Tính đến ngày 25/4, cả nước đã tiêm hơn 212,6 triệu mũi vaccine phòng COVID-19, tuy nhiên vẫn còn khoảng 7,6 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật lên hệ thống tiêm chủng. Việc này đang làm hạn chế đến tiến trình liên thông dữ liệu.
"7,6 triệu mũi tiêm này Bộ Y tế không thể cập nhật được. Các mũi tiêm này ở nhiều điểm tiêm chủng khác nhau tại tuyến xã, phường. Chỉ các điểm tiêm chủng cập nhật lên hệ thống thì cấp Trung ương mới làm được các bước tiếp theo"- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại cuộc họp diễn ra ngày 26/4 về 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng COVID-19.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ, các địa phương phải xác thực, chính xác hóa các thông tin tiêm chủng; nếu chưa đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, công an địa phương phải rà soát lại những thông tin nào chưa phù hợp, chưa chính xác thì phải cập nhật và chuyển cho trạm y tế xã để cập nhật lên hệ thống tiêm chủng...
"Trước ngày 1/6, các địa phương phải hoàn thành việc cập nhật xác thực thông tin này. Hiện người dân đã tiêm, chỉ còn khâu thông tin, nếu thiếu, chưa chính xác thì phải cập nhật lại; việc này tuyến xã phải thực hiện dưới sự chỉ đạo của cấp huyện, cấp tỉnh; các địa phương phải quan tâm chỉ đạo vấn đề này"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
87% ca mắc COVID-19 được điều trị tại nhà, nơi lưu trú, phát sinh lượng lớn chất thải lây nhiễm nhưng việc thu gom, xử lý còn nhiều hạn chế
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp về giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra hôm qua cho biết, hiện nay có 38 tỉnh, thành phố thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại các bệnh viện. Tuy nhiên, lượng chất thải phát sinh rất ít tại trạm y tế xã, cơ sở y tế quy mô nhỏ, phân tán nên khó khăn, chi phí cao trong việc thu gom, vận chuyển.
Đáng chú ý, vẫn còn 25 tỉnh, thành phố chưa ban hành kế hoạch hoặc chưa bố trí kinh phí thu gom vận chuyển, xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ ở y tế trong việc tìm đơn vị để chuyển giao chất thải đưa đi xử lý.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu thực tế, trong quá trình chống dịch, rất nhiều cơ sở thu dung, cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19 xuất hiện tình trạng quá tải chất thải y tế, chất thải lây nhiễm do không được đưa đi xử lý.
Tại cộng đồng, với khoảng 87% ca mắc COVID-19 được điều trị tại nhà, nơi lưu trú, đã phát sinh lượng lớn chất thải lây nhiễm nhưng việc thu gom, xử lý còn nhiều hạn chế. Thậm chí nhiều gia đình chưa phân biệt, phân loại chất thải lây nhiễm và chất thải sinh hoạt.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19 chiếm tỉ lệ rất lớn, vì vậy, cần phải rà soát lại các hướng dẫn, tăng cường tập huấn, hỗ trợ người dân phân loại chất thải lây nhiễm; bổ sung phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm tại nhà, có kiểm tra, giám sát không để phát tán mầm bệnh ra cộng đồng...
Ca mắc mới COVID-19 hàng ngày dưới 100 ca, TP HCM sẽ ngưng hoạt động của trạm y tế lưu động
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho biết, hiện nay số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày của Thành phố dưới 100 ca, chủ yếu là biến chủng Omicron, không triệu chứng. Số điều trị tại nhà còn khoảng 5.000 ca và 400 ca điều trị tại bệnh viện, trong đó một tín hiệu đáng mừng khi chỉ còn 23 ca thở máy, 3 tuần liên tiếp không có ca tử vong.
Tất cả phường, xã đều ở cấp độ dịch mức 1; 4 phường, xã ở cấp độ 2. Qua thời gian theo dõi, chưa phát hiện biến chủng BA4, BA5.
Hiện nay, số ca bệnh nặng ở các bệnh viện dã chiến 3 tầng hầu như không còn, sau lễ 30/4-1/5 sẽ rút gọn lại các cơ sở thu dung điều trị COVID-19. Với tình hình hiện tại không cần lập trạm y tế lưu động, các quận, huyện sẽ chủ động chọn ngày ngưng hoạt động.
Hơn 1,4 triệu F0 đang điều trị, giám sát nhưng chỉ còn 620 ca nặng
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, ngày 26/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.431 ca nhiễm mới, tất cả đều ghi nhận trong nước (tăng 1.014 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 6.341 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 10.212 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.620.203 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.357 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.612.454 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.582.620), TP. Hồ Chí Minh (608.112), Nghệ An (480.366), Bắc Giang (384.856), Bình Dương (383.281).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi là 9.116.225 ca. Số F0 đang điều trị, giám sát 1.460.957 trường hợp, trong đó có 620 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 508; Thở ô xy dòng cao HFNC: 47; Thở máy không xâm lấn: 12; Thở máy xâm lấn: 52; Thở ECMO: 1.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 8 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.029 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
(Theo VTV)