Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) quốc gia, dù dịch COVID-19 bùng phát tại các trường học thì tỷ lệ lây truyền trong trường học khi có nhiều chiến lược phòng ngừa thường thấp hơn, hoặc tương tự với mức lây truyền cộng đồng.
Chính vì vậy, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, hướng dẫn của ngành y tế tỉnh để kịp thời có những phương án phòng, chống dịch trong trường học để đảm bảo hiệu quả cao nhất..
Ngày 13/11, ngay sau khi có thông tin về trường hợp F0 tại xã Tân Đồng, Phòng GD&ĐT, Trường TH&THCS Tân Đồng phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 huyện Trấn Yên, đặc biệt là cơ quan y tế đã xác định 2 trường hợp F1 và 68 trường hợp F2 là học sinh và giáo viên của nhà trường. Với kịch bản định sẵn, nhà trường đã có những phương án xử lý kịp thời.
Ông Vũ Quốc Long - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên cho biết: "Phòng GD&ĐT huyện đã hướng dẫn nhà trường cho 2 lớp có 2 học sinh F1 nghỉ học, giáo viên giao bài tập qua các nền tảng mạng xã hội như email, nhóm zalo, hướng dẫn học sinh ôn luyện tại nhà. Phối hợp với cơ quan y tế tiến hành phun khử khuẩn trường lớp học. Ngoài 2 lớp có học sinh F1 thì các lớp khác vẫn tiến hành học bình thường đảm bảo nguyên tắc phòng dịch 5K. Cùng đó, nhà trường phối hợp với cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm với 68 trường học F2 ngay tại trường và hướng dẫn tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại gia đình”.
Sáng qua 17/11, nhà trường đã nhận thông báo các trường hợp F1 sau khi xét nghiệm lần 2 đã cho kết quả âm tính. Hôm nay 18/11, học sinh khối THCS của trường sẽ trở lại trường tiếp tục các hoạt động học tập bình thường.
Được biết, ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT ngày 12/11, Phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên đã xây dựng kế hoạch phòng dịch Covid-19 trong trường học chi tiết, hướng dẫn các đơn vị trường học xây dựng kế hoạch theo điều kiện của từng đơn vị trường học. Do đó, thầy và trò huyện Trấn Yên không chủ quan cũng không hoang mang trước diễn biến của dịch bệnh, mà chủ động các phương án phòng chống.
Để kịp thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), trường trung cấp... kịp thời rà soát, bổ sung, xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống và xử lý khi có F0, F1, F2.
Trong đó, các đơn vị xác định các nguy cơ lây nhiễm vào trường học, từ đó triển khai thành lập ban chỉ đạo, các tổ giám sát an toàn Covid-19 trong trường học; quản lý cán bộ, giáo viên, học sinh; tổ chức theo dõi sức khỏe cán bộ, giáo viên, học sinh hằng ngày; tạo mã QR điểm kiểm dịch để thực hiện quản lý người ra vào và khai báo y tế theo hướng dẫn.
Đặc biệt, các đơn vị chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị,vật tư y tế đảm bảo công tác phòng dịch, trong đó chuẩn bị 2 phòng cách ly y tế tạm thời.
Tại khu vực cổng ra vào của trường học bố trí máy đo thân nhiệt, khai báo y tế, quyét mã QR, có sẵn dung dịch sát khuẩn, khẩu trang y tế và thùng đựng chất thải có nắp đậy; dán tài liệu hướng dẫn phòng dịch tại vị trí dễ quan sát... Đồng thời, Sở GD&ĐT cũng đã hướng dẫn cụ thể các phương án tổ chức dạy học theo cấp độ đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
Với các nhà trường, lớp thuộc địa phương được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2: cấp học mầm non tổ chức dạy học trực tiếp, các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục lựa chọn nội dung giáo dục cốt lõi, cần thiết đảm bảo mục tiêu, kết quả mong đợi cuối mỗi độ tuổi theo Chương trình giáo dục mầm non (riêng trẻ 5 tuổi, ưu tiên tổ chức các hoạt động giúp trẻ đạt những kiến thức, kỹ năng cần thiết, chuẩn bị cho trẻ có tâm thế tốt để vào học lớp 1), đảm bảo trẻ mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non khi kết thúc năm học.
Cấp học giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên: tổ chức dạy học trực tiếp theo kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2021-2022; rà soát, điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường tập trung vào những nội dung cốt lõi, trọng tâm theo hướng dẫn của Bộ và Sở GD&ĐT. Cấp tiểu học: thực hiện theo tình huống 1 hướng dẫn tại Công văn số 1249 ngày 22/9/2021 của Sở GD&ĐT.
Cùng đó, tiếp tục tổ chức xây dựng học liệu điện tử, củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Với các nhà trường, lớp thuộc địa phương xác định dịch ở cấp độ 3, bậc học mầm non tổ chức dạy học trực tiếp ưu tiên đối với trẻ 5 tuổi nhưng phải thực hiện phòng chống dịch theo quy định; với trẻ dưới 5 tuổi và trẻ 5 tuổi ,cha mẹ không đưa trẻ đến trường để đảm bảo an toàn. Nhà trường giới thiệu các nguồn, kênh thông tin, tài liệu thông qua các các ứng dụng Zoom, Google Meet, Zalo hướng dẫn cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình.
Ở cấp tiểu học, tổ chức dạy học trực tiếp nhưng phải chia lớp, chia ca và chỉ giảng dạy những nội dung cốt lõi, trọng tâm; hướng dẫn học sinh tự ôn luyện ở nhà. Trong các cấp, ưu tiên dạy trực tiếp lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9, lớp 12, các lớp còn lại tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp với dạy học trên truyền hình, giao bài tự học.
Đối với các nhà trường, lớp thuộc địa phương xác định dịch ở cấp độ 4, bậc học mầm non các nhà trường sẽ xây dựng các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu dùng chung tạo thành ngân hàng video phù hợp với điều kiện của từng địa bàn; giới thiệu các nguồn, kênh thông tin, tài liệu để hỗ trợ cha mẹ trẻ thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà theo các hình thức phù hợp. Bậc giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, tổ chức cho học sinh học trực tuyến, học trên truyền hình, giao bài tự học.
Thanh Ba