Trong khi các chính phủ và các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang tranh luận về việc ai cần mũi tiêm vaccine tăng cường và khi nào, các nghiên cứu mới đây đã cho thấy vaccine Moderna có thể mang tới khả năng bảo vệ lâu dài hơn Pfizer, theo Financial Times.
Paul Burton, giám đốc y tế của Moderna, cho biết một loạt nghiên cứu "rất đáng tin cậy” trong vài tuần qua chỉ ra rằng mũi tiêm Moderna có hiệu quả "lâu dài” và giúp chống lại biến chủng Delta. Thêm vào đó, loại vaccine này cũng có tác dụng đối với những người bị suy giảm miễn dịch.
Khả năng bảo vệ vượt trội hơn của Moderna
Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy các nhân viên y tế Bỉ được tiêm vaccine Moderna có số lượng kháng thể cao gấp đôi so với những người được tiêm Pfizer, sau 2 tháng tiêm liều thứ hai.
Theo bà Deborah Steensels, một trong những tác giả của nghiên cứu, số lượng kháng thể cao hơn ngay sau khi tiêm chủng sẽ dẫn đến khả năng bảo vệ lâu dài hơn và khả năng chống lại các biến chủng của virus tốt hơn.
Bà cho biết: "Hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng bệnh nặng và tử vong là cao đối với tất cả loại vaccine. Đó cũng là điều mà mọi người mong đợi ở vaccine".
"Tuy nhiên, theo giả thuyết của chúng tôi, để thời gian bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng bệnh nhẹ kéo dài hơn, số lượng kháng thể sau tiêm chủng cần phải cao hơn", bà cho biết thêm.
Một nghiên cứu khác trong tuần qua từ Đại học Virginia cho thấy những người tiêm vaccine Moderna có nhiều kháng thể hơn những người được tiêm Pfizer. Sự khác biệt trở nên rõ ràng hơn ở nhóm người cao tuổi.
Một số nhà khoa học cho rằng vaccine Moderna có tác dụng lâu dài hơn vì liều lượng mRNA của nó cao gấp 3 lần so với Pfizer. mRNA là mã di truyền "dạy hệ thống miễn dịch" cách nhận biết lượng protein tăng đột biến của virus corona.
Một nhân tố khác ảnh hưởng đến hiệu quả là thời gian giữa các mũi tiêm. Theo khuyến nghị, khoảng cách giữa hai mũi vaccine Moderna là 4 tuần trong khi khoảng cách đó ở Pfizer là 3 tuần.
Pfizer cho biết vaccine của họ tiếp tục mang đến "hiệu quả cao", trong đó có khả năng chống lại các biến chủng và ngăn ngừa triệu chứng nặng cũng như việc phải nhập viện.
Các nghiên cứu về kháng thể cho thấy những ca nhiễm đột phá xuất hiện nhiều hơn ở những người tiêm vaccine của Pfizer so với Moderna.
Nghiên cứu từ Mayo Clinic ở Mỹ và Qatar cho thấy vaccine Moderna có hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, kết quả rất phức tạp bởi thực tế, vaccine Pfizer được phân phối sớm hơn, do vậy khả năng bảo vệ có thể bị suy giảm hoặc vaccine đã được tiêm cho người dễ bị tổn thương.
Các loại vaccine khác cũng có thể có "tuổi thọ" cao hơn Pfizer. Hai nghiên cứu cho thấy hiệu quả của AstraZeneca suy giảm chậm hơn Pfizer.
Vẫn cần thêm thời gian để khẳng định
Tim Spector, người đồng sáng lập ứng dụng nghiên cứu triệu chứng Zoe và giáo sư tại King’s College London, cho biết: "Chúng tôi cho rằng vaccine Pfizer rất tốt, nhưng tác dụng của loại vaccine này lại suy giảm nhanh hơn một chút”.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn để phân biệt giữa các loại vaccine. Những dữ liệu quan trọng sẽ được đưa ra trong 6 tháng tới.
Paul Hunter, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học East Anglia, cảnh báo về việc phụ thuộc quá nhiều vào các nghiên cứu - điều có thể "chỉ mang tính ngẫu nhiên”. Ông nói: "Những phát hiện bất ngờ này xuất hiện khá thường xuyên trong dịch tễ học”.
Cả vaccine Moderna và Pfizer đều đang bám đuổi nhau trong kế hoạch về liều tăng cường. Cả hai hãng dược phẩm đang phát triển vaccine để thích ứng với biến chủng Delta.
Các mũi tiêm thứ ba giúp tăng cường mức độ kháng thể. Pfizer cho biết những người được tiêm nhắc lại ít nhất 6 tháng sau liều thứ hai có lượng kháng thể nhiều hơn từ 5-10 lần so với hai mũi ban đầu.
Moderna đã gửi dữ liệu của mình cho Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (CDC) vào ngày 31/8. Hãng cho biết sử dụng thêm một nửa liều vaccine Moderna vẫn có nhiều mRNA hơn Pfizer.
Việc tiêm nhiều mũi vaccine có thể mang đến lợi ích cho các nhà đầu tư. Điều này có thể tiềm ẩn xung đột lợi ích khiến các nhà khoa học thận trọng về việc thúc đẩy tiêm liều tăng cường của các hãng dược phẩm.
Eric Topol của Viện nghiên cứu Scripps cho biết ông nhận thấy nỗ lực ban đầu của Pfizer đối với các mũi tăng cường "thực sự kỳ cục” bởi dường như không có bằng chứng về sự cần thiết phải tiêm nhắc lại. Điều này có thể giúp hãng dược phẩm này thu về "hàng tỷ USD”.
Song giờ đây, với nhiều dữ liệu đến từ Israel, ông tin rằng những liều tăng cường chỉ nên dành cho những người trên 60 tuổi.
Jo Walton, một nhà phân tích tại Credit Suisse, cho biết còn quá sớm để kết luận bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào về hiệu quả giữa các vaccine Covid-19.
Bà tin rằng các chính phủ đang cố gắng đảm bảo càng nhiều liều vaccine càng tốt trong thời gian ngắn để đáp ứng cho các chiến dịch tiêm nhắc lại, chương trình tiêm chủng cho trẻ em và mối đe dọa của các biến chủng.
Jon Miller, một nhà phân tích tại Evercore, cho biết sự khác biệt của vaccine đã không được "chứng minh một cách thuyết phục”. Bên cạnh đó, "cuộc đua gay cấn” giữa Moderna, Pfizer và AstraZeneca đã không thúc đẩy nguồn cung của họ.
Thay vào đó, ông cho biết các nhà đầu tư quan ngại rằng việc suy giảm hiệu quả của vaccine có thể dẫn đến các yêu cầu về lệnh đóng cửa giữa bối cảnh biến chủng Delta đang hoành hành và số ca mắc mới tăng lên.
(Theo Zing)