Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 gần 2 năm nay, các nhà khoa học, chuyên gia ngành y tế đã hết sức tâm huyết, trách nhiệm, đầu tư thời gian, trí tuệ để nghiên cứu, thử nghiệm và đã đạt nhiều kết quả hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, được thế giới đánh giá cao.
Việt Nam nằm trong nhóm bốn quốc gia đầu tiên trên thế giới nuôi cấy và phân lập thành công loại virus SARS-Co-V-2; phát triển thành công các bộ kít chẩn đoán SARS-CoV-2; thử nghiệm lâm sàng, thí điểm sử dụng thuốc kháng virus để điều trị Covid-19.
Đặc biệt, công tác thử nghiệm vaccine Covid-19 đang được khẩn trương triển khai và có những tiến triển tích cực, khả quan.
Tin vui về thuốc điều trị Covid-19
Ngày 3/9, PGS.TS. Phạm Văn Cường, Viện trưởng Viện Hóa sinh biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, sau thời gian khẩn trương nghiên cứu (từ 20/7/2021), Viện đã thành công trong việc tạo ra quy trình tổng hợp và tinh chế hoạt chất Molnupiravir quy mô pilot (là quy mô lớn hơn nhiều so với quy mô phòng thí nghiệm, nhưng nhỏ hơn quy mô sản xuất).
Để đẩy nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, được sự đồng ý của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hóa sinh biển đã ký kết hợp đồng chuyển giao quy trình sản xuất Molnupiravir quy mô pilot cho một công ty dược phẩm.
Theo PGS Cường, Viện đã hoàn thành nghiên cứu. Do Viện không có chức năng sản xuất và không có hệ thống máy móc, nhà xưởng quy mô lớn, nên các bước sau đó, từ sản xuất, bào chế, thử nghiệm lâm sàng, xin cấp phép sẽ do doanh nghiệp thực hiện.
"Chúng tôi mong muốn, trên cơ sở quy trình mà các nhà khoa học của Viện đã chuyển giao, doanh nghiệp sẽ tổ chức sản xuất, nhanh chóng có thuốc Molnupiravir của Việt Nam để phục vụ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đáp ứng tình hình cấp bách hiện nay", PGS Cường cho biết.
Theo PGS Cường, trong số các thuốc điều trị SARS-CoV-2, thuốc Molnupiravir là thuốc kháng virus đặc hiệu, dùng theo đường uống, hiện đang trong các thử nghiệm lâm sàng cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp.
Đặc biệt, thuốc giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã triển khai chương trình thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân điều trị ngoại trú tại TPHCM.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, từ đầu năm 2020, các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu khác nhau phục vụ phòng chống Covid-19: Nghiên cứu bộ kit phát hiện SARS-CoV-2, nghiên cứu giải trình tự toàn bộ hệ gene của bốn chủng SARS-CoV-2,
Nghiên cứu các loại thuốc điều trị và đã đạt được những thành công như đã xây dựng được quy trình tổng hợp thuốc Favipiravir quy mô phòng thí nghiệm; nghiên cứu thành công giai đoạn tiền lâm sàng thuốc thử nghiệm điều trị Covid-19 từ thảo dược có tên Vipdervir…
Thuốc Vipdervir là chế phẩm thuốc y học cổ truyền có triển vọng trong điều trị bệnh Covid-19 có tên Vipdervir, do PGS-TS Lê Quang Huấn và cộng sự tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy sản phẩm an toàn và có tác dụng ức chế sự phát triển của virus SARS-CoV-2, tăng cường miễn dịch trên các mô hình nghiên cứu thực nghiệm.
Ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học Quốc gia (Bộ Y tế) đánh giá cao kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng và chấp thuận đề cương nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân Covid-19 với thuốc Vipdervir.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ đào tạo thuộc Bộ Y tế, cho biết nghiên cứu ở giai đoạn tiền lâm sàng cho kết quả rất tốt. Hiện Bộ Y tế đã cho phép được đánh giá trên lâm sàng, nếu vẫn cho kết quả tốt sẽ được cấp phép.
Cũng theo ông Quang để thử nghiệm trên người sẽ mất khoảng 2-3 tháng. Hy vọng từ nay đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành nghiên cứu lâm sàng và có thể cấp phép lưu hành cho sản phẩm này.
Cuộc đua vaccine Covid-19 tại Việt Nam
Tại Việt Nam, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, các Bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế đã tập hợp nhà khoa học, đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu vaccine. Không chỉ các viện nghiên cứu, cả doanh nghiệp cũng nhanh chóng vào cuộc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19.
Vaccine Covid-19 Nano Covax do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và sản suất, đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Trong nước đang có 4 đơn vị đang nghiên cứu vaccine Covid-19, gồm Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (Polyvac), Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (Ivac) , Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược (Nanogen). Tất cả đều có tiến độ khả quan, dự kiến cuối năm 2021 ra mắt sản phẩm.
Hiện đã có 2 vaccine Covid-19 do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất được thứ nghiệm trên người.
Cụ thể, vaccine Covid-19 Nano Covax của Nanogen vừa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3a (trên gần 1000 tình nguyện viên, tiêm đủ 2 mũi vaccine Nano Covax) và đang thử nghiệm giai đoạn 3b (trên 12.000 tình nguyện viên).
Ngày 22/8/2021, Hội đồng Đạo đức đã họp khẩn cấp để đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a ứng viên vaccine Nano Covax và đánh giá ứng viên vaccine Nano Covax có tính sinh miễn dịch trên các xét nghiệm đã có kết quả.
Ngày 29/8/2021, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế) đã họp xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành vaccine Nano Covax do Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen đăng ký và sản xuất.
Hội đồng tư vấn đã thống nhất kết luận, vaccine Nano Covax chưa đủ điều kiện để cấp phép lưu hành khẩn cấp và yêu cầu Nanogen bổ sung thêm dữ liệu về tính an toàn, về tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ. Sau khi có các dữ liệu bổ sung, Hội đồng Đạo đức và Hội đồng tư vấn tiếp tục xem xét, thẩm định cuốn chiếu các kết quả nghiên cứu để có thể cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện trong trường hợp cấp bách.
Ngày 2/9, Công ty Nanogen cho biết vừa có báo cáo giải trình các yêu cầu của Bộ Y tế liên quan đến hồ sơ xin cấp phép khẩn vaccine Covid-19 Nano Covax.
Ngoài vaccine Covid-19 Nano Covax, hiện nay vaccine Covid-19 Covivac do Ivac nghiên cứu và sản xuất cũng đang bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 (từ ngày 10/8). Giai đoạn này sẽ thử nghiệm vaccine trên 375 người, dự kiến đến 20/9 sẽ hoàn tất.
Ứng dụng phòng xét nghiệm lưu động tại các điểm nóng dịch Covid-19
Đầu tháng 6/2021, 5 phòng xét nghiệm container an toàn sinh học cấp độ 2 đã được đưa vào sử dụng tại các tỉnh có dịch Covid-19 diễn ra phức tạp tại các tỉnh phía Nam. Phòng xét nghiệm container là sản phẩm được thiết kế và thi công bởi nhóm nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Các container xét nghiệm di động này được thiết kế theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và phù hợp với yêu cầu phòng xét nghiệm do Bộ Y tế quy định.
Một phòng xét nghiệm container do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và đưa vào ứng dụng.
Các container này được trang bị hệ thống RT-LAMP, thiết kế hệ thống áp lực âm ngăn virus, hệ thống tủ an toàn sinh học để ngăn chặn vi rút lây nhiễm cho người xét nghiệm. Bộ lọc HEPA ngăn chặn sự phát tán của virus, hệ thống xử lý nước thải cũng như hệ thống cấp điện lưu động cùng hệ thống bàn ghế thí nghiệm, giá đỡ chống rung, lò hấp tiệt trùng và tủ lạnh y tế và hệ thống chuyển mẫu khép kín.
Ưu điểm của mô hình này là thuận tiện di chuyển, có thể đưa đến bất kỳ địa điểm nào trên cả nước (khu công nghiệp, vùng núi, biên giới…) để tiến hành xử lý xét nghiệm tại chỗ, giảm thiểu các nguy cơ lây lan dịch bệnh và quá tải cho các bệnh viện.
Container xét nghiệm Covid-19 lưu động tiết kiệm thời gian và đảm bảo tiêu chuẩn xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giảm chi phí so với việc xây dựng phòng thí nghiệm tại chỗ, tiết kiệm chi phí vận chuyển mẫu cũng như khấu hao khác liên quan đến việc vận chuyển mẫu từ điểm lấy mẫu đến các phòng thí nghiệm. Về lâu dài, phòng thí nghiệm di động này có thể hoạt động cho các nhu cầu khác của phòng thí nghiệm...
(Theo Dân Viêt)