Người nhiễm Omicron tăng lên ở châu Á, Hàn Quốc phát hiện chùm ca bệnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/12/2021 | 9:43:27 AM

Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm biến chủng Omicron mới trong những ngày gần đây.

Hành khách mặc đồ bảo hộ khi tới sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc vào ngày 29/11
Hành khách mặc đồ bảo hộ khi tới sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc vào ngày 29/11

Các quan chức Hàn Quốc cho biết, nước này đã ghi nhận 5 trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron vào ngày 1/12, sau khi phát hiện ca nghi nhiễm trước đó.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), một cặp đôi tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy đủ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với biến chủng mới sau khi trở về từ Nigeria vào tuần trước, tiếp đó là hai thành viên trong gia đình và một người bạn của họ.

Cặp đôi nhiễm biến chủng Omicron đã ở Nigeria từ ngày 14-23/11 và trở về Hàn Quốc 2 ngày trước khi chủng virus này chính thức được ghi nhận ở Nam Phi.

Hàn Quốc tuyên bố thắt chặt các biện pháp hạn chế đi lại, bao gồm việc đình chỉ các chuyến bay thẳng đến Ethiopia trong 2 tuần. Ngoài ra, tất cả người nhập cảnh từ nước ngoài sẽ phải tiến hành xét nghiệm Covid-19.

Theo KDCA, từ ngày 3/12, toàn bộ người nhập cảnh, bao gồm công dân Hàn Quốc và người nước ngoài, sẽ phải cách ly bắt buộc trong 10 ngày, bất kể đã tiêm vaccine hay chưa. Quy định này sẽ kéo dài trong 2 tuần.

Chính phủ Hàn Quốc đã ngừng cấp thị thực và cấm nhập cảnh với người nước ngoài từ 8 quốc gia châu Phi và đã thêm Nigeria vào danh sách này hôm 1/12.

Các ca nhiễm biến chủng mới được phát hiện trong bối cảnh Hàn Quốc ngày 1/12 ghi nhận hơn 5.100 ca mắc Covid-19 mới - mức cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Hơn 80% dân số Hàn Quốc đã được tiêm chủng đầy đủ.

Tại cuộc họp báo ngày 1/12, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết nước này phát hiện trường hợp thứ 2 nhiễm biến chủng Omicron.

Ca nhiễm được phát hiện là một nam thanh niên khoảng 20 tuổi, đi từ Peru đến sân bay Narita ở Tokyo hôm 27/11. Người này đã được cách ly tại cơ sở y tế. Peru hiện vẫn chưa chính thức ghi nhận bất kỳ ca nhiễm biến chủng Omicron nào.

Trước đó, Nhật Bản đã phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên là một người đàn ông khoảng 30 tuổi, di chuyển từ Namibia tới Tokyo hôm 28/11.

Từ ngày 2/12, Nhật Bản sẽ cấm người nước ngoài nhập cảnh nếu họ từng đến 10 quốc gia ở nam châu Phi, bao gồm Nam Phi.

Hong Kong, một trong những nơi đầu tiên ở châu Á phát hiện trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, ngày 1/12 thông báo tiếp tục ghi nhận ca nhiễm thứ 4.

Trường hợp nhiễm bệnh mới nhất tại Hong Kong là người đàn ông 38 tuổi, đi từ Qatar tới Hong Kong vào ngày 24/11 để quá cảnh. Bệnh nhân chưa tiêm vaccine Covid-19 và không phát triệu chứng.

2 ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên tại Hong Kong được ghi nhận vào ngày 25/11. Trong số 4 ca nhiễm hiện tại ở Hong Kong, có 2 trường hợp liên quan đến lịch trình đi lại tới Nam Phi và 2 trường hợp liên quan đến Nigeria.

Mặc dù số ca nhiễm biến chủng Omicron tại châu Á vẫn thấp hơn nhiều so với châu Âu và châu Phi, nhưng chính phủ các nước trong khu vực đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với chủng virus mới.

Nhiều quốc gia đã áp đặt lại lệnh hạn chế nhập cảnh đối với người trở về từ hoặc quá cảnh qua các nước ở nam châu Phi. Các chuyến bay tới khu vực này cũng bị tạm dừng, đồng thời các nhà chức trách châu Á cũng siết chặt yêu cầu về cách ly hoặc xét nghiệm Covid-19 đối với những người nhập cảnh.

(Theo Dân trí)

Các tin khác
Phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.

Giọt máu khô giúp người bệnh có thể phát hiện sớm một số loại bệnh ung thư.

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát minh ra một công cụ xét nghiệm chỉ với chưa đầy 0,05 mm máu khô có thể giúp chẩn đoán ba trong số những bệnh ung thư nguy hiểm nhất đối với con người.

Nhân viên y tế kiểm tra một con rái cá chết ở bãi biển Chepeconde, Peru xem có phải do cúm gia cầm hay không

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-4 kêu gọi tăng cường các mạng lưới phát hiện toàn cầu đối với vi rút cúm gia cầm H5N1, hiện đã lây nhiễm ở một số lượng lớn các loài động vật.

Cán bộ Trạm Y tế xã Đại Đồng, huyện Yên Bình kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại nhà.

UBND tỉnh Yên Bái vừa có Kế hoạch số 92 về xây dựng xã, phường đạt Tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục