EU cần phải đạt được mục tiêu này trước tháng 9.
Hàng nghìn trường học ở Mexico đã mở cửa trở lại sau 18 tháng đóng cửa do dịch COVID-19. Để đón học sinh trở lại trường học, các trường phải tuân thủ các điều kiện vệ sinh cơ bản, thông gió lớp học và liên tục thực hiện những điều chỉnh nếu cần thiết. Trước khi vào lớp, học sinh sẽ được khử khuẩn tay, kiểm tra thân nhiệt. Việc học trực tiếp sẽ được kết hợp với các bài giảng trực tuyến. Đặc biệt, việc có đưa trẻ quay lại trường học hay không sẽ dựa trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh. Năm học mới bắt đầu vào thời điểm Mexico đang chứng kiến làn sóng dịch COVID-19 thứ ba. Tỷ lệ trẻ em tại Mexico được tiêm phòng hiện vẫn còn rất thấp.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về diễn biến dịch COVID-19 tại châu Âu. Bằng chứng là tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng tại châu lục này trong 2 tuần qua, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine thấp tại một số nước. Theo WHO, có tới 33 quốc gia châu Âu ghi nhận số ca mắc mới, tăng hơn 10% trong 14 ngày qua và đây là mức cao rất đáng lo ngại. Tình hình dịch bệnh phức tạp hơn đã khiến hệ thống y tế một số quốc gia châu Âu bắt đầu quá tải, dẫn đến số ca tử vong tăng. Trong khi đó, tiến độ tiêm chủng có phần chững lại trong 6 tuần qua. WHO bày tỏ lo ngại, châu lục này sẽ có thêm 236.000 ca tử vong do COVID-19 trước ngày 1/12 tới.
Tại Pháp, dù số lượng người nhiễm COVID-19 vẫn ở mức hơn 10.000 ca một ngày nhưng Chính phủ nước này vẫn quyết định khai giảng năm học mới trong cả nước vào ngày 2/9. Song song với việc khai giảng, Pháp cũng thiết lập các trung tâm tiêm chủng tại những trường phổ thông trung học để khuyến khích học sinh tiêm vaccine phòng COVID-19.
Dù không bắt buộc nhưng trẻ em Pháp từ 12 - 17 tuổi được khuyến khích tiêm vaccine để an toàn cho sức khỏe và hạn chế lây lan dịch. Những học sinh không chấp nhận tiêm chủng dù vẫn được đến trường nhưng sẽ phải chịu những biện pháp đặc biệt.
Các cơ quan y tế ở Brussels, Bỉ đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 tại các siêu thị và trung tâm mua sắm kể từ đầu tuần này nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng ở thủ đô của Bỉ. Brussels mới chỉ tiêm chủng được cho 64% người trưởng thành, thấp hơn nhiều so với các khu vực xung quanh của Bỉ, bao gồm cả Flanders, nơi đã tiêm phòng cho 92% dân số trưởng thành.
Ngoài ra, Brussels là nơi sinh sống của người dân thuộc 182 quốc tịch khác nhau, điều này khiến việc tiếp cận và khuyến khích người dân đến trung tâm tiêm chủng khó hơn rất nhiều. Trong phạm vi Brussels, việc tiêm phòng cũng thấp hơn ở các khu dân cư nghèo. Chính vì vậy, việc triển khai tiêm chủng ở các điểm đông người như trung tâm mua sắm sẽ tăng khả năng tiếp cận vaccine đến cho nhiều người hơn. Nếu tỷ lệ tiêm chủng ở Brussels không tăng lên, Bỉ sẽ thực hiện các quy định giống Pháp là yêu cầu chứng nhận tiêm phòng để đến rạp chiếu phim và quán cà phê.
Vaccine giúp ngăn bệnh tiến triển nặng ở những bệnh nhân mắc COVID-19, giảm nguy cơ nhập viện. Thông tin khoa học này tiếp tục được khẳng định trong báo cáo mới nhất do Viện Y tế công cộng của Bỉ mới công bố. Dữ liệu mới nhất cho thấy, khả năng lây truyền virus SARS-CoV-2 ở những người đã tiêm phòng thấp hơn từ 52% đến 62%. Tại Bỉ, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine chỉ chiếm 2,5% số người nhập viện kể từ tháng 1 năm nay.
Trước đó, theo số liệu của các cơ quan y tế Mỹ, 90% trường hợp nhập viện hoặc tử vong xảy ra ở những bệnh nhân không được tiêm chủng đủ liều.
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 31/8 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, theo đó chỉ ra sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ tử trong đợt bùng phát lớn nhất ở bang Victoria vào năm 2020 và làn sóng biến thể Delta hiện đang tấn công bang New South Wales. Thủ tướng Morrison khẳng định, ông ủng hộ kế hoạch cho phép người dân Australia trở về từ nước ngoài được cách ly tại nhà khi 70% dân số được tiêm chủng đủ liều. Hiện việc cách ly tại nhà đang được thực hiên thí điểm tại bang Nam Australia. Tuy nhiên, ông Morrison cảnh báo, một số biện pháp hạn chế sẽ cần được duy trì, ngay cả khi Australia đạt được mốc tiêm chủng 80%.
Tới nay, Australia đã ghi nhận gần 54.000 ca mắc COVID-19 và 1.006 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm 2020.
Ngày 31/8, tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, Singapore ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng ở mức cao nhất trong 6 tuần qua với 156 ca mắc COVID-19. Singapore là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với 80% dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ tính tới ngày 29/8. Những tiến bộ mà Singapore đạt được trong công tác tiêm chủng trái ngược với phần lớn các nước láng giềng của nước này, vốn có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong khi phải chật vật đối phó với số ca mắc gia tăng do biến thể Delta.
Ngày 31/8, người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19 của Indonesia, ông Wiku Adisasmito, cho biết, Indonesia thành lập Nhóm đặc trách giám sát thực hiện quy định y tế 3M (đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách và rửa tay), còn gọi là Nhóm đặc trách 3M, trong bối cảnh nước này dần nới lỏng các lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) tại nhiều nơi. Nhóm đặc trách 3M được thành lập nhằm giám sát việc thực hiện các quy định phòng dịch của người dân tại nơi công cộng, góp phần tiếp nối các nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát làn sóng COVID-19 mới và gia tăng miễn dịch cộng đồng.
Malaysia đang điều tra nghi án mua giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19 giả. Trước đó, Ủy ban chống tham nhũng của Malaysia đã nhận được thông tin về việc một số cá nhân hối lộ bác sĩ để được cấp giấy chứng nhận dù họ không tiêm. Nhiều phòng khám ở bang Penang liên tục nhận được những cuộc gọi hỏi mua chứng nhận tiêm vaccine phiên bản điện tử.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 13.827 ca mắc mới COVID-19 và 118 người tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên trên 1,98 triệu bệnh nhân và 33.448 trường hợp thiệt mạng. Với khoảng 110 triệu dân, Philippines đã tiến hành xét nghiệm cho trên 17,5 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này vào tháng 1/2020.
Ngày 31/8, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chỉ đạo cho Bộ Trưởng Bộ Giáo dục Thanh niên và Thể thao nước này làm việc với lãnh đạo tất cả các tỉnh thành để mở lại trường học, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, nhưng phải đảm bảo không xảy ra lây nhiễm dịch bệnh. Theo Thủ tướng Hun Sen, hiện Campuchia có rất nhiều vùng nông thôn không xảy ra lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn phải đóng cửa trường học, điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến chương trình dạy và học tại các vùng sâu vùng xa vì những nơi này không đủ điều kiện để dạy và học trực tuyến.
Ông Hun Sen đã chỉ đạo cho Bộ Trưởng Bộ Giáo dục Thanh niên và Thể thao Campuchia làm việc với lãnh đạo tất cả các địa phương để mở lại trường học ở những vùng nông thôn không xảy ra lây nhiễm dịch bệnh. Thủ tướng Hun Sen cũng chỉ đạo xem xét mở lại các trường học ở những vùng đông dân cư đang kiểm soát được lây lan dịch bệnh. Theo Thủ tướng Hun Sen, Campuchia đã tiêm vaccine cho gần 11 triệu người, trong đó có hơn 1,5 triệu là trẻ em và thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi.
Bộ Y tế Campuchia thông báo, nước này đã phát hiện 1.916 trường hợp nhiễm COVID-19 biến thể Delta tại 23/25 tỉnh thành trong cả nước. Thủ đô của nước này là nơi có số ca nhiễm biến thể Delta nhiều nhất với 618 ca, tiếp theo là tỉnh Banteay Meanchey với 388 trường hợp. Một số tỉnh giáp biên giới với Thái Lan cũng có nhiều trường hợp nhiễm biến thể Delta, chủ yếu là lao động từ Thái Lan trở về.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia đã kêu gọi người dân hãy luôn cảnh giác và tự bảo vệ mình để tránh lây nhiễm biến thể Delta và đây cũng là cách giúp ngăn chặn và cắt đứt sự lây lan của biến thể nguy hiểm này.
Thủ đô Vientiane của Lào sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng từ ngày 31/8. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát, chính quyền thủ đô Vientiane áp dụng lệnh giới nghiêm sau khi ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh.
Lệnh giới nghiêm tại thủ đô Vientiane được áp dụng từ 22h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Trong thời gian này, chỉ các phương tiện vận chuyển hàng hóa, xe cấp cứu và xe của lực lượng phòng chống COVID hoặc các quan chức Chính phủ đang thực thi nhiệm vụ được phép hoạt động. Cùng với lệnh giới nghiêm, chính quyền Vientiane cũng yêu cầu người dân tuân thủ thêm các hạn chế mới do chính quyền thành phố ban hành.Theo đó, người dân tại các "vùng đỏ" ở thủ đô Vientiane bị cấm đi đến các tỉnh khác, trong khi những người ở vùng đỏ ở các tỉnh khác cũng bị cấm không được vào thủ đô, trừ những trường hợp được phép.
Ngày 31/8, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 199 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 64 ca cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh và được cách ly ngay. Bộ Y tế Lào nêu rõ, nước này vẫn tiếp tục ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng rải rác ở nhiều tỉnh. Đáng chú ý, thủ đô Vientiane là nơi có nhiều ca lây cộng đồng nhất cả nước trong một ngày với 24 ca, trong đó có nhiều ca làm việc tại các nhà máy.
Đại diện Bộ Y tế Lào cảnh báo về nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm lần thứ 3 tại nước này, kêu gọi người dân cả nước tăng cường tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 đã được ban hành và không được chủ quan để tránh nguy cơ tạo ra làn sóng dịch tiếp theo. Theo Bộ trên, ngày càng có nhiều trẻ em và thai phụ mắc COVID-19 tại nước này. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 15.015 ca, trong đó có 14 người tử vong.
Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA) thông báo, nước này ghi nhận thêm 14.666 ca mắc mới và 190 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên trên 1,2 triệu trường hợp và 11.589 người tử vong. Đến nay, gần 11% trong tổng số 69 triệu dân của nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm nay.
Nhật Bản đang cân nhắc tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau để đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng cũng như giảm bớt lo ngại về nguồn cung. Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, nước này có thể tiêm kết hợp một liều vaccine AstraZeneca với một liều vaccine của Pfizer/BionTech hoặc Moderna. Vì AstraZeneca khuyến cáo nên tiêm mũi thứ 2 sau mũi đầu tiên ít nhất 8 tuần nên nhiều khả năng thời gian này sẽ được rút ngắn lại nếu tiêm kết hợp. Đối với việc tiêm mũi vaccine thứ 3, Nhật Bản sẽ tiêm liều tăng cường cho các nhân viên y tế sớm nhất là vào tháng 10 tới và cho những người từ 65 tuổi trở lên vào đầu năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản Norihisa Tamura cho biết, tạp chất lạ được phát hiện trong vaccine của Moderna ở tỉnh Okinawa nhiều khả năng là do kim tiêm bị kẹt trong ống vaccine. Theo đó, trường hợp này có thể do cắm kim tiêm vào lọ không đúng cách, làm vỡ phần chặn bằng cao su của các lọ vaccine. Bộ Y tế và công ty phân phối vaccine này tại Nhật Bản cho biết, không có vấn đề an toàn nào xảy ra khi vận chuyển vaccine tới các địa phương. Ngoài ra, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ cũng khẳng định, lô vaccine ngừa COVID-19 vừa bị đình chỉ sử dụng ở Nhật Bản không liên quan đến an toàn hay hiệu quả của vaccine.
Vào tuần trước, Nhật Bản đã đình chỉ sử dụng 1,63 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Moderna sau khi phát hiện các chất lạ trong lọ vaccine và ống tiêm.
Các nhà khoa học của Đại học Y và Nha khoa Tokyo vừa phát hiện một loại biến thể Delta mới mang đột biến tương tự như biến thể Alpha. Các nhà khoa học Đại học Y và Nha khoa Tokyo tin rằng, nhiều khả năng đột biến N501S đã xảy ra ở Nhật Bản.
Sáng 31/8, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), cho biết, tính đến tối 30/8, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Hong Kong là khoảng 60,6% và khó có thể đạt được 70% vào cuối 9 tới. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy người lao động, người cao tuổi và học sinh tiêm chủng. Mặc dù hiện tại sẽ không có biện pháp bắt buộc nào nhưng cũng không loại trừ khả năng nếu dịch COVID-19 tại Hong Kong phức tạp trở lại, những người chưa tiêm phòng sẽ bị hạn chế vào nhà hàng và những nơi công cộng.
Tính đến nay, Hong Kong đã có 12.113 ca mắc COVID-19, trong đó có 212 trường hợp thiệt mạng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần kêu gọi các quốc gia giàu có ngừng tiêm mũi vaccine tăng cường, cho đến khi người dân ở các quốc gia nghèo hơn có thể tiêm những liều đầu tiên. Tuy nhiên, sau những nghiên cứu và đánh giá trước tình hình dịch bệnh tại châu Âu, tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực này, cho biết, liều bổ sung có giá trị cho những người có nguy cơ cao, dễ tổn thương, nhất là khi số ca tử vong tại châu Âu được cảnh báo sẽ tăng mạnh.
Tiến sĩ Hans nhận định, sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 trên khắp châu Âu trong hai tuần qua cùng với mức độ tiêm chủng thấp ở một số quốc gia là điều "rất đáng lo ngại". Dự kiến, đến ngày 1/12, sẽ có thêm 236.000 ca tử vong. Ông cũng cho biết, hiện đang ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả của mũi tiêm tăng cường trong bảo vệ người dễ bị tổn thương. Vì thế, việc tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 3 là một cách để bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương nhất được an toàn và nó "không phải là điều xa xỉ, cũng không lấy đi cơ hội của những người còn đang chờ đợi mũi tiêm thứ nhất". Mặc dù vậy, Tiến sĩ Hans cũng nhấn mạnh rằng, các nước châu Âu hay những nước đang dư thừa vaccine vẫn nên tiếp tục chia sẻ với các quốc gia khác.
(Theo VTV)