Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 645.640 ca mắc COVID-19, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.562 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 641.244 ca, trong đó có 409.876 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình.
+ Có 04 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (315.088), Bình Dương (166.075), Đồng Nai (37.169), Long An (29.289), Tiền Giang (12.561).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 15/9: 14.189
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 412.650
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.008 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.855
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.113
- Thở máy không xâm lấn: 127
- Thở máy xâm lấn: 877
- ECMO: 36
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 261 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.186 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 240.194 xét nghiệm cho 718.063 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 15.753.091 mẫu cho 45.813.130 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 31.254.856 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 25.420.169 liều, tiêm mũi 2 là 5.834.687 liều.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 227.150.515 ca, trong đó có 4.671.404 người tử vong.
Các nước cũng ghi nhận trên 202 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 19 triệu ca và trên 103.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 15/9, thế giới có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 42.433.211 ca mắc và 684.576 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 443.900 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 588.000 ca tử vong.
TP HCM: Thí điểm "thẻ xanh COVID-19" tại 5 đơn vị
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP HCM chiều ngày 15/9, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết UBND TP cho phép thí điểm "thẻ xanh COVID-19" tại 5 đơn vị: huyện Củ Chi; các khu chế xuất - khu công nghiệp, ban quản lý khu công nghệ cao, quận 7, huyện Cần Giờ.
Việc thí điểm này sẽ triển khai có lộ trình ở những nhóm đơn vị cụ thể, kiểm tra hằng ngày để thay đổi kịp thời. Trong trường hợp có địa phương đảm bảo các tiêu chí để thí điểm thẻ xanh thì TP HCM sẽ triển khai chứ không nhất thiết chỉ 5 đơn vị này.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM, khẳng định TP HCM quyết tâm đảm bảo những giải pháp an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mục tiêu giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể trong vòng 14 ngày.
Bên cạnh đó, khi xét nghiệm RT-PCR phải trả kết quả trong 12 giờ, đối với vùng nguy cơ cao phải xét nghiệm 3 lần/7 ngày, ưu tiên xét nghiệm kháng nguyên để bóc tách F0 nhanh
Bệnh viện điều trị COVID-19 tuyến cuối tại Hà Nội tiếp nhận ca bệnh đầu tiên
Chiều 15/9, Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch quy mô 500 giường tại Hà Nội đã tiếp nhận người bệnh đầu tiên.
Người này là nam giới, 72 tuổi, ở Minh Khai, Hai Bà Trưng, xét nghiệm dương tính ngày 10/9, điều trị tại Bệnh viện Bắc Thăng Long. Ngày 11/9, bệnh nhân khó thở, chuyển sang Bệnh viện Thanh Nhàn, được chỉ định dùng thuốc corticoid, chống đông, kháng sinh, thở máy, nội khí quản, lọc máu.
Đến chiều 15/9, ông chuyển cấp cứu đến Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Yên Sở, quận Hoàng Mai.
Bệnh viện này do BV Đại học Y Hà Nội thiết lập và chịu trách nhiệm vận hành, chính thức khánh thành vào ngày 31/8. Với quy mô 500 giường bệnh, Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 được thiết kế thành 19 khối nhà điều trị và các khu phụ trợ về chuyên môn, hậu cần.
Đây là tuyến cuối trong tháp điều trị COVID-19 tại TP Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn).
Bệnh viện cũng thực hiện chức năng của Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 Quốc gia với nhiệm vụ cụ thể là: tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị COVID-19 cho các cơ sở y tế tại khu vực được phân công.
(Theo SKĐS)