Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 21/2 cho thấy, hiện toàn thế giới có 350.260.157 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 68.624.535 ca bệnh đang điều trị thì có 68.543.012 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 81.523 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Trong những ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu có dấu hiệu giảm mạnh trên quy mô toàn cầu. Nhiều nước đang tiếp tục phát đi những tín hiệu của cuộc sống bình thường mới, dựa trên mức độ kiểm soát dịch bệnh được cải thiện, bao gồm tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca tử vong và số ca nhập viện giảm. Nhiều nhà khoa học cho rằng, đại dịch COVID-19 sắp bước sang giai đoạn bệnh đặc hữu mà nhân loại có thể sống chung. Trong khi ngày càng nhiều nước tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, theo đuổi lộ trình "sống chung an toàn với COVID-19” để khôi phục và thúc đẩy kinh tế.
Còn xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 150.562.428 trường hợp, trong đó có 1.685.107 ca tử vong và 122.624.817 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm COVID-19 mới tại châu Âu cao nhất thế giới, với 548.026 trường hợp. Trong đó, Nga dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm COVID-19 mới, với 170.699 trường hợp, tiếp theo sau là Đức với 104.131 trường hợp.
Bắt đầu từ tuần này, quy định tự cách ly đối với những người mắc COVID-19 dự kiến sẽ được dỡ bỏ tại vùng England (vương quốc Anh) như một một phần của kế hoạch "Sống chung với COVID-19" của chính phủ. Thủ tướng Boris Johnson cho biết chính phủ có thể đưa ra quyết định dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch sớm hơn kế hoạch nhờ vào các biện pháp ứng phó với COVID-19 mạnh mẽ trong 2 năm qua, trong đó có chương trình tiêm vaccine, xét nghiệm, các phương pháp điều trị mới và nghiên cứu khoa học về virus SARS-CoV-2, đặc biệt là thành công của chương trình tiêm chủng.
Còn tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 21/2 là 94.118.951 trường hợp, trong đó có 1.383.712 ca tử vong. Dù tình hình dịch bệnh có dấu hiệu được cải thiện trong những ngày gần đây, song Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 80.085.501 ca nhiễm và 959.351 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 12.940 ca nhiễm mới COVID-19.
Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 112.080.040 trường hợp, với 1.333.374 ca tử vong và 104.066.206 ca điều trị khỏi. Song song việc triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nhiều nước tiếp tục theo đuổi chủ trương mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trong khu vực do sự hoành hành của biến thể Delta và Omicron.
Trong 24 giờ qua, châu Phi có thêm 6.767 ca nhiễm mới và 151 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng 21/2 lần lượt là 11.441.002 và 247.646 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.658.547 ca nhiễm COVID-19 và 98.667 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 20.100 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 17.421 ca. Hiện khu vực này có tổng số 3.284.030 trường hợp ca mắc COVID-19, với 7.451 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 3.032.081 ca, tiếp theo sau là Fiji với 63.624 ca.
Hôm nay (21/2), Australia sẽ thực hiện lộ trình mở cửa biên giới quốc tế đón du khách đã tiêm phòng đầy đủ. Đây là lần đầu tiên Australia mở lại biên giới với du khách nước ngoài kể từ khi bắt đầu đóng cửa vào tháng 3/2020 khi dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Khách quốc tế đến phải trình chứng nhận tiêm phòng đầy đủ hoặc giấy tờ miễn trừ các quy định y tế còn hiệu lực. Trong ngày đầu mở cửa, Australia sẽ đón khoảng 50 chuyến bay quốc tế.
(Theo dangcongsan.vn)