Lộ trình “sống chung với Covid -19” ở châu Á

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/10/2021 | 9:36:57 AM

Covid-19 là bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vaccine và thực hiện các biện pháp phù hợp - quan điểm đó đang được chính phủ nhiều nước trên thế giới thúc đẩy trong nỗ lực khôi phục từng bước đời sống bình thường cho người dân.

Chương trình “Hộp cát du lịch” của Thái Lan bước đầu thành công
Chương trình “Hộp cát du lịch” của Thái Lan bước đầu thành công

Chuyển biến tích cực

Tuần qua, thêm hàng loạt quốc gia chính thức công bố hoặc bắt tay vào soạn thảo chiến lược, kế hoạch, lộ trình "sống chung với Covid-19” trong dài hạn. Điều đó cho thấy, việc điều chỉnh chính sách từ Zero Covid sang thích ứng an toàn với Covid-19 đang là xu thế chung. 

Châu Á là khu vực khá tích cực chuyển động theo xu thế này. Tuần báo The Economist có bài "Các nước châu Á rốt cuộc đã từ bỏ chiến lược Zero Covid” và cho rằng họ đã đúng. Trong thời gian đầu, chiến lược Zero Covid gặt hái thành công ngoạn mục qua việc đóng cửa biên giới, cách ly nghiêm ngặt. 

Tuy nhiên, biến chủng Delta đã thay đổi tất cả. Singapore là nước đầu tiên từ bỏ chiến lược Zero Covid. Hàn Quốc ngày 13-10 đã thành lập Ủy ban hỗ trợ khôi phục đời sống thường nhật để xây dựng lộ trình từng bước khôi phục trạng thái bình thường mới ở nước này từ tháng 11 tới với 3 phương hướng lớn. Trước mắt là "khôi phục dần dần, từng bước” theo hướng quản lý phòng dịch chặt chẽ như áp dụng "Thẻ thông hành vaccine” đồng thời củng cố hệ thống y tế. Tiếp đến là "khôi phục một cách bao trùm” và cuối cùng là "đời sống thường nhật đồng hành cùng người dân”.

Chính sách riêng cho xu hướng chung

Lộ trình kiểm soát đại dịch và khôi phục nền kinh tế của Indonesia được triển khai song song với việc thực hiện các quy định 3M (khẩu trang, rửa tay, khoảng cách), 3T (truy vết, xét nghiệm, điều trị), tiêm chủng và việc triển khai ứng dụng PeduliLindungi trong quản lý, kiểm soát tiêm vaccine. Từ ngày 14-10, các cửa khẩu hàng không quốc tế của Indonesia đã mở lại để đón du khách từ 18 quốc gia. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia đã thông báo triển khai 6 chiến lược để ngăn chặn nguy cơ làn sóng mới vào cuối năm - thời điểm hoạt động đi lại của người dân gia tăng dịp Giáng sinh và năm mới. Các chiến lược này tập trung vào kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực và hoạt động di chuyển khi mở cửa trở lại; tiếp tục tăng cường chiến dịch tiêm chủng, nhất là tiêm cho trẻ em.

Theo lộ trình trở lại cuộc sống bình thường mới, thời gian giới nghiêm ban đêm tại Thái Lan được rút ngắn (từ 23 giờ đêm hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau) và nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại từ ngày 16-10. Các cửa hàng tiện lợi, chợ, rạp chiếu phim, quán ăn, rạp hát, sân vận động, công viên và trung tâm mua sắm có thể mở cửa đến 22 giờ, trong khi tất cả các phương tiện giao thông công cộng không cần áp dụng quy định giãn cách ghế. Thái Lan cũng đã công bố kế hoạch từ ngày 1-11 mở cửa hoàn toàn cho du khách đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19 đến bằng đường hàng không từ 10 quốc gia được coi là có nguy cơ bùng phát dịch bệnh thấp như Anh, Mỹ, Trung Quốc, Đức và Singapore. 

Singapore đã xác định đi theo con đường "thích nghi, phát triển và chung sống lâu dài với Covid-19” từ cuối tháng 5 vừa qua. Hiện tại, các trung tâm mua sắm lớn, các khu vực ăn uống tập trung ở đảo quốc này dần nhộn nhịp trở lại. Các công trình xây dựng nhà ở, đường sá, cầu cống đã và đang được thi công khẩn trương nhằm bắt kịp tiến độ sau thời gian đình trệ. Hoạt động giao thông, đi lại bằng xe buýt, bằng tàu điện ngầm, ô tô cá nhân gần như đã trở lại với lưu lượng như trước khi có dịch. Singapore tuyên bố sẽ mở rộng Chương trình Hành lang du lịch cho khách đã tiêm đủ liều vaccine, mở cửa đường biên giới và không yêu cầu cách ly với những người đã tiêm đủ vaccine từ 9 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đan Mạch, Hà Lan và Tây Ban Nha từ ngày 19-10. 

Dù mỗi nước có chính sách mở cửa riêng nhưng nhìn chung, để tiến tới cuộc sống bình thường mới trong điều kiện an toàn nhất định, bên cạnh ý thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng mỗi người dân, việc xây dựng "tấm lá chắn” tiêm chủng vaccine luôn được các quốc gia coi trọng.

(Theo SGGP)

Các tin khác

Đến nay đã có 791.844 bệnh nhân COVID-19 trong tổng số 864.053 ca mắc ở nước ta được chữa khỏi. Về các bệnh nhân đang điều trị hiện chỉ còn 3.413 ca nặng. Hàng loạt y bác sĩ TP HCM đến hỗ trợ các tỉnh chống dịch; Hà Nội gỡ chốt phong toả Bệnh viện Việt Đức.

Hình ảnh viên uống chữa COVID-19 molnupiravir của hãng Merck

Kế hoạch ra mắt thuốc chống COVID-19 dạng viên của hãng Merck có thể sẽ lại tạo ra tình trạng bất bình đẳng về phân phối giống như vắc-xin, nguy cơ đẩy những nước cần thuốc nhất bị bỏ lại phía sau, các tổ chức y tế quốc tế cảnh báo.

Người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khi đi và đến sân bay quốc tế Nội Bài.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 trong nước vẫn diễn biến khó lường. Nguy cơ dịch bệnh gia tăng và tái bùng phát có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội.

Lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa các khu có nguy cơ lây nhiễm tại xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu yêu cầu thành phố Việt Trì kích hoạt lại khu cách ly tập trung sau chùm ca COVID-19 trong khi tỉnh Yên Bái - giáp ranh Phú Thọ siết chặt phòng chống dịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục