Không tiêm trộn 2 loại vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/4/2022 | 2:50:23 PM

Bộ Y tế cho biết nhu cầu vaccine sử dụng để tiêm phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi ở Việt Nam theo tính toán bước đầu khoảng 21,9 triệu liều.

Vaccine Spikevax (Moderna COVID-19 vaccine) được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi.
Vaccine Spikevax (Moderna COVID-19 vaccine) được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi.

Từ đầu tháng 4/2022, ngay sau khi vaccine phòng COVID-19 được cung ứng, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố cả nước sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Hiện có 2 loại vaccine phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế đưa vào tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là vaccine Pfizer (tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi) và vaccine Moderna (tiêm cho nhóm từ 6 đến dưới 12 tuổi).

Sẽ triển khai theo chiến dịch

Bộ Y tế đã có thông báo chính thức vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ về Việt Nam vào tuần tới và sẽ triển khai tiêm chủng ngay từ tuần thứ hai của tháng Tư, ngay khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng của vaccine hoàn tất.

Nhu cầu vaccine sử dụng cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi ở Việt Nam theo tính toán bước đầu khoảng 21,9 triệu liều.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan làm việc rất thận trọng, từng bước, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo chương trình tiêm chủng của các nước; các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để đảm bảo tiêm chủng phải an toàn.

Do đó, thời gian qua Bộ Y tế đã họp Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine về việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; tham vấn các ý kiến của WHO về khuyến cáo chính thức cho Việt Nam về tiêm chủng cho trẻ trong lứa tuổi này; Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân về việc tiêm cho trẻ…

Dự kiến triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay sau khi Australia viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna.

Hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Bộ Y tế) đang phối hợp với Đại sứ quán Australia để đưa vaccine về Việt Nam. Đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều, bao gồm: 0,7 triệu liều do Pfizer sản xuất và 9 triệu liều do Moderna sản xuất. Số vaccine này đều có hạn sử dụng đến tháng 7/2022. Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều do Pfizer sản xuất, được Chính phủ Australia viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi sẽ triển khai theo chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định ở trạm y tế phường-xã, bệnh viện, điểm tiêm lưu động và trường học. Trẻ trong độ tuổi đi học sẽ được lập danh sách theo lớp, bao gồm học sinh lớp 6 của trường trung học cơ sở, học sinh đang học trường tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) và trẻ 5 tuổi đang học mẫu giáo. Những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để bảo đảm không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng.

Đến nay cả nước đã tiêm trên 206 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó tỷ lệ tiêm mũi 1 với nhóm trên 18 tuổi là 100%; mũi 2 là 99%; Đối với trẻ từ 12-17 tuổi, hiện tỷ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 tương ứng là 99% và 94%.

Trẻ đã mắc COVID-19 sau 3 tháng mới tiêm

Phó giáo sư Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết có 2 loại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, gồm vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Không giống như người từ 18 tuổi trở lên, với trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.

Theo đó, Vaccine Pfizer chỉ định cho người từ 5 đến dưới 12 tuổi. Liều lượng đường dùng: Tiêm bắp, liều tiêm 0,2 ml. Lịch tiêm: 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Vaccine Spikevax (Moderna COVID-19 vaccine) được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Liều tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vaccine cho người lớn liều nhắc lại. Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Phó giáo sư Dương Thị Hồng cũng cho biết theo kinh nghiệm học hỏi từ thế giới và các đồng nghiệp, những phản ứng trầm trọng, bất thường sau tiêm ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi ít hơn so với trẻ từ 12 tuổi trở lên. Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, trẻ sẽ được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng và tiếp tục theo dõi trong 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng trẻ phải luôn có người hỗ trợ, theo sát 24/24h, tránh vận động mạnh.

Theo thông tin từ Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, việc tiêm 2 mũi vaccine Pfizer trong vòng 5 tháng giúp làm giảm 31% số trường hợp mắc COVID-19 do chủng Omicron ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi đồng thời giảm 45-51% số trường hợp phải điều trị cấp cứu ở trẻ 5-15 tuổi. Báo cáo này cũng cho biết hiện không có bằng chứng nào cho thấy vaccine phòng COVID-19 gây ra các vấn đề lâu dài về khả năng sinh sản ở nữ hoặc nam giới.

Hiện hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có nhiều nước tại châu Á như Nhật Bản, Singapore, Philippines, Malaysia… Ghi nhận thực tế từ các nước đã tiêm vaccine cho nhóm này cho thấy tỷ lệ phản ứng thông thường (như sốt, sưng đau tại chỗ) khi trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19 tương đối thấp.

Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine về việc tiêm chủng cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi đã đồng thuận đưa ra khuyến cáo với trẻ từng mắc COVID-19 cần trì hoãn tiêm trong thời gian 3 tháng kể từ ngày khởi phát bệnh. Tuy nhiên, tùy từng huống cụ thể, các đơn vị tiêm chủng có thể xem xét hoàn cảnh từng cá nhân, so sánh giữa lợi ích của việc tiêm và không tiêm để quyết định trẻ có cần tiêm sớm hơn thời gian 3 tháng này không. Nhưng việc này phải được sự đồng thuận của cha mẹ, người chăm sóc.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây đã xuất hiện một số trẻ sau mắc COVID-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan MIS-C (tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa). Hội đồng tư vấn khuyến cáo khi trẻ có MIS-C, cần trì hoãn đến khi bệnh nhi hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý này.



(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Cienfuegos (Cuba).

Trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel chia sẻ thông tin về những tiến bộ trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của "ứng viên" vaccine dạng xịt Mambisa.

Người lao động Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc).

Trước đó, Hàn Quốc đã bổ sung Việt Nam vào nhóm "quốc gia tăng cường kiểm dịch," yêu cầu từ ngày 1/4, tất cả người Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc phải tự cách ly trong 7 ngày.

Ảnh minh họa

Bản tin phòng chống dịch ngày 31/3 của Bộ Y tế cho biết có 80.838 ca mắc COVID-19, giảm gần 5.000 ca so với hôm qua; Hưng Yên bổ sung 11.517 F0; trong ngày có hơn 250.000 bệnh nhân khỏi; số tử vong giảm xuống còn 39 trường hợp.

Trung tâm Y tế huyện Văn Yên khai trương, đưa vào hoạt động phòng khám tư vấn và điều trị hậu COVID-19 từ ngày 30/3. (Ảnh: FB CDC Yên Bái)

Ngày 31/3/2022, tỉnh Yên Bái ghi nhận thêm 3.156 ca mắc mới (trong đó có 1.374 ca cộng đồng), giảm 50 ca so với hôm qua. Trong ngày có 3.596 bệnh nhân đủ điều kiện khỏi bệnh. Lũy kế 90.273/114.063 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục