P.V: Thời điểm từ ngày 28/1 đến nay, Yên Bái đã ghi nhận số ca F0 tăng nhanh. Xin đồng chí cho biết, diễn biến cụ thể tình hình, nguyên nhân gia tăng ca mắc trong thời gian qua?
Giám đốc Lê Thị Hồng Vân: Ngày 27/11/2021, Yên Bái chính thức phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên tại cộng đồng. Tính đến 18 giờ ngày 24/2/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận tổng số 15.849 ca mắc Covid-19; trong đó, có 13.988 ca mắc trong cộng đồng liên quan đến các ổ dịch trên địa bàn; 1.861 ca mắc nhập cảnh và người đi từ vùng dịch về.
Trong đó, tỷ lệ số ca bệnh thuộc tầng 2, tầng 3 là 0,7% tổng lũy kế ca mắc, tỷ lệ số ca bệnh nặng hiện đang điều trị (bệnh nhân tầng 3) chiếm rất thấp 0,06%. Tính từ mùng 4 tết (4/2) đến nay, số ca nhiễm có xu hướng tăng nhanh đột biến. Tối 24/2/2022, số ca nhiễm cả tỉnh lên 1.666 ca, cao nhất kể từ tháng 11 đến nay trong bối cảnh thích ứng và theo dự đoán số ca mắc mới sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới.
Về nguyên nhân, do nghỉ tết Nguyên đán 2022 có nhiều người từ vùng đang có dịch cộng đồng trở về Yên Bái, nhiều người đi làm ăn xa quê trở về nhà đoàn tụ trong dịp tết làm gia tăng sự giao lưu, gặp gỡ, tiếp xúc làm dịch bệnh gia tăng. Sau kỳ nghỉ tết, lượng người lao động tiếp tục đi làm việc, học sinh, sinh viên được trở lại trường học, tiếp tục mang vi rút lan rộng.
Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ liều vắc-xin, đi lại thoải mái, lơ là việc tuân thủ các hướng dẫn phòng, chống dịch. Ngoài ra, tỉnh Yên Bái cũng đang thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn hơn với dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế, nhằm đảm bảo "mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
P.V: Để ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, ngành đã triển khai các phương án như thế nào, thưa đồng chí?
Giám đốc Lê Thị Hồng Vân: Trong bối cảnh "Thích ứng an toàn, linh hoạt”, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, kiềm chế sự gia tăng, kiểm soát số nhập viện, không để tăng nặng và tử vong, ngành y tế đã triển khai các giải pháp: đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, tiêm vét, tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại, đảm bảo các đối tượng đã đến lịch được tiêm đầy đủ, an toàn.
Chỉ đạo các đơn vị điều trị chủ động, sẵn sàng các phương án (dự trữ cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, oxy…) để đáp ứng chống dịch và công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp ca mắc nhập viện và chuyển nặng gia tăng.
Tập trung củng cố hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, sẵn sàng các phương án để cung cấp dịch vụ y tế cho người dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, tại nhà. Tập trung kiểm soát các trường hợp nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và giảm thiểu tối đa các trường hợp tử vong.
Đặc biệt, tăng cường quản lý, giám sát y tế chặt chẽ các trường hợp F0 điều trị tại nhà/nơi lưu trú. Hỗ trợ bằng mọi phương tiện, theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình diễn biến của các bệnh nhân đang cách ly và theo dõi tại nhà.
Sẵn sàng thường trực đáp ứng, chuyển viện kịp thời khi bệnh nhân có diễn biến trong quá trình cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ thường xuyên đánh giá, cập nhật tình hình dịch tại các địa phương để tham mưu với Ban Chỉ đạo có những chỉ đạo kịp thời ứng phó với diễn biến của tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
P.V: Tới đây, để người dân không lo lắng trước sự gia tăng của ca bệnh và thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, ngành có khuyến cáo gì, thưa đồng chí?
Giám đốc Lê Thị Hồng Vân: Thời điểm này, cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát như: quản lý giám sát chặt chẽ cộng đồng, nguồn lây... Chính vì vậy, ngành y tế đưa ra một số khuyến cáo như sau: không hoang mang lo lắng, không sợ hãi thái quá, thay vào đó là sự bình tĩnh, tự tin, hiểu biết và trách nhiệm.
Tuyệt đối không lơ là, chủ quan phòng chống dịch. Mọi người dân thực hiện nguyên tắc 5K trong hầu hết các hoạt động xã hội một cách nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, có trách nhiệm, không qua loa, không đối phó để thích ứng, linh hoạt, sống chung với dịch Covid-19.
Những ai chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 đừng chần chừ, đến ngay các điểm tiêm chủng vắc-xin trên địa bàn để tiêm chủng khi đến lịch, chúng ta phải hiểu rõ nguyên tắc "Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”.
Những người mắc Covid-19 cần phải tìm hiểu đầy đủ và kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến sức khỏe trên các trang thông tin chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế, Sở Y tế, nếu có bất kỳ dấu hiệu bệnh lý nào thì liên hệ ngay với trạm y tế trên địa bàn nơi cư trú để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, nhập viện khi có các dấu hiệu bệnh nặng, đặc biệt là những người có bệnh nền như: đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính… không tự ý tìm mua thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội.
Hơn lúc nào hết, phải quan tâm đến việc giữ gìn sức khỏe, tập luyện, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, thường xuyên vệ sinh tay, vệ sinh nhà ở và nơi làm việc, "Đi đến nơi, về đến chốn”, "Một cung đường, hai điểm đến”, không đến nơi tập trung đông người và thực hiện trách nhiệm đối với gia đình.
P.V: Trân trọng cảm ơn! Chúc đồng chí cùng với ngành y tế nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh!
Trần Minh (thực hiện)