Thông tin được Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nói tại chương trình Tọa đàm Kiểm soát dịch bệnh trên VTV1 tối 12/9, khi đề cập về kế hoạch giãn cách xã hội của thành phố sau ngày 15/9.
Theo ông Đức, tinh thần là từ ngày 15/9 đến cuối tháng 9, TP HCM vẫn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; một số địa bàn tiếp tục duy trì Chỉ thị 16+ và một số quận, huyện có tình hình tương đối ổn định như Cần Giờ, Củ Chi có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+.
Về việc cấp thẻ xanh, thẻ vàng Covid, ông Đức cho biết TP HCM và nhiều tỉnh phía Nam đang nghiên cứu cơ chế cấp hai loại thẻ này hoặc hình thức tương tự để tạo điều kiện cho một số nhóm an toàn được mở rộng hơn các hoạt động theo tinh thần "an toàn đến đâu mở rộng đến đó".
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế cùng các lực lượng đang chuẩn bị đồng bộ cơ sở dữ liệu và hoàn thiện công nghệ thông tin với mục tiêu hướng tới là cả nước sử dụng một công cụ, ứng dụng duy nhất sau khi dữ liệu được đồng bộ. Khi đó, người nào được cấp thẻ xanh, thẻ vàng được cập nhật tự động trên điện thoại di động.
"Tuy nhiên, không phải ai cũng tiếp cận được công nghệ nên TP HCM sẽ nghiên cứu thêm cách khác và tham vấn chuyên gia tạo điều kiện cho người dân được hưởng quyền lợi như nhau", ông Đức nói và cho biết sau ngày 15/9, TP HCM chưa thể nới lỏng giãn cách xã hội theo thẻ xanh, thẻ vàng Covid.
Phó chủ tịch Dương Anh Đức cũng cho biết TP HCM đang cân nhắc, khi đã sẵn sàng mới triển khai thẻ xanh, thẻ vàng Covid. Bởi theo ông, một trong những tiêu chí quan trọng để có thẻ xanh là người dân đã tiêm 2 mũi vaccine ít nhất 2 tuần.
Đến ngày 12/9, TP HCM đã tiêm khoảng 7,8 triệu mũi vaccine; trong đó, hơn 1,3 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi. Tuy nhiên, phần lớn người được tiêm mũi 2 là người lớn tuổi và người có bệnh lý nền, được xếp vào nhóm có nguy cơ cao và hạn chế ra đường. Do vậy, số người dự kiến nhận được thẻ xanh Covid không quá lớn.
Trước đó, tại hội nghị Thành ủy TP HCM mở rộng chiều 11/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói có thể thành phố không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, mà chỉ có một số quận, huyện hoàn thành. Do đó, TP HCM phải "xin thêm một thời gian nữa", có thể tới hết tháng 9/2021 để hoàn thành mục tiêu đề ra. Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố được giao thảo luận để có văn bản sớm xin ý kiến của Chính phủ.
Về lý do TP HCM cần thêm 2 tuần để kiểm soát Covid-19, lãnh đạo Thành ủy thành phố cho rằng đây quãng thời gian quan trọng và phù hợp với quy luật của dịch bệnh. Theo đó, TP HCM đang ghi nhận hơn 100.000 F0 cần quản lý, điều trị. Sau 2 tuần, số F0 trên có thể được kéo giảm, đồng nghĩa việc thành phố hạn chế, ngăn chặn được nguồn lây lan.
Ngoài ra, thành phố đang có tốc độ, tỷ lệ người dân được tiêm vaccine Covid-19 ở mức cao. Sau 2 tuần, kháng thể của người được tiêm chủng sẽ được nâng lên, tạo những hiệu quả về mặt dịch tễ. "Với 2 lý do vừa phân tích, cộng với các biện pháp khác nhằm ổn định tình hình, tăng cường, nâng cao chất lượng điều trị, chắc chắn thành phố sẽ có kết quả khả quan hơn bây giờ", ông Nên nói.
Nghị quyết 86 của Chính phủ ban hành ngày 10/8 đặt mục tiêu TP HCM kiểm soát được dịch trước 15/9. Đến nay, thành phố ghi nhận 298.029 ca nhiễm và trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ, trong đó có 22 ngày siết chặt giãn cách theo nguyên tắc "ai ở đâu yên đó".
Thành phố đang lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo Kế hoạch phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế của TP HCM sau ngày 15/9 với 3 giai đoạn dự kiến: từ 16/9 đến 31/10; 31/10/2021 đến 15/1/2022; sau 15/1/2022.
(Theo VnExpress)