Theo phóng viên TTXVN tại Đức, số liệu của các cơ quan y tế ghi nhận tối 10/11 cho biết chỉ trong 24 giờ qua, cả nước Đức đã ghi nhận có thêm 44.082 ca nhiễm mới, tăng gần 71% so với thứ Tư tuần trước và là ngày ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục ở Đức từ đầu dịch. Số ca tử vong trong ngày cũng tăng thêm 246 ca, và tính từ khi dịch bùng phát tới nay đã có 97.032 ca tử vong và 4,862 triệu ca nhiễm. Ngày 10/11 cũng là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ cuối tháng 5 vừa qua. Trong số 16 bang ở Đức có 3 bang ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay, trong đó riêng bang Bayern ghi nhận tới 10.401 ca, Baden-Wurttemberg 8.057 ca và Thuringen 2.022 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại bang Sachsen cũng tiếp tục gia tăng, với 6.412 ca.
Trong số 10 điểm nóng có tỷ lệ nhiễm mới trung bình 100.000 dân/7 ngày ở mức cao nhất trên toàn nước Đức thì có tới 9 điểm nằm ở bang Bayern, trong đó tỷ lệ nhiễm bệnh tại huyện Rottal-Inn đứng đầu cả nước với 1.104,3 ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong vòng một tuần. Do tỷ lệ nhập viện ở mức cao, đèn cảnh báo dịch bệnh ở Bayern đã chuyển sang màu đỏ, khiến giới chức bang miền Nam nước Đức phải ban bố tái áp đặt tình trạng thảm họa trên toàn bang bắt đầu từ ngày 11/11. Phát biểu tại thành phố Munchen, Thủ hiến Bayern Markus Soder nhấn mạnh, tình trạng thảm họa được ban bố do tình hình đại dịch đặc biệt nghiêm trọng hiện nay. Việc ban bố tình trạng thảm họa sẽ cho phép tất cả các cơ quan chức năng, cơ quan công vụ và các tổ chức liên quan kiểm soát thiên tai có thể phối hợp hành động một cách bài bản và nhịp nhàng.
Trước đó, cũng do đại dịch COVID-19, Bayern từng phải ban bố tình trạng thảm họa ngày 9/12/2020 và tới ngày 4/6/2021 mới được dỡ bỏ. Theo Thủ hiến Soder, tình hình lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp ở Bayern. Tỷ lệ mắc bệnh trung bình 100.000 dân/7 ngày luôn đạt mức cao mới, trong khi công suất sử dụng giường bệnh, đặc biệt là giường bệnh chăm sóc đặc biệt với bệnh nhân COVID-19, tiếp tục tăng cao. Nhiều bệnh viện đã không còn hoặc rất ít giường trống.
Trong bối cảnh dịch bệnh tăng mạnh trên toàn nước Đức, ông Soder cũng kêu gọi các đảng đang đàm phán thành lập chính phủ gồm SPD, FDP và đảng Xanh cần có một "kế hoạch khẩn cấp" phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời cần phải áp đặt tiêm chủng bắt buộc ở một số ngành nghề nhạy cảm, như tại các cơ sở dưỡng lão hay bệnh viện, cũng như đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm mũi tăng cường. Ông nhấn mạnh rằng, việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, các quy tắc 3-G hay 2-G là những công cụ đúng đắn, song có thể chưa đủ mạnh để đẩy lùi dịch bệnh. Với những biện pháp hiện nay sẽ khó phá vỡ làn sóng lây nhiễm gia tăng mạnh. Đức cần một kế hoạch khẩn cấp cho mùa Đông này để phòng ngừa trong trường hợp xấu nhất xảy đến.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 10/11 đã đề xuất nhanh chóng tiến hành Hội nghị thượng đỉnh liên bang để tìm cách ngăn chặn tình trạng dịch bệnh gia tăng không phanh hiện nay. Theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert, đại dịch đang lan rộng một cách khủng khiếp, đòi hỏi một sự phản ứng nhanh chóng và nhất quán. Hiện Chính phủ liên bang đang liên hệ với các bang để sớm tiến hành cuộc họp giữa Thủ tướng Merkel với Thủ hiến các bang nhằm thảo luận về tình hình đại dịch COVID-19. Phát biểu tại một cuộc họp của nhóm nghị sĩ liên đảng bảo thủ, Thủ tướng Merkel cho rằng trong cuộc chiến chống đại dịch hiện nay, tiêm mũi tăng cường được đặt lên hàng đầu và Israel là mô hình cho thấy rõ hiệu quả khi nước này đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ tư. Cũng theo bà Merkel, quy tắc 2-G trong vài tuần tới cũng sẽ là một phần quan trọng trong chính sách chống COVID-19.
Bộ Y tế liên bang Đức cùng ngày đã cảnh báo trước tình trạng lây nhiễm mạnh của đại dịch, cho rằng nếu xu hướng lây nhiễm hiện nay không bị ngăn chặn, số ca nhiễm mới sẽ tăng gấp đôi trong 2 tuần tới. Cùng ngày 10/11, Chính quyền thành phố Berlin đã thông qua quy định áp dụng quy tắc 2-G trên toàn thành phố và quy định này sẽ có hiệu lực từ đầu tuần tới. Theo đó, người vào các nhà hàng, rạp chiếu phim hay các sự kiện phải là những người đã tiêm đủ hoặc đã khỏi bệnh, ngoại trừ người dưới 18 tuổi.
* Nhật Bản công bố kế hoạch sống chung với COVID-19
Chính phủ Nhật Bản sẽ công bố kế hoạch tổng thể về giải pháp ứng phó với dịch bệnh COVID-19 vào ngày 12/11.
Đây là bước chuẩn bị chủ động và toàn diện nhất từ trước đến nay của quốc gia Đông Bắc Á này nhằm hiện thực hóa kế hoạch sống chung an toàn với COVID-19.
Kế hoạch sẽ tập trung vào các giải pháp tăng thêm 30% khả năng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 của các cơ sở y tế ngay trong tháng này.
Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trên phạm vi rộng, các địa phương sẽ xét nghiệm PCR miễn phí cho tất cả đối tượng, kể cả người không có triệu chứng.
Từ tháng 12 sẽ tiêm vaccine mũi thứ ba cho tất cả đối tượng đã hoàn thành mũi tiêm thứ hai được ít nhất 8 tháng.
Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ tối đa 2 tỷ Yen (khoảng 18 triệu USD) chi phí phát triển đối với mỗi loại thuốc đặc trị COVID-19 và đặt mục tiêu sẽ đưa thuốc dạng uống vào điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ.
(Theo VTV)