Tự tạo miễn dịch bằng virus
Để khỏi phải tiêm vaccine Covid-19, một số đối tượng tự mắc bệnh với hy vọng tạo khả năng miễn dịch. Theo báo De Telegraaf, cảnh sát Hà Lan phát hiện một đường dây chuyên cung cấp virus SARS-CoV-2 đựng trong lọ thủy tinh, được vận chuyển qua bưu điện tới những người phản đối tiêm vaccine Covid-19. Họ để virus xâm nhập vào cơ thể nhằm có được sự chứng nhận về hồi phục sau khi mắc Covid-19. Bằng cách này, những người phản đối tiêm vaccine Covid-19 ở Hà Lan có thể tự do tham gia các sự kiện đông người, bao gồm cả hộp đêm, mà không cần tiêm chủng. Thông qua một trang web, nhóm tội phạm đã cung cấp virus SARS-CoV-2 dưới dạng kit xét nghiệm với giá 33,5 EUR (38 USD).
Có trường hợp đi tiêm hộ để lấy giấy chứng nhận tiêm vaccine cho người khác. Bộ Y tế New Zealand cho biết đang làm rõ trường hợp một người đàn ông đã tiêm vaccine Covid-19 tới 10 liều chỉ trong một ngày. Ông này tiêm tại nhiều trung tâm tiêm chủng khác nhau. Điều tra sơ bộ cho thấy, người đàn ông được trả tiền để đi tiêm thay cho những người khác. Theo Bộ Y tế New Zealand, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng. Nhà virus học, PGS Helen Petousis-Harris, cho biết, tạm thời sức khỏe của người đàn ông trên không có gì bất thường sau khi tiêm.
Tuy nhiên, các phản ứng phụ sẽ xuất hiện trong những ngày sau đó do hệ miễn dịch phản ứng mạnh hơn. Theo nhà khoa học này, việc tiêm nhiều mũi vaccine không đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch được tăng cường. Đây là vụ việc hy hữu chưa từng có, nên các chuyên gia chưa có dữ liệu gì về các phản ứng của cơ thể khi tiếp nhận tới 10 liều vaccine trong vỏn vẹn một ngày. Các nghiên cứu cũng chưa từng xem xét trường hợp tiêm quá liều nhiều đến như vậy.
Tại Italy, một người đàn ông còn đeo tay giả hòng đánh lừa nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 để được cấp giấy chứng nhận. Mặc dù cánh tay bằng silicon có màu sắc giống hệt tay thật nhưng đã bị nhân viên y tế phát hiện.
Vấn nạn làm giả chứng nhận tiêm chủng
Khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, nhiều quốc gia siết chặt việc tiêm chủng và yêu cầu xuất trình những loại giấy chứng nhận. Để đối phó việc này, dịch vụ làm giả các giấy chứng nhận tiêm vaccine đã nở rộ. Đây được xem là một hoạt động tội phạm, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh và bùng phát ổ dịch mới, gây phức tạp cho công tác truy vết tiếp xúc.
Vấn nạn làm giả các loại giấy tờ chứng nhận đang lan tràn tại châu Âu, khu vực đi đầu trong phong trào phát hành chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19. Tại Pháp, giới chức tiến hành 400 cuộc điều tra nhằm vào các mạng lưới được cho là cung cấp hàng ngàn giấy chứng nhận Covid-19 giả. Một số manh mối điều tra cho thấy, việc phát tán các chứng nhận giả này có liên quan đến các nhân viên y tế. Vấn đề được quan tâm sau trường hợp một phụ nữ xuất trình loại giấy này tại Bệnh viện Raymond-Poincare de Garches ở tỉnh Hauts-de-Seine. Bệnh nhân sau đó đã tử vong do không được điều trị phù hợp. Theo các bác sĩ, nếu biết bệnh nhân chưa được tiêm vaccine, họ đã điều trị bằng liệu pháp kháng thể và có cơ hội cứu sống cô.
Những người từ chối tiêm vaccine ở EU phải trả hàng trăm EUR để mua những giấy tờ y tế giả mạo trên thị trường chợ đen trực tuyến. Người ta có thể tìm thấy trên các mạng xã hội như Facebook, khi một số tài khoản thậm chí còn chạy quảng cáo nhận làm chứng nhận giả. Giấy chứng nhận tại châu Âu thường có mã QR để nhân viên an ninh ở các lối vào kiểm tra đối chiếu trên nền tảng dữ liệu y tế quốc gia. Do vậy, trên thực tế, những chứng nhận y tế giả mạo này đa phần đều có cơ sở dữ liệu thật. Những đối tượng làm giả giấy tờ cấu kết với nhân viên y tế hoặc xâm nhập trái phép hệ thống dữ liệu để tạo chứng nhận người dùng đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tình trạng này cũng xuất hiện tại Italy, Bỉ, Latvia. Trong tháng 12, tại Latvia, cảnh sát bắt giữ khoảng 20 nhân viên y tế vì có liên quan đến việc làm giả giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19. Giới chức y tế vùng Wallonie (vùng nói tiếng Pháp của Bỉ) phát hiện việc bác sĩ bán hơn 2.000 chứng nhận tiêm phòng Covid-19 giả. Bác sĩ có quyền truy cập vào hệ thống lưu trữ thông tin tiêm chủng vaccine. Dựa trên hệ thống này, họ có thể cấp chứng nhận an toàn Covid-19 cho người đã được tiêm phòng hoặc phục hồi sau khi mắc Covid-19.
Trước vấn nạn trên, nhà chức trách các nước đã tăng cường hoạt động truy quét các đường dây buôn bán giấy chứng nhận tiêm chủng giả và xử lý nghiêm hành vi sử dụng chứng nhận giả.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo, việc sản xuất chứng nhận tiêm vaccine giả bị quy vào tội làm giả con dấu của chính phủ và người phạm tội có thể bị phạt tới 5 năm tù. Tại Nga, theo Bộ Nội vụ, kể từ đầu năm 2021 tại Moscow, có 75 vụ án hình sự đã được khởi tố về hành vi bán giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 giả và kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Ở Đức, những người giả mạo hoặc sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng/xét nghiệm giả sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù 1 năm. Người cung cấp thông tin dịch tễ sai lệch bị phạt tiền hoặc phạt tù tới 2 năm. Chính phủ Bỉ cũng vừa đưa ra quy định người nào cố tình sử dụng chứng nhận tiêm chủng giả sẽ bị cảnh sát xử phạt 750 EUR (895 USD).
(Theo SGGP)