Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 80,9 triệu ca mắc và hơn 983.900 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 2.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nhà Trắng mới đây cảnh báo Mỹ sẽ sớm hết nguồn tài chính đối phó với COVID-19 nếu Quốc hội không phê duyệt thêm ngân sách. Hãng tin Fox News dẫn lời Phó điều phối viên về COVID-19 của Chính phủ Mỹ Natalie Quillian cho biết: "Ngân sách dành cho đối phó với COVID-19 hiện trống rỗng. Chúng tôi hiện đang thảo luận với các nghị sĩ về cách cứu vãn nguồn quỹ này, và việc này vô cùng cấp bách". Bà Quillian cho biết, nước Mỹ sẽ cảm nhận được hậu quả của tình thế này ngay trong tháng 3, và các nỗ lực chống dịch có thể cần thêm ngân sách trong tương lai.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 6/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,96 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 515.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Cơ quan Kiểm soát dược phẩm Ấn Độ (DCGI) ngày 6/3 đã đồng ý cho phép Viện Huyết thanh Ấn Độ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine ngừa COVID-19 Covovax làm mũi tiêm tăng cường cho người trưởng thành. Quyết định được đưa ra sau khi Ấn Độ xem xét khuyến nghị của Ủy ban chuyên gia thuộc DCGI. Ủy ban này cũng đồng ý cho phép sử dụng vaccine trên cho nhóm tuổi từ 12 đến 17 và dự kiến sẽ sớm trình lên DCGI phê duyệt. Ngày 4/3, Ủy ban trên cũng đề nghị Chính phủ cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 dùng vaccine đơn liều Sputnik Light của Nga làm mũi tiêm tăng cường.
Vaccine Covovax do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ từ công ty Novavax của Mỹ nhằm sản xuất vaccine cho Ấn Độ cùng các nước thu nhập thấp và trung bình. Vaccine này đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu cấp phép có điều kiện và nằm trong danh sách vaccine được sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). DCGI cũng đã cấp phép sử dụng hạn chế vaccine này trong tình huống khẩn cấp ở người trưởng thành vào cuối tháng 12/2021. Hiện Covovax chưa được dùng trong chương trình tiêm chủng đại trà của Ấn Độ.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 652.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,03 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Nga sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đối với liệu pháp kháng thể mới điều trị COVID-19 trong khoảng 3 tuần tới. Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya của Nga cho biết, liệu pháp này sẽ có hiệu quả đối với phiên bản BA.2 của biến thể Omicron, còn được gọi là "Omicron tàng hình".
Hãng tin Sputnik dẫn lời Giám đốc Viện Gamaleya, ông Alexander Gintsburg, giải thích: "Chúng tôi đã thử nghiệm liệu pháp này và thấy rằng, chúng có hiệu quả đối với phiên bản BA.2 nhờ chứa kháng thể có thể xâm nhập rất sâu vào cấu trúc của protein S của virus SARS-CoV-2".
Trước đó, Bộ Y tế Nga đã cấp phép cho Viện Gamaleya tiến hành thử nghiệm lâm sàng liệu pháp mới điều trị COVID-19 dựa trên kháng thể đơn dòng (mAbs). Ông Gintsburg cho biết, giai đoạn 1 được tiến hành với các tình nguyện viên khỏe mạnh, giai đoạn 2 sẽ là với những người mắc COVID-19. Sau giai đoạn 1, các nhà khoa học sẽ quyết định có tiếp tục tiến hành các giai đoạn tiếp theo hay không.
Bắt đầu từ ngày 7/3, Bỉ sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế để phòng dịch. Cảnh báo về dịch cũng được chuyển từ màu đỏ sang màu vàng. Theo đó, thực khách đến các quán ăn hoặc những người đến xem biểu diễn nghệ thuật sẽ không phải mang theo Giấy chứng nhận an toàn với COVID-19. Hiện Chính phủ Bỉ đang xem xét để tiếp tục bỏ giấy chứng nhận này trong các lĩnh vực khác .
Ngoài ra, Bỉ cũng dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ngoại trừ trên các phương tiện giao thông và những cơ sở chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, người dân vẫn phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội 1,5 m.
Thái Lan đang kêu gọi hơn 2 triệu người cao tuổi ở nước này tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước Tết Songkran. Nguyên nhân là do lo ngại các ca mắc mới có thể tăng cao trong thời gian diễn ra lễ hội té nước này.
Hiện 83% số người cao tuổi ở Thái Lan, tương đương 10,5 triệu người, đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 2 triệu người cao tuổi đến nay chưa tiêm vaccine. Thái Lan lo ngại, những người này có nguy cơ bị ảnh hưởng sức khỏe nếu mắc COVID-19. Lễ hội té nước của Thái Lan diễn ra vào trung tuần tháng 4.
Làn đi lại dành cho những người đã hoàn thành tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo đường hàng không giữa Malaysia với các nước Thái Lan và Campuchia sẽ bắt đầu được thực hiện vào ngày 15/3 tới. Đây là một phần trong nỗ lực chung nhằm mở cửa trở lại biên giới và phục hồi kinh tế.
Theo Bộ Giao thông Malaysia, những hành khách đã hoàn thành tiêm chủng đến từ Thái Lan và Campuchia sẽ được phép nhập cảnh Malaysia mà không bắt buộc phải cách ly. Đối với Thái Lan, hai nước sẽ có tối đa 6 chuyến bay/ngày giữa Kuala Lumpur - Bangkok và 4 chuyến/ngày đối với lộ trình Kuala Lumpur - Phuket. Đối với địa bàn Campuchia, hai nước sẽ có tối đa 2 chuyến/ngày theo lộ trình Kuala Lumpur - Phnom Penh. Những tuyến bổ sung có thể được triển khai tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường. Trước đó, Malaysia đã có thỏa thuận tương tự với Singapore.
Hàn Quốc tiếp tục là điểm nóng về dịch bệnh khi số ca mắc mới ở trên mức 250.000 ca mỗi ngày trong ngày thứ hai liên tiếp. Theo thống kê của Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc, ngày 5/3 nước này đã ghi nhận hơn 254.000 ca mắc mới, tăng 50% so với một tuần trước đó. Ngày 6/3, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc là 243.612. Đáng chú ý, Hàn Quốc đã ghi nhận 216 ca tử vong mới vào ngày 5/3, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Con số này vào ngày 6/3 là 161 người, nâng tổng số ca bệnh không qua khỏi tại nước này lên 8.957 bệnh nhân.
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đã từ bỏ việc truy vết, thay vào đó là tập trung giảm các ca chuyển nặng và tử vong. Hàn Quốc cũng áp dụng phương pháp điều trị tại nhà và sử dụng bộ tự xét nghiệm kháng nguyên trong bối cảnh nhân viên y tế đang bị thiếu hụt.
Theo kết quả một nghiên cứu do hai bệnh viện ở miền Tây Nam Nhật Bản thực hiện và công bố mới đây, những người sốt sau khi tiêm mũi 2 vaccine ngừa COVID-19 sẽ có lượng kháng thể nhiều hơn những người không có phản ứng này.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Kyushu và Bệnh viện thành phố Fukuoka đã đưa ra kết luận trên căn cứ kết quả xét nghiệm lượng kháng thể của 335 y tá và nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện thành phố Fukuoka sau khi tiêm mũi 2 vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech trong khoảng thời gian tháng 5 và tháng 6/2021. Phản ứng này cũng được xác định làm tăng lượng kháng thể ở cơ thể người sau khi tiêm mũi 3.
Nguy cơ tái mắc COVID-19 ở những người từng nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hiện không đáng kể và thấp hơn nhiều so với người nhiễm các biến thể khác. Đây là ý kiến của các chuyên gia Singapore được đăng trên tờ The Straits Times mới đây, trong đó cũng tái khẳng định vaccine vẫn là cách thức chủ yếu để giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
Theo Phó Giáo sư Hsu Li Yang thuộc trường Y tế công Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhìn chung nguy cơ tái nhiễm COVID-19 trong vòng 6 tháng là cực thấp. Ông cũng cho rằng, nguy cơ nhiễm lại cùng một biến thể là không đáng quan ngại trong năm đầu tiên, dù rằng hiện vẫn cần thêm bằng chứng để chắc chắn về điều này. Nhìn chung, khả năng nhiễm virus trở lại sẽ tăng theo thời gian, khi mức độ kháng thể giảm dần.
Malaysia ngày 6/3 thông báo ghi nhận thêm 33.406 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất được ghi nhận theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này vào năm 2020. Theo thông báo của Bộ Y tế Malaysia, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 342 ca mắc mới nhập cảnh, 33.064 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, cùng 67 trường hợp tử vong. Như vậy, tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng trên 3,59 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 33.173 trường hợp tử vong.
Hiện nước này vẫn còn 311.206 bệnh nhân đang phải điều trị, trong đó 371 trường hợp phải chăm sóc đặc biệt. Khoảng 83,1% dân số Malaysia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, 78,9% dân số đã tiêm đủ liều cơ bản và 45,9% dân số đã tiêm mũi tăng cường.
Trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục có thêm 329 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 175 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, tăng 73 người so với một ngày trước đó. Đáng chú ý, hơn 50% số ca lây nhiễm mới (82 ca) trong cộng đồng ghi nhận ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông nước này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận 209 ca mắc mới COVID-19 không triệu chứng vốn không được nước này đưa vào thống kê ca bệnh, tăng so với mức 166 ca ghi nhận một ngày trước đó.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 110.868 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 trường hợp tử vong và 3.691 bệnh nhân đang được điều trị.
(Theo VTV)