Theo trang thống kê thống kê trực tuyến worldometers.info, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với 163.128.292 ca nhiễm, trong đó có 1.733.961 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 123.517.563 ca nhiễm và 1.367.454 ca tử vong. Bắc Mỹ ghi nhận 95.574.396 ca nhiễm và 1.422.626 ca tử vong; Nam Mỹ có 55.049.765 ca nhiễm và 1.266.111 ca tử vong; châu Phi có 11.611.013 ca nhiễm bệnh và 251.457 ca tử vong. Châu Đại Dương ghi nhận 4.039.285 ca lây nhiễm và 8.150 ca tử vong.
Hết ngày 10/3, châu Âu ghi nhận 788.622 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 1.895 ca tử vong vì dịch bệnh. Pháp, Anh, Nga là các quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm COVID-19. Hiện Pháp ghi nhận 23.308.880 ca nhiễm bệnh và 139.880 ca tử vong; Anh có 19.373.884 ca nhiễm và 162.482 ca tử vong. Nga ghi nhận 17.191.300 ca lây nhiễm, trong đó 358.911 ca tử vong vì COVID-19.
Cơ quan Y tế quốc gia Pháp ngày 10/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 74.818 ca mắc mới COVID-19, tăng mạnh so với con số những ngày trước đó. Tuy nhiên, số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt trong 24h qua giảm so với tuần trước đó.
Cùng ngày, Viện Pasteur đã công bố đánh giá về tình hình COVID-19 tại khu vực đô thị Pháp, theo đó dự báo tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi Pháp dỡ bỏ các hạn chế y tế phòng dịch vào ngày 14/3 sắp tới có thể tăng từ 50% đến 130% so với những tháng trước đó trong năm nay. Viện Pasteur nhận định số ca mắc mới hàng ngày có thể vượt qua 100.000 ca trong tháng 3 này.
Trước đó, Chính phủ Pháp thông báo đến ngày 14/3, Pháp sẽ không bắt buộc phải đeo khẩu trang tại các khu vực trong nhà, ngoại trừ trên các phương tiện công cộng và các cơ sở y tế. Người dân cũng không cần phải trình chứng nhận đã tiêm vaccine tại hầu hết các địa điểm công cộng trong nhà, ngoại trừ bệnh viện, nhà dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc.
Châu Á hiện đang là điểm nóng của dịch COVID-19 khi biến thể Omicron tiếp tục lây lan mạnh. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 577.647 ca mắc và 1.799 trường hợp tử vong mới vì đại dịch.
Tại Hàn Quốc, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 327.532 ca. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, số ca nhiễm mới tại nước này vượt 300.000 ca/ngày, sau khi tăng lên mức kỷ lục 342.427 ca vào ngày trước đó. Số ca nhiễm mới gia tăng mạnh trong một tháng qua, khoảng 4 triệu ca do sự lây lan của biến thể Omicron. Từ đầu dịch đến nay, số ca mắc COVID-19 của Hàn Quốc đã vượt 5 triệu ca, tương đương 10% dân số nước này. Số ca nhiễm mới gia tăng cũng đã kéo theo số bệnh nhân tử vong và trở nặng tăng mạnh. Hiện cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất. Theo dự báo của các chuyên gia y tế, đỉnh của làn sóng dịch lần này sẽ rơi vào giữa tháng 3.
Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có thêm 51.183 ca nhiễm COVID-19 mới và 1.382 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Costa Rica, Guatemala, Panama…
Tại Canada, Chính phủ nước này đang dần tiến đến việc xem COVID-19 như là một bệnh đặc hữu nhờ vào hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng vaccine. Canada đang dần dỡ bỏ các lệnh hạn chế trong phòng chống dịch COVID-19 trên khắp cả nước, trong đó tỉnh Ontario đã bỏ quy định về "hộ chiếu vaccine” từ ngày 1/3 và tỉnh Quebec sẽ chấm dứt quy định tương tự từ ngày 14/3.
Tình hình dịch COVID-19 tại Canada dường như đã đạt đến tình trạng mà nước này có thể bắt đầu coi đây như một dạng bệnh cúm hay một căn bệnh đặc hữu và không cần các biện pháp phòng chống đặc biệt. Canada đạt được kết quả trên phần lớn nhờ vào tỷ lệ tiêm chủng cao. Đại đa số người dân Canada đã hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng của Chính phủ. Các loại thuốc điều trị mới cũng giúp nhiều người không phải nhập viện điều trị.
Tại Nam Mỹ, các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bới dịch bệnh tại khu vực và thứ 3 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 29.249.903 ca nhiễm, trong đó 654.086 ca tử vong vì COVID-19.
Châu Đại dương ghi nhận có thêm 38.122 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 22 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Australia, New Zealand và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tại Australia, giới chức y tế bang New South Wales cảnh báo số ca mắc COVID-19 ở bang này có thể tăng gấp đôi trong vòng vài tuần tới do biến thể phụ BA.2 của Omicron (Omicron tàng hình) lây lan nhanh. Biến thể phụ BA.2 mới được biết đến ở Australia từ cuối tháng 1 nhưng giới chức y tế lo ngại biến thể này đã lây lan rộng tại bang đông dân nhất Australia và đang gây ra số ca mắc mới nhiều hơn cả dòng gốc là BA.1. Để ứng phó, giới chức nước này kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm liều vaccine tăng cường khi tỷ lệ tiêm liều vaccine này mới chỉ ở mức khoảng 60%.
Tại châu Phi, Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu lục. Nước này ghi nhận có 3.690.291 ca nhiễm COVID-19, trong đó 99.681 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm Morocco, Tunisia, Libya, Ai Cập, Ethiopia...
(Theo dangcongsan.vn)