Theo báo cáo của Sở Y tế - cơ quan Thường trựcBan Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, từ 18h ngày 30/3 đến 18h ngày 8/4/2022, tỉnh Yên Bái ghi nhận 22.783 ca mắc COVID-19 mới. Lũy tích đến nay, tỉnh Yên Bái đã ghi nhận tổng số 133.690 ca mắc COVID-19. Hiện tại, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đều có ca mắc cộng đồng. Số mắc trung bình trong 7 ngày qua là 2.643 ca mắc mới/ngày. 99,34% người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ như cảm cúm thông thường.
Từ 18h ngày 30/3 đến 18h ngày 06/4/2022, toàn tỉnh đã tổ chức cách ly và điều trị cho 18.501 bệnh nhân. Trong đó: 719 bệnh nhân điều trị tại cơ sở y tế, 17.782 bệnh nhân theo dõi tại nhà/nơi lưu trú.
Lũy kế từ đầu năm 2021 đến ngày 6/4, toàn tỉnh đã tổ chức điều trị cho 129.403 bệnh nhân (tại 12 cơ sở y tế: Bệnh viện Phổi, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, 8 trung tâm y tế trên địa bàn và theo dõi tại nhà nơi lưu trú). Trong đó có 104 ca nhập cảnh, 129.301 ca tại tỉnh.
Theo phân tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bộ Y tế, số bệnh nhân điều trị thuộc tầng 1 chiếm tới 99,34% Đến ngày 6/4, đã có 110.185 bệnh nhân điều trị khỏi và ra viện; đến ngày 8/4 đã có 115.496/133.690 bệnh nhân khỏi bệnh.
Đẩy nhanh tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID- 19, đến ngày 6/4, toàn tỉnh đã có 532.884 người đủ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin (trong đó: 527.239 người tiêm tại tỉnh, 5.645 người tiêm ngoại tỉnh), đạt trên 99%; trong đó: có 517.710 người đã tiêm từ 2 mũi trở lên (đạt trên 99% đối tượng tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên có mặt ở địa phương).
Đã có 80.205 trẻ đủ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (đạt trên 99%), trong đó 76.192 trẻ được tiêm đủ 2 mũi (chiếm 96,4%). Hiện tại, các địa phương đang tiếp tục triển khai tiêm vét, tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên theo quy định.
Về đánh giá cấp độ dịch, tính đến ngày 6/4, tỉnh Yên Bái có 17 xã cấp độ 1, 10 xã cấp độ 2, 146 xã/phường/thị trấn cấp độ 3, không có địa phương cấp độ 4.
Để đạt những thành công trong nỗ lực giảm ca mắc mới và hạ cấp độ dịch, từ đầu năm 2021 đến nay, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống dịch COVID-19 và của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đã kịp thời ban hành 192 văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Tỉnh cũng nghiêm túc triển khai các văn bản của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19": Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP; việc thực hiện cách ly tại nhà F1; triển khai quy định đối với người nhập cảnh; hướng dẫn các đơn vị điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19, ca nghi ngờ, trường hợp F1 và sử dụng kết quả xét nghiệm kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và ra viện; việc quản lý và điều trị F0 tại nhà và các văn bản hiện hành khác của Bộ Y tế, đảm bảo thực hiện đúng theo yêu cầu chỉ đạo, linh hoạt và hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Riêng trong tuần qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 02/4/2022 về việc triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2022, trong đó, chỉ đạo các địa phương phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chiến dịch vắc tiêm xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Cùng đó, ngày 5/4/2022, tỉnh có Công văn số 945/UBND-VX về việc tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các cơ sở giáo dục từ mầm non đến tiểu học cho trẻ em, học sinh học trực tiếp tại trường học linh hoạt phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh. Trong Công văn đã yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục thuộc các địa phương được phân loại cấp độ dịch ở mức 1, 2, 3 (thuộc vùng xanh, vùng vàng, vùng cam) cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đi học trực tiếp từ ngày 7/4/2022 (Hiện tại, Yên Bái không còn địa phương nào "vùng đỏ").
Để duy trì việc quản lý điều trị F0 tại nhà đạt hiệu quả, Sở Y tế cùng Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT triển khai hệ thống phần mềm chăm sóc sức khỏe tại nhà cho bệnh nhân F0, hỗ trợ hướng dẫn sử dụng cho 9 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, 173 trạm y tế xã, phường các khối bệnh viện; tăng cường lực lượng đoàn viên thanh niên, hội viên hội phụ nữ, giáo viên tham gia hỗ trợ ngành y tế.
Quy trình điều trị quản lý cho bệnh nhân F0 tại nhà đã được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả giúp các cơ sở y tế nâng cao công tác điều trị. Tính đến ngày 6/4 đã có 121.445 lượt cập nhật, theo dõi và quản lý F0 tại nhà trên hệ thống. Ngoài ra, ngành đang phối hợp với Viettel Yên Bái triển khai ứng dụng Callbot hỗ trợ ngành y tế thu thập thông tin bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến ngày 06/4/2022, toàn tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động với kinh phí 11,638 tỷ đồng cho 29.151 đối tượng (gồm 27.336 người lao động và 1.815 người sử dụng lao động, đơn vị).
Triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động với tổng kinh phi 99,389 tỷ đồng cho 63.650 đối tượng (gồm 62.221 người lao động và 1.429 người sử dụng lao động, đơn vị).
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh được đảm bảo duy trì, không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo việc cung - cầu hàng hóa thiết yếu, tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu. Việc cung ứng, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh có ca mắc trong cộng đồng và trong tỉnh. Hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh đã khắc phục khó khăn, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đảm bảo ổn định và tăng trưởng lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Minh Huyền