Huyện Trạm Tấu có tỷ lệ đồng bào dân tộc Mông chiếm 77% dân số, đồng bào dân tộc Thái chiếm 16% dân số, còn lại là các dân tộc khác như Khơ Mú, Tày, Mường. Xã Hát Lừu có gần 100% dân số là đồng bào Thái, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Y sĩ Nguyễn Thị Kim Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã kể lại: "Khi vận động tiêm, người dân nhận thức chưa đúng về lợi ích của vắc-xin nên đã xuất hiện tâm lý lo lắng, hoang mang khi sau tiêm bị sốt, không lao động sản xuất được.
"Tao khỏe mà, sao cán bộ y tế bắt tao đi tiêm..." - nhiều người dân "chất vấn" ngược nhân viên y tế. Khi Trạm Y tế xã rà soát số người chưa được tiêm mũi 3, vẫn còn một số ít người chưa đồng ý, chủ yếu là người có bệnh nền quá nặng, người có chỉ định chưa tiêm. "Chúng tôi đã tổ chức truyền thông, giải thích. Có nhiều lý do họ đưa ra là tiêm đủ rồi, có ốm đâu mà cán bộ y tế phải lo" - chị Hương chia sẻ.
Xã Xà Hồ có 100% dân số là người dân tộc Mông. Y sĩ Lò Văn Nhâm - Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: "Trước khi triển khai tiêm vắc-xin, chúng tôi đã rất chú trọng công tác truyền thông để mọi người dân đều nắm rõ, hiểu đúng lợi ích của tiêm phòng. Khi cho đăng ký thì 100% số người dân trong độ tuổi đồng ý. Thế nhưng, đến ngày tiêm chỉ lác đác vài người đến".
Rút kinh nghiệm đợt đầu, những đợt tiêm sau cả hệ thống chính trị của xã Xà Hồ đến từng thôn bản vận động, thuyết phục người có uy tín ra tiêm. Người trong bản tận mắt nhìn thấy già bản đi tiêm về vẫn khỏe, ăn được cơm, chăm được con gà, con lợn nên tin tưởng và đi tiêm đầy đủ.
"Đến mũi 3, cán bộ y tế danh sách những người đã tiêm đủ 2 mũi gửi đến Ban Chỉ đạo của xã. Ban Chỉ đạo phân công cán bộ xã phụ trách thôn có trách nhiệm vận động, thuyết phục người dân phải tiêm đầy đủ. Những ngày này, cả xã đều đôn đốc người dân tiêm mũi 3, quyết không để sót đối tượng trong diện tiêm" - y sĩ Nhâm khẳng định.
Theo bác sĩ Đinh Thị Minh Luyện - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu, để chuẩn bị cho một đợt tiêm chủng, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực y tế được huyện thực hiện chu đáo. Tại các điểm tiêm chủng, đội tiêm được thiết lập đảm bảo trang thiết bị y tế, nhân lực đảm bào đúng yêu cầu, thực hiện đầy đủ quy trình mà Bộ Y tế hướng dẫn. Cán bộ, nhân viên y tế tham gia tiêm chủng được tập huấn kỹ lưỡng về quy trình tiêm chủng an toàn, xử lý các tai biến sau tiêm chủng và thông tin cụ thể về từng loại vắc-xin phòng Covid-19. Để thuận tiện cho người dân đến điểm tiêm đầy đủ, cán bộ y tế đã "chiều" bà con bằng cách linh hoạt thời gian, tổ chức điểm tiêm linh động, phù hợp.
"Người dân đi làm ruộng, nương nên các điểm tiêm chủng sẽ đông người tiêm vào sáng sớm và chiều tối. Nhiều khi họ đi làm về nhưng quên lịch tiêm là cán bộ phải rà soát danh sách, phối hợp với chính quyền xã thông tin hoặc tới tận nhà mời đến tiêm" – bác sĩ Đinh Thị Minh Luyện cho biết.
Chủ trương ban đầu là mỗi bản tiêm trong 1 ngày, nhưng sau nhiều đợt tiêm, cán bộ cơ sở rút kinh nghiệm, không máy móc triển khai theo kiểu cuốn chiếu. Nơi nào dễ làm trước, người nào đồng ý thì tiêm trước. Tại địa phương, người dân thường sinh sống rải rác, nhiều bản cách xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn. Khi triển khai truyền thông, cơ quan y tế cho các đơn vị, cá nhân đăng ký, cán bộ xã làm đồng bộ cho 100% số bản, số hộ. Khi vắc-xin về, chính quyền xã thống nhất với ngành y tế, dù vất vả nhưng người dân sau khi khám sàng lọc đủ điều kiện là triển khai tiêm ngay để đảm bảo quyền lợi của bà con.
Để triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thành công, vai trò của cán bộ bản, người có uy tín, trưởng dòng họ rất quan trọng. Trưởng bản Tà Đằng, xã Xà Hồ - Sùng A Hành tuổi còn trẻ, nhưng rất năng nổ, tích cực tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm phòng.
Anh kể: "Có hai người già gần 70 tuổi, không có bệnh nền, đảm bảo đủ điều kiện tiêm nhưng nhất quyết không đi tiêm. Khi đến nhà hỏi lý do thì ông, bà bảo già rồi, không đi đâu xa mà lây bệnh nên không cần tiêm. Chúng tôi giải thích là mình không đi đâu, nhưng sẽ có người khác đến, chẳng may, họ mắc bệnh, mình tiếp xúc rồi lây bệnh thì nguy hiểm. Nghe vậy, các cụ đồng ý hôm sau đi tiêm. Cũng có bà con trong bản lấy lý do bận đi nương không tiêm, nhưng tôi bảo đi nương là việc cả năm, nay không làm thì mai làm. Khi nghe ra thì ai cũng đồng thuận đến tiêm".
Ngoài 60 tuổi, ông Giàng A Lình ở bản Tà Đằng, xã Xà Hồ ban đầu khá băn khoăn, lo lắng khi có thông báo đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, khi được cán bộ xã, thôn bản đến tuyên truyền, vận động kết hợp giải thích về lợi ích của việc tiêm vắc-xin, ông Lình và vợ cũng đã tham gia tiêm phòng vào giữa tháng 7 vừa qua.
Ông Lình chia sẻ: "Hai vợ chồng tôi tiêm mũi 3 rồi, tôi thấy dịch này rất nguy hiểm, mong Nhà nước sớm tiêm vắc-xin cho trẻ con để đảm bảo hơn".
Đến ngày 31/3, số người tiêm vắc-xin mũi 3 của Yên Bái đạt 93,8% số người trong độ tuổi. Ở huyện vùng cao đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu, để triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, vai trò của cán bộ y tế, thôn bản, người có uy tín, trưởng dòng họ rất quan trọng.
Những nỗ lực của họ không chỉ giúp cho huyện vùng cao này hạ nhanh cấp độ dịch, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội mà còn củng cố thêm quyết tâm phòng chống dịch, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục được nâng lên.
(Theo Sức khỏe & Đời sống)