Sau hơn 1 tháng đầu tiên thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Cả nước ghi nhận 105.543 ca cộng đồng, trong đó khu vực phía Nam ghi nhận 90.442 ca, chiếm 85,6% cả nước. So với tháng trước đó, số ca cộng đồng cả nước tăng 2,9%, số ca tử vong giảm 46,3%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 25,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 40,8%.
Tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng
Trong hơn 1 tháng đầu tiên thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP (từ 11/10-19/11/2021), cả nước ghi nhận 105.543 ca cộng đồng.
Khu vực phía Nam ghi nhận 90.442 ca, chiếm 85,6% cả nước; khu vực Tây Nguyên ghi nhận 1.990 ca, chiếm 1,9% cả nước; khu vực miền Trung ghi nhận 8.081 ca, chiếm 7,7% cả nước; khu vực phía Bắc ghi nhận 5.030 ca, chiếm 4,8% cả nước. So với tháng trước đó, số ca cộng đồng cả nước tăng 2,9%, số ca tử vong giảm 46,3%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 25,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 40,8%.
Ban Chỉ đạo nhận định đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần số mắc cộng đồng tăng tại 35 tỉnh, thành phố) do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch.
Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.
Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus.
Siết chặt một số hoạt động trên địa bàn
Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm cộng đồng tăng cao liên tục trong nhiều ngày qua, nhiều địa phương trong cả nước đã siết chặt một số hoạt động trên địa bàn.
Tại Bạc Liêu, từ ngày 21/11, tỉnh không tổ chức các hoạt động (kể cả trong nhà và ngoài trời) có tập trung trên 10 người (ngoài phạm vi công sở, cơ sở y tế, điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, cơ sở sản xuất, kinh doanh). Đám cưới, đám tang chỉ được tổ chức ở quy mô gia đình và trong một thời điểm không được tập trung quá 10 người.
Tiêm vaccine cho học sinh tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu.
Chỉ những đối tượng sau đây mới được phép ra khỏi nhà/nơi lưu trú: người đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng; người đã tiêm đủ 2 liều vacine (không kể thời gian tiêm); người đã tiêm 1 liều vaccine trên 14 ngày; người đi tiêm vaccine.
Từ 20 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau mọi người không được ra đường, trừ các trường hợp có yêu cầu công vụ hoặc yêu cầu chống dịch; cấp cứu y tế; xử lý các sự cố khẩn cấp (về điện, nước, cứu hỏa, cứu thương, thông tin liên lạc, giao thông, đê điều...); công nhân đi làm ca đêm về.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới đã được người dân, doanh nghiệp trong tỉnh ủng hộ, tự giác tuân thủ. Tuy nhiên, thời gian gần đây số ca F0 tăng cao trong cộng đồng, trong các khu công nghiệp... Đó là do một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Do đó, tỉnh Tây Ninh quyết định, từ 0 giờ ngày 22/11 sẽ tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ đối với quán bar, karaoke, vũ trường, massage, internet, trò chơi điện tử trên toàn địa bàn tỉnh.
Các cơ sở dịch vụ ăn, uống không tiếp quá 20 người cùng một thời điểm; không phục vụ rượu, bia, thức uống có cồn và đảm bảo giãn cách 1,5m giữa người với người, thực khách phải tuân thủ nguyên tắc 5K.
Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; cưới, hỏi, hiếu hỷ, tang chế; nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng không bị cấm nhưng chỉ được tổ chức ở quy mô quá 20 người cùng một thời điểm và đảm bảo tuân thủ nguyên tắc 5K. Nếu sự kiện nào phải tiếp nhận hơn 20 người trong cùng một thời điểm thì phải đượcs ự cho phép của Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chấp thuận.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc 5K; tăng cường họp trực tuyến, bảo đảm giãn cách 1,5 m giữa người với người nếu tổ chức họp trực tiếp và không được có quy mô quá 30 người (nếu hơn 30 người thì phải có sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố nơi tổ chức hội nghị) và không tổ chức liên hoan, giao lưu.
Nhiều địa phương thí điểm điều trị F0 tại nhà
Do khả năng điều trị tập trung đã quá tải, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã hỏa tốc chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng triển khai thí điểm việc điều trị F0 tại nhà.
Bước đầu, Trà Vinh triển khai thí điểm điều trị tại nhà đối với các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 có tải lượng virus thấp (giá trị CT > 20) và dưới 50 tuổi; trước hết áp dụng việc điều trị tại nhà đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hoặc một số người dân có điều kiện (Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể); chú ý trước cửa nhà phải có bảng thông báo để người dân biết.
Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc cấp thuốc, điều trị bệnh COVID-19 cho trạm y tế các xã, phường, thị trấn để cấp cho bệnh nhân điều trị tại nhà. Sau đó, đánh giá hiệu quả, kịp thời uốn nắn, rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng.
Đối với các trường hợp F1, phân loại nguy cơ từng trường hợp để xem xét việc cách ly tại nhà hoặc tập trung phù hợp nhưng phải đảm bảo đúng các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Để hỗ trợ tốt cho các trường hợp F1, F0 cách ly, theo dõi tại nhà, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ giao Sở Y tế hướng dẫn việc triển khai phối hợp với chính quyền địa phương, các Trung tâm Y tế quận, huyện chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ, chỉ định điều trị, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly, điều trị theo quy định; xây dựng phương án kiện toàn Trạm Y tế lưu động, bổ sung nhân lực, dự trù mua sắm trang thiết bị, thuốc hóa chất, vật tư y tế phục vụ cho công tác quản lý, theo dõi cách ly F1, điều trị F0 tại nhà.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, việc cách ly các F1 tại nhà góp phần giảm tải về nhân lực, trang thiết bị, chi phí cho các khu cách ly tập trung, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung, tạo điều kiện cho người được cách ly làm việc tại nhà và tâm lý thoải mái.
Đối với bệnh nhân F0 được cách ly, theo dõi tại nhà góp phần giảm tải về nhân lực, trang thiết bị chi phí cho các khu điều trị tầng 1 để có thể tăng cường nhân lực hỗ trợ cho tầng 2, tầng 3, giảm chi phí điều trị và quản lý tại các cơ sở điều trị, tập trung nguồn lực điều trị người mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ, trung bình và nặng có hiệu quả, đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu điều trị thành công khi mắc COVID-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Phú Thọ đã lần đầu tiên áp dụng phương thức quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà và mô hình trạm y tế lưu động theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 200 trường hợp F0 được quản lý, điều trị tại nhà; trong đó có hơn 120 người đã khỏi bệnh. Trong quá trình quản lý, theo dõi F0 tại nhà, không xuất hiện bệnh nhân diễn biến nặng phải chuyển tuyến điều trị.
Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh Phú Thọ đã chủ động về nhân lực, trang thiết bị, phương thức hoạt động; giảm tải áp lực phải thành lập hoặc mở rộng quy mô bệnh viện dã chiến, qua đó giảm đáng kể chi phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân lực. Những F0 đủ điều kiện được quản lý ở nhà có cơ hội được chăm sóc tốt hơn về vật chất và tinh thần, nhanh chóng hồi phục hơn.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện, cấp xã có sự đồng thuận cao và vào cuộc tích cực trong chỉ đạo và huy động các lực lượng chức năng ở cơ sở để giám sát chặt chẽ, đảm bảo an ninh trật tự và các điều kiện hậu cần hỗ trợ quản lý F0 tại nhà./.
(Theo Vietnam+)