Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 81,57 triệu ca mắc và hơn 1 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 10.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Số liều vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng mỗi ngày ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ những ngày đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vào năm 2020, mặc dù nhiều người dân nước này vẫn chưa được tiêm mũi tăng cường. Số liệu từ Our World in Data cho thấy, mức bình quân số liều vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng trong 7 ngày vừa qua ở Mỹ đã giảm xuống còn 127.000 mũi/ngày, đánh dấu sự sụt giảm kể từ tháng 1/2022, khi hơn 1 triệu mũi tiêm mỗi ngày được thực hiện. Theo dữ liệu của nhật báo Washington Post, số người được tiêm vaccine đã giảm xuống còn 182.000 người/ngày. Trong khi số người Mỹ tiêm 2 liều vaccine đã tăng lên mức 75% ở các đối tượng là người trưởng thành, số lượng tiêm mũi tăng cường lại ở mức thấp hơn.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 25/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 516.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 658.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,76 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Giới chuyên gia cảnh báo, biến thể tàng hình BA.2 đang gây ra một làn sóng dịch tại châu Âu và có thể sớm lan ra toàn cầu. Có một số nguyên nhân gây ra tình trạng này, nhưng đáng chú ý nhất là do quan niệm sai lầm của người dân nhiều nơi rằng "dịch bệnh đang kết thúc".
Theo giáo sư dịch tễ học Ralf Reintjes thuộc trường Đại học Khoa học ứng dụng Hamburg (Đức), số ca mắc COVID-19 ở khắp châu Âu, từ Anh, Pháp, Italia đến Áo đang gia tăng do một số yếu tố: nhiều quốc gia quyết định gỡ bỏ hầu hết, thậm chí là tất cả, các biện pháp hạn chế với COVID-19; suy giảm khả năng miễn dịch từ vaccine và mũi tiêm nhắc lại; cùng với sự lây lan của biến thể phụ BA.2 ("Omicron tàng hình").
Giới chức y tế Anh đang hối thúc những người trên 75 tuổi tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư sau khi các số liệu mới nhất cho thấy, số người nhập viện do COVID-19 tăng.
Theo Báo cáo Giám sát cúm và COVID hàng tuần của Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA), số người lớn tuổi nhập viện mắc COVID-19 hiện còn cao hơn giai đoạn đỉnh của làn sóng dịch bệnh liên quan đến biến thể Omicron. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho người trên 75 tuổi.
Số liệu mới nhất cho thấy, tỷ lệ nhập viện trong nhóm người trên 85 tuổi tại vùng England trong tuần lễ kết thúc vào ngày 20/3 là 178,29 trên 100.000 người, cao hơn so với con số 158,43 vào đầu năm nay. Tỷ lệ những người nhập viện trong độ tuổi từ 75-84 là 74,34 trên 100.000 người, trong khi con số này vào đầu tháng 1 là 70,3. Mặc dù tỷ lệ nhập viện của những bệnh nhân trẻ hơn cũng đang tăng nhưng vẫn thấp hơn mức được ghi nhận trong làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron.
Kể từ ngày 17/4, Australia sẽ nới lỏng các quy định áp dụng cho người nhập cảnh quốc tế. Cụ thể, nước này sẽ bãi bỏ yêu cầu du khách phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trước khi bay đến Australia. Tuy nhiên, du khách vẫn cần đảm bảo một số yêu cầu khác như xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 và đeo khẩu trang trên tất cả các chuyến bay nội địa cũng như quốc tế.
Sau hơn 2 năm áp dụng các quy định nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Australia cho rằng, đã đến lúc nước này quay trở lại tình trạng "bình thường mới".
Hai vaccine ngừa COVID-19 do Australia sản xuất sẽ được thử nghiệm trên người với hy vọng những chế phẩm này có thể cung cấp khả năng bảo vệ mục tiêu tốt hơn trước virus SARS-CoV-2.
Hội đồng Cố vấn Kỹ thuật về Tiêm chủng của Australia (ATAGI) ngày 25/3 khuyến nghị 4 nhóm đối tượng có nguy cơ cao về sức khỏe nên tiêm nhắc liều vaccine ngừa COVID-19 thứ tư, trong bối cảnh Australia sắp bước vào mùa đông với dịch bệnh cúm nghiêm trọng thường xuất hiện trong giai đoạn này. Các nhóm đối tượng này gồm người từ 65 tuổi trở lên, người Australia bản địa trên 50 tuổi, những người đang ở tại các cơ sở chăm sóc người già và người khuyết tật, cùng những người trên 16 tuổi được xác định là suy giảm hệ miễn dịch sẽ đủ điều kiện để tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ tư.
Bộ Y tế Lào cho biết, nước này đã bắt đầu triển khai tiêm liều vaccine thứ tư ngừa COVID-19 cho các nhóm ưu tiên và người từ 18 tuổi trở lên. Đây là liều sẽ được tiêm cho những người đã tiêm mũi thứ ba (mũi tăng cường) trước đó đủ 3 tháng trở lên. Các nhóm ưu tiên sẽ được xếp lần lượt theo thứ tự gồm nhân viên tuyến đầu, những người trên 60 tuổi và người có bệnh nền.
Thông báo cũng cho biết, hai loại vaccine cho mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4 là vaccine của AstraZeneca và của Pfizer. Bộ Y tế Lào đặt mục tiêu sẽ hoàn thành các mũi tiêm nhắc lại cho người dân trong tháng 3 và tháng 4, trước khi vaccine quá hạn. Những người đã bị nhiễm COVID-19 có thể được tiêm dưới mũi thứ nhất, thứ hai hoặc mũi tăng cường (mũi 3) sau khi khỏi bệnh 2 tháng tùy thuộc vào lịch tiêm của từng người.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, Bộ Y tế Lào ngày 25/3 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 2.212 ca nhiễm, giảm 707 ca so với ngày trước đó. Tính tới nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 164.078 trường hợp.
Từ ngày 1/4 tới, Philippines sẽ khôi phục các quy định nhập cảnh như trước khi dịch COVID-19 bùng phát với công dân các nước được yêu cầu thị thực và đã tiêm vaccine liều cơ bản. Phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 25/3, phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, ông Kristian Ablan cho biết, công dân nước ngoài có thể nhập cảnh Philippines với điều kiện tuân thủ các quy định về thị thực hiện hành cũng như thủ tục nhập cảnh và xuất cảnh.
Chính sách mới về nhập cảnh đánh dấu bước đi tiếp theo của Philippines trong nỗ lực mở cửa trở lại với tất cả những người nhập cảnh, bao gồm cả khách du lịch.
Nhật Bản quyết định sẽ tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư để tăng cường khả năng miễn dịch cho người dân. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Bộ Y tế Nhật Bản vẫn chưa quyết định thời điểm triển khai và đối tượng được tiêm mũi thứ tư cũng như khoảng cách giữa các mũi tiêm thứ ba và thứ tư. Nhiều khả năng Nhật Bản sẽ sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer hoặc Moderna để tiêm mũi thứ tư. Mặt khác, khác với ba mũi đầu tiên, người tiêm mũi thứ tư có thể sẽ mất phí.
Ngoài Nhật Bản, Israel và Anh đã khuyến nghị tiêm mũi vaccine thứ tư, nhưng chỉ giới hạn ở các nhân viên y tế và những người có nguy cơ gặp triệu chứng nặng.
Triển lãm ô tô Bắc Kinh dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4 tới đã bị hoãn lại do số ca mắc COVID-19 gia tăng gần đây tại Trung Quốc đại lục.
Trung Quốc đang ứng phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 lớn nhất trong cộng đồng kể từ khi nước này đã kiểm soát được làn sóng dịch bệnh đầu tiên bùng phát vào năm 2020. Hiện nay, nhiều tỉnh thành ở nước này đã triển khai các biện pháp nghiêm ngặt kiểm soát di chuyển.
Tiêm vaccine COVID-19 trong thời kỳ mang thai không liên quan đến nguy cơ biến chứng thai kỳ cao hơn. Đây là kết quả của một nghiên cứu mới do Viện Karolinska (Thụy Điển) và Viện Y tế công Na Uy thực hiện. Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ hơn 157.000 phụ nữ sinh con từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2022, trong đó gần 20% đã tiêm ngừa COVID-19.
Qua đó, các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự gia tăng nguy cơ sinh non, chậm phát triển, hoặc nhu cầu chăm sóc sơ sinh ở những phụ nữ có tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong thai kỳ. Kết quả nghiên cứu này hy vọng sẽ giúp phụ nữ mang thai sẵn sàng hơn với việc tiêm chủng ngừa COVID-19.
Mũi vaccine tăng cường ngừa có thể làm giảm nguy cơ nhập viện đối với người cao tuổi gần 4 tháng sau khi tiêm mũi vaccine thứ ba. Đây là những dữ liệu đầu tiên do cơ quan y tế Anh công bố cho thấy hiệu quả lâu hơn của mũi vaccine tăng cường. Dữ liệu được đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu 2 nhóm bệnh nhân trên 65 tuổi và dưới 65 tuổi.
Theo đó, ở nhóm bệnh nhân trên 65 tuổi, hiệu quả của vaccine giúp hạn chế nguy cơ nhập viện 15 tuần sau khi tiêm mũi vaccine tăng cường là 85%. Đối với nhóm bệnh nhân từ 18 - 64 tuổi, hiệu quả của mũi vaccine tăng cường là 67% sau khi tiêm 15 tuần.
Hiện Anh và một số nước như Israel đang triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư (mũi tăng cường thứ hai) cho các nhóm dễ tổn thương, gồm người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm, trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn đang lây lan nhanh. Theo phác đồ, mũi vaccine thứ tư sẽ được tiêm khoảng 6 tháng sau mũi thứ ba. Hiện Chính phủ Anh cũng đang cân nhắc triển khai chiến dịch tiêm phòng mở rộng sang các nhóm tuổi khác vào mùa thu năm nay.
(Theo VTV)