Tiến sĩ (TS) Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết như trên tại Hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn, xử trí, chăm sóc và điều trị trẻ em mắc Covid-19 do Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức, sáng16-2, tại các điểm cầu.
Tai hội nghị, theo đại diện Bộ GD-ĐT, hiện nay, trường học trên cả nước đã mở cửa trở lại. Các phương pháp phòng dịch và cách xử trí F0, F1, thời gian cách ly, theo dõi sức khỏe thế nào với đối tượng là học sinh, trong đó có cả đối tượng là các em chưa được tiêm vắc-xin là điều được các nhà trường và phụ huynh quan tâm.
Theo TS Dương Chí Nam, thời gian qua, nhiều địa phương đóng cửa trường học ngay khi phát hiện một vài ca F0. Đây là cách làm cực đoan, ảnh hưởng việc học tập của các em. Các trường cần phối hợp y tế, khoanh vùng nhỏ để xử lý.
Khi dạy học trực tiếp, TS Dương Chí Nam cũng hướng dẫn xử lý F0, F1 tại trường, như sau:
Nếu các cơ sở giáo dục phát hiện trường hợp học sinh nghi mắc Covid-19, nhà trường cần thông báo cho Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh, đồng thời thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời.
Học sinh nghi mắc Covid-19 sẽ di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng. Sau đó, nhà trường khai thác các tiền sử tiếp xúc của học sinh này, thông báo phụ huynh và tham vấn ý kiến y tế địa phương.
Học sinh nghi mắc Covid-19 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Trường hợp phát hiện ca mắc Covid-19 trong trường, giáo viên cần chuyển em này xuống phòng cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã/phường hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để ngay lập tức cùng xử lý. Tất cả cơ sở giáo dục cần phải trao đổi, liên hệ thường xuyên với trạm y tế cấp xã/phường và cơ sở y tế để khi có tình huống phát sinh có thể được hỗ trợ nhanh.
Đối với lớp có F0, tất cả học sinh ngồi tại chỗ, tổ chức xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Toàn bộ học sinh của lớp được test kháng nguyên nhanh, mẫu gộp. Sau đó, trường cho học sinh di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ phòng học.
Những học sinh không phải là F1, có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi học bình thường. Nếu không có sự giao lưu, tiếp xúc giữa F0 với học sinh lớp khác, các lớp này vẫn đi học bình thường.
Trường hợp học sinh được xác định là F1, các em được ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định. Thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà đối với trường hợp học sinh F1 đã tiêm đủ liều vắc-xin là không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, nếu kết quả âm tính, các em được đi học trở lại.
Học sinh F1 chưa được tiêm vắc-xin cũng cho nghỉ tại nhà, thời gian không quá 14 ngày, theo dõi kỹ các biểu hiện, xét nghiệm lại vào ngày thứ 7 và 13.
Đặc biệt, theo TS Dương Chí Nam, Bộ Y tế đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ GD-ĐT, có thể điều chỉnh thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà xuống còn 7 ngày cho tất cả đối tượng học sinh là F1, kể cả đã tiêm vắc-xin hay chưa tiêm.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ dưới 18 tuổi của Việt Nam hiện nay là 19,2%. Tỷ lệ tử vong trẻ em là 0,42%. Tuy tỷ lệ mắc thấp nhưng vẫn có những trường hợp tử vong và biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Trẻ em được xã hội rất quan tâm, nhất là khi trường học đã mở cửa trở lại, các em quay lại nhịp sinh hoạt, giao lưu, học tập bình thường. Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng cho trẻ để các em quay trở lại trường học an toàn.
Theo ông Sơn, với việc các địa phương đồng loạt cho học sinh trở lại trường, số trẻ em mắc Covid-19 có thể tăng, nhất là những trẻ chưa được tiêm vắc-xin. Do đó, việc đảm bảo an toàn dịch bệnh ở trường học là rất quan trọng. Các bộ ngành, địa phương cần sắp xếp nguồn nhân lực tại chỗ, nâng cao kỹ năng thực hành y khoa để đảm bảo công tác phòng dịch.
(Theo NLĐO)