Indonesia
Quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới, đã bắt buộc người dân phải tiêm phòng vào tháng 2 năm ngoái khi các ca nhiễm mới gia tăng trên hầu hết các nước Đông Nam Á. Chính phủ đã công bố lệnh tất cả những người đủ điều kiện phải được tiêm chủng - hoặc phải đối mặt với các hình phạt như phạt tiền hoặc đình chỉ các chương trình trợ cấp xã hội.
Những người chỉ trích lệnh này cho rằng đây là cách tiếp cận nặng tay đối với người nghèo.
Theo số liệu của Our World in Data, kể từ khi chính sách được công bố, tỷ lệ tiêm chủng của Indonesia đã tăng từ dưới 1% lên khoảng 43% dân số. Nhưng chiến dịch đã không thành công hoàn toàn và giờ đây, khi biến thể omicron có khả năng lây nhiễm cao lan rộng, chính phủ đang triển khai một chương trình tiêm tăng cường gây tranh cãi, khi yêu cầu hầu hết người dân phải tự bỏ tiền túi cho lần tiêm thứ ba của mình.
Turkmenistan
Theo một thông báo được công bố vào tháng 7/2021 của bộ y tế Turkmenistan, tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên sống ở nước này đều bắt buộc phải tiêm chủng ngừa coronavirus - trừ những người được miễn trừ y tế.
Điều đáng chú ý, theo báo cáo chính thức của nhà chức trách, coronavirus không lây lan ở quốc gia Trung Á này và ở đây không có trường hợp tử vong nào vì coronavirus. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã buộc các cửa hàng và cửa hiệu phải đóng cửa trong nhiều tháng và áp dụng các biện pháp hạn chế khác.
Vào tháng 12, Bộ trưởng Y tế của Turkmenistan đã nói với đại sứ Nga rằng 80% dân số nước này đã được tiêm chủng. Nhưng cũng có người hoài nghi con số đó vì họ cho ra rằng Nga và Trung Quốc, những nhà cung cấp vắc xin duy nhất của Turkmenistan, không chắc đã cung cấp cho chính phủ đủ số lượng để đạt được tỉ lệ đó.
Nga
Nhằm thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng hiện còn thấp, từ mùa hè 2021 các nhà chức trách Nga đã chuyển gánh nặng tiêm chủng cho các doanh nghiệp địa phương. Vào tháng 6, thị trưởng Moscow đã ra lệnh cho các nhà tuyển dụng trong các ngành dịch vụ và bán lẻ chủ chốt phải đảm bảo rằng ít nhất 60% nhân viên được tiêm chủng đầy đủ vào giữa tháng 8. Các quan chức sau đó đã nâng tỷ lệ mục tiêu cho lĩnh vực dịch vụ lên 80%.
Một số khu vực cũng áp dụng việc tiêm chủng bắt buộc cho tất cả người dân trên 60 tuổi. Tháng trước, các nhà lập pháp Nga đã đề xuất luật hạn chế quyền đến những nơi công cộng đối với những người đã nhiễm, được miễn tiêm vắc xin hoặc đã khỏi sau khi nhiễm COVID-19.
Tuy nhiên, cũng trong tháng 12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi việc bắt buộc tiêm vắc xin là phản tác dụng và cho biết ông không có kế hoạch phạt tiền hoặc truy tố những người từ chối tiêm chủng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng của Nga đã tăng lên 47% từ chỉ 11% vào tháng 6.
Pháp
Chính phủ chọn cách gây áp lực lên những người chưa chịu tiêm chủng bằng cách ngăn cản họ tiếp cận các hoạt động công cộng trong lúc tránh áp đặt một lệnh bắt buộc. Áp lực đó đang ngày càng được thắt chặt. Tuần trước tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông nhắm đến việc "làm cho những người chưa tiêm chủng khó chịu” bằng cách hạn chế nghiêm ngặt khả năng tiếp cận các hoạt động xã hội của họ.
Hồi tháng 7/2021, các nhà lập pháp Pháp đã thông qua một đạo luật cho phép những người đã tiêm chủng được phép vào nhà hàng, quán cà phê và những nơi khác, cũng như đi lại giữa các thành phố.
Mọi người cũng có thể vào địa điểm nếu họ cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính gần đây hoặc bằng chứng về khả năng không lây nhiễm. Nhưng vào tuần trước hạ viện Pháp đã thông qua một dự luật để hủy bỏ việc xét nghiệm. Luật phải vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện mới được chấp nhận.
Các nhân viên y tế được yêu cầu tiêm phòng trước ngày 15/9/2021 nếu không sẽ phải đối mặt với việc bị đình chỉ mà không được trả lương. Và, vào cuối tháng 8, chính phủ đã mở rộng các yêu cầu về "thẻ sức khỏe” đối với 1,8 triệu nhân lực làm việc tại các địa điểm như nhà hàng, bảo tàng và phương tiện công cộng.
Các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Pháp xem hộ chiếu vắc xin có lợi. Nhưng những hạn chế cũng tạo ra phản ứng dữ dội từ một số người cho rằng chúng đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản về tự do và bình đẳng của Pháp. Trong sáu tháng qua, hàng nghìn người đã biểu tình phản đối các biện pháp này, một số thậm chí đã tấn công các chính trị gia.
Áo
Vào tháng 11/2021, Áo đã công bố quy định bắt buộc tiêm chủng cho tất cả mọi người trên 14 tuổi, trừ những người đang mang thai hoặc có các tình trạng sức khỏe được miễn khác. Những người từ chối tiêm có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt hàng quý lên đến hơn 4.000 đô la.
Tuần trước, Thủ tướng Áo, Karl Nehammer cho biết: "Theo quan điểm của chúng tôi, tiêm chủng bắt buộc là điều không thể tránh được”. Chính phủ Áo đã lên kế hoạch thực hiện tiêm chủng bắt buộc vào tháng 2, nhưng các vấn đề kỹ thuật với hệ thống đăng ký có thể khiến việc triển khai của nó bị trì hoãn cho đến tháng 4. Trong khi đó, một số chuyên gia đề nghị các quan chức hủy bỏ chính sách này.
Một số quốc gia châu Âu khác cũng đang ban hành các nhiệm vụ tương tự khi tình trạng nhiễm coronavirus và nhập viện tăng cao, một phần là do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Cho đến nay người lao động Ý được yêu cầu phải tiêm chủng hoặc trải qua xét nghiệm thường xuyên. Nhưng vào tuần trước chính phủ nước này đã thông báo rằng tất cả mọi người trên 50 tuổi phải được tiêm chủng. Đức và Bỉ cũng đang xem xét việc tiêm chủng bắt buộc. Trong tháng này, Hy Lạp sẽ bắt đầu phạt những người trên 60 tuổi từ chối tiêm chủng.
Canada
Chính phủ yêu cầu tất cả nhân viên, công nhân trong lĩnh vực vận tải hàng không, đường sắt và đường biển do liên bang quản lý; và nhân viên của những nơi làm việc được liên bang quản lý, chẳng hạn như ngân hàng và công ty viễn thông, phải tiêm chủng đầy đủ. Nếu không có nguy cơ bị cho nghỉ không lương.
Một số tỉnh và vùng lãnh thổ yêu cầu người dân cung cấp bằng chứng đã tiêm phòng để vào một số địa điểm nhất định, chẳng hạn như nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát và trung tâm thể thao.
Costa Rica
Costa Rica đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt buộc tiêm vắc xin coronavirus cho trẻ em vào tháng 11. Tất cả cư dân từ 5 tuổi trở lên sẽ được yêu cầu tiêm phòng bắt đầu từ tháng 3, cùng với các loại chủng ngừa cơ bản khác cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
Ecuador ở phía nam cũng đã làm theo, vào tháng trước thông báo rằng tất cả công dân từ 5 tuổi trở lên phải được tiêm chủng, ngoại trừ những người không thể.
(Theo TP)