Tại Trung Quốc, trong các ngày từ 3 - 5/5, tất cả người dân sống và làm việc tại 12 quận của thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) sẽ phải làm xét nghiệm acid nucleic 3 lần liên tiếp. Đây là một trong các biện pháp của chính quyền thành phố nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Trong khi đó, do làn sóng dịch bệnh thứ 5 được kiểm soát nhanh hơn dự kiến và số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục giảm, ngày 3/5, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục nới lỏng các hạn chế xã hội giai đoạn 2.
New Zealand đã chính thức mở cửa trở lại biên giới cho du khách từ khoảng 60 quốc gia sau hơn 2 năm nước này đóng cửa với thế giới để ngăn ngừa và đối phó với đại dịch COVID-19. Đây là một cột mốc quan trọng đối với New Zealand, đánh dấu sự trở lại của một quốc gia du lịch trên bản đồ thế giới và hệ thống giao thương quốc tế. Với quyết định nhanh chóng mở cửa biên giới trở lại cho một số thị trường trọng điểm, Chính phủ New Zealand kỳ vọng khách du lịch từ Mỹ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Canada và những nước khác, sẽ quay lại New Zealand thay vì lựa chọn các địa điểm thay thế khác.
Cùng ngày, Bộ Y tế Thái Lan đã thông báo cho các nhà chức trách thủ đô Bangkok chuẩn bị chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu sau khi tỷ lệ lây nhiễm và tử vong giảm mạnh. Ngày 3/5 là ngày thứ hai liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới dưới ngưỡng 10.000 ca, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Tình hình COVID-19 ở thủ đô Bangkok cũng đang được cải thiện. Thư ký thường trực Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit cho biết số ca mắc mới ở thủ đô ngày càng giảm là do phổ cập tiêm vaccine phòng bệnh cũng như các chương trình cách ly tại nhà và cho phép bệnh nhân được điều trị ngoại trú.
Tại châu Âu, Croatia và Gruzia là hai nước châu Âu mới nhất thông báo gỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch. Tại Croatia, hiện tại du khách quốc tế có thể nhập cảnh vào nước này mà không cần xuất trình bất cứ giấy tờ nào liên quan đến COVID-19. Bộ Nội vụ Croatia cho biết biện pháp này nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người nhập cảnh tại cửa khẩu biên giới cũng như thúc đẩy mùa du lịch trong thời gian tới. Mặc dù vậy, Chính phủ nước này cảnh báo đại dịch vẫn chưa kết thúc, đồng thời khuyến cáo người dân đeo khẩu trang tại các địa điểm đông người.
Trong khi đó, Bộ Y tế Italy đã tuyên bố bỏ yêu cầu du khách phải hoàn thành Biểu mẫu định vị hành khách để được nhập cảnh nước này từ ngày 1/5, trong khi các quy định còn lại được gia hạn cho đến hết ngày 31/5. Do tình hình đại dịch COVID-19 tại Italy cũng như ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và không thuộc (EU), quy định phòng chống COVID-19 đối với những người nhập cảnh vào nước này sẽ được gia hạn đến hết tháng 5, dựa trên khuyến nghị của Tổng cục Phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế rằng mặc dù tình trạng khẩn cấp COVID-19 đã kết thúc tại Italy, nhưng nước này vẫn cần phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Do vậy, những người nhập cảnh vào Italy từ tất cả các quốc gia phải có một trong những giấy tờ cấn thiết. Thứ nhất là chứng nhận đã tiêm vaccine trong vòng 270 ngày kể từ mũi tiêm cuối cùng hay đã tiêm mũi tăng cường với các loại vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, Vaxzevria, Johnson & Johnson, Novavax cũng như các loại vaccine được luật pháp Italy coi là tương đương như Covishield, Fiocruz, R-Covi. Thứ hai là giấy chứng nhận đã khỏi COVID-19 trong vòng 180 ngày do cơ quan chuyên môn cấp.
Tại Thụy Điển, Bộ Y tế nước này thông báo về việc sẵn sàng công bố các biện pháp phòng dịch mới để ứng phó với làn sóng dịch bệnh do biến thể mới của SARS-CoV-2. Cụ thể, bộ này cho biết có thể ban hành các quy định về hạn chế tiếp xúc xã hội, hạn chế số lượng người tập trung tại 1 địa điểm và khuyến nghị các doanh nghiệp thực hiện làm việc từ xa. Giống như nhiều nước khác, Omicron đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Thụy Điển. Tính đến cuối tháng 4/2022, trung bình mỗi ngày Thụy Điển có 25 người nhập viện vì COVID-19.
(Theo Tin tức)