TS.BS Vũ Tùng Sơn, Phó chủ nhiệm Khoa Dịch tễ, Học viện Quân y, cho rằng, cả nước đã bước vào giai đoạn "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Vì vậy việc để học sinh các cấp (mầm non, tiểu học, THPT) đến trường là việc cần thiết cho sự phát triển về trí tuệ, thể chất và tinh thần của các em.
Khi học sinh trở lại trường, việc phát hiện F0 là điều khó tránh khỏi, theo TS.BS Vũ Tùng Sơn công tác phòng chống dịch COVID-19 với nhà trường vẫn là giám sát học sinh. Cụ thể, nhà trường chủ động phát hiện các ca có triệu chứng (ho, sốt, khó thở…) và test nhanh. Nếu một lớp xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, chỉ yêu cầu lớp đó nghỉ học thay vì để tất cả các lớp nghỉ. Các lớp khác vẫn hoạt động dạy và học bình thường.
Giáo viên chủ nhiệm từng lớp nên lập nhóm chat với phụ huynh để theo dõi tình hình sức khỏe học sinh. Nhà trường phải bố trí phòng thông thoáng, mở cửa sổ, phòng có quạt... Nên phân loại rác, để thùng rác bỏ khẩu trang ra riêng nhằm tránh lây nhiễm cho học sinh, giáo viên và người làm công tác vệ sinh.
Đặc biệt, học sinh, giáo viên phải tuân thủ các biện pháp 5K. Học sinh khi trở lại trường học phải mang khẩu trang, mỗi em nên có thêm khẩu trang y tế để dự phòng. Học sinh cũng nên chuẩn bị sẵn bình nước uống riêng, không sử dụng chung để hạn chế lây nhiễm.
"Trước khi xuất hiện dịch COVID-19, nhiều trường đã chuẩn bị bình nước cá nhân cho từng học sinh để đảm bảo vệ sinh, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm khác. Hiện tại, dịch bệnh bùng phát, việc sử dụng bình nước riêng, cốc riêng, khăn mặt… càng nên khuyến khích”, TS.BS Vũ Tùng Sơn cho biết.
Giáo viên nên hướng dẫn các em tránh tụ tập, giữ khoảng cách với các bạn, tại mỗi lớp nên bố trí bình sát khuẩn. Ngoài ra, các em cũng nên có thêm chai sát trùng khử khuẩn riêng. Học sinh được hướng dẫn, nhắc nhở rửa tay, sát khuẩn tay trước khi đến trường, khi về nhà và khi cần thiết.
Về việc đo nhiệt độ cho học sinh, theo TS.BS Tùng Sơn, trước khi trẻ đi học, phụ huynh dùng nhiệt kế đo thân nhiệt cho các em, nếu thấy sốt nên cho con ở nhà để theo dõi, xử lý. "Trong quá trình học, học sinh nào có các triệu chứng mệt mỏi, ho sốt... cần báo ngay cho giáo viên, người quản lý để được xử lý, theo dõi”, TS.BS Sơn nhấn mạnh.
Về chế độ dinh dưỡng, học sinh nên theo chế độ dinh dưỡng đã được các trường thiết kế theo hoạt động hàng ngày. "Chế độ đó đã đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Điều quan trọng nhất vẫn là thực hiện 5K”, TS.BS Tùng Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, BS Sơn nói thêm: "Việc tiếp xúc gần với F0 trên 15 phút cũng được xem là nguy cơ vì vậy việc chia buổi học (không bán trú) không có ý nghĩa về phòng chống dịch. Hãy để trẻ được học theo lịch bình thường, nếu có ca nhiễm xử lý theo quy định”.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, khi học sinh có tiền sử tiếp xúc với F0 hoặc nghi ngờ tiếp xúc với F0; học sinh có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất khứu giác hoặc triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 khác nên được xét nghiệm.
Đồng thời, nhà trường tăng cường các biện pháp giám sát. Phối hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và cơ quan y tế trong việc phát hiện các trường hợp nghi ngờ. Ví dụ, nếu ở nhà, con bị sốt, ho, phụ huynh phải báo ngay cho nhà trường, cơ quan y tế. Hoặc gia đình đã có trường hợp F0, cần cho các cháu nghỉ học, sau đó thông báo cho nhà trường và y tế để điều tra dịch tễ.
PGS Phu cũng khuyến cáo nhà trường cần tăng cường các biện pháp dự phòng đã được Bộ Y tế và Bộ Giáo dục Đào tạo hướng dẫn như cho học sinh đeo khẩu trang, khử khuẩn lớp học, hạn chế trẻ tiếp xúc giữa các lớp với nhau…
(Theo VOV)