Lý giải việc Nhật Bản giảm mạnh số ca mắc COVID-19, gần như không còn ca tử vong

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/12/2021 | 1:54:52 PM

Việc số ca mắc mới COVID-19 ở Nhật Bản giảm mạnh, trái ngược với xu thế ở nhiều nước châu Á khác, khiến các chuyên gia y tế không khỏi thắc mắc.

Một người đi bộ trên con đường vắng ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản).
Một người đi bộ trên con đường vắng ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản).

Theo thống kê của Worldometers, số ca mắc mới COVID-19 ở Nhật Bản hiện đã giảm xuống còn khoảng hơn 100 ca/ngày. Số ca tử vong chỉ còn khoảng 1, 2 ca/ngày, thậm chí có ngày không ghi nhận ca tử vong.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc - quốc gia nằm gần Nhật Bản, có tỷ lệ tiêm chủng tương đương - số ca mắc mới lại vừa chạm mốc kỉ lục với hơn 7.000 ca/ngày. Ở một số quốc gia châu Á khác như Úc, Singapore, số ca COVID-19 vẫn đang ở mức cao sau khi chính quyền nới lỏng dần các biện pháp hạn chế đi lại.

Theo Reuters, một giả thuyết mà nhiều chuyên gia viện dẫn để giải thích cho sự khác biệt của Nhật Bản là dường như chủng virus SARS-CoV-2 ở nước này đã đột biến theo hướng giảm khả năng tự nhân đôi.

Ituro Inoue, một giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản, nói rằng biến thể phụ của Delta, được gọi là AY.29, có thể đang mang lại khả năng miễn dịch nhất định cho cư dân nước này.

"Tôi nghĩ AY.29 đang bảo vệ chúng ta khỏi các chủng khác”, Inoue nói, nhưng nhấn mạnh rằng đây vẫn chỉ là giả thuyết. "Tôi không chắc chắn 100%”.

Trong khi đó, Paul Griffin - một giáo sư tại Đại học Queensland (Úc) - lại cho rằng sự khác biệt về xu hướng dịch của các quốc gia có liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như thời tiết, mật độ dân số, các biện pháp hạn chế…

"Chúng ta cần học hỏi từ các quốc gia khác, nhưng chúng ta không nên nghĩ rằng quốc gia nào cũng sẽ giống nhau, vì có rất nhiều yếu tố không tương đồng”, Griffin nói.

Nhật Bản chưa từng áp lệnh phong toả chặt chẽ, nhưng cũng chưa bao giờ dỡ bỏ các quy định dịch tễ. Quốc gia này bắt đầu tiêm chủng khá muộn, nghĩa là các mũi tiêm vẫn còn hiệu lực.

Kazuaki Jindai, một nhà nghiên cứu tại Đại học Tohoku, cho biết: "Việc đeo khẩu trang và các quy tắc vệ sinh cá nhân vẫn luôn được duy trì và đóng vai trò quan trọng. Vắc xin là một yếu tố không thể thiếu, nhưng không phải là viên đạn bạc duy nhất".

Dù số ca mắc mới ở Nhật Bản đang giảm đáng kể, nhưng Thủ tướng Fumio Kishida vẫn nhấn mạnh "điều quan trọng là phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”.

Ông Kishida đã ra lệnh đóng cửa biên giới vào tuần trước để ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Omicron. Đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản đã phát hiện ít nhất 4 ca nhiễm biến thể này.

Các đợt tiêm nhắc lại đã bắt đầu từ tuần trước, và chính phủ đã tăng công suất bệnh viện hơn 30% sau khi một số bệnh nhân tử vong tại nhà trong đợt dịch thứ năm vào tháng 8 - đợt dịch tồi tệ nhất cho đến nay.

(Theo TPO)

Các tin khác

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 329/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Những ngày gần đây tình hình dịch COVID-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, với số ca mắc có xu hướng tăng, nhất là ca mắc ngoài cộng đồng; trong khi nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập lây lan cao.

Chiều 9/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Trị xác nhận có một trường hợp học sinh tử vong sau 7 ngày tiêm vaccine phòng COVID-19.

Trong khuôn khổ họp báo ngày 9-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước cần tập trung thúc đẩy việc tiêm phòng đủ hai mũi vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên cho người dân, thay vì lo tiêm các mũi tăng cường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục