Bắc Kinh, Thượng Hải phát cảnh báo mới vì dịch COVID-19, số ca mắc mới ở Ấn Độ tăng cao nhất trong 3 tháng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/6/2022 | 7:38:41 AM

Đến sáng 10/6, thế giới có trên 538,45 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,32 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 538,45 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.
Hơn 538,45 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 87,01 triệu ca mắc và hơn 1,035 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 31.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Nhà Trắng ngày 9/6 đã công bố kế hoạch cung cấp 10 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19 cho đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi ở nước này từ ngày 20/6 tới. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ triệu tập cuộc họp ủy ban chuyên gia vào ngày 15/6 tới để đánh giá khuyến nghị tiêm vaccine của hãng Pfizer cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi theo lộ trình 3 mũi, và tiêm vaccine của hãng Moderna cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi theo lộ trình 2 mũi. Theo kết quả thử nghiệm mà hai công ty trên thông báo, cả hai vaccine này đều chứng tỏ tính an toàn và hiệu quả. Dự kiến, các phân tích độc lập của FDA về các dữ liệu trên sẽ được công bố trong vài ngày tới.

Trẻ em dưới 5 tuổi hiện là nhóm tuổi duy nhất chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở hầu hết các nước, khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Mắc COVID-19 thể nặng rất hiếm gặp ở tuổi dưới 5 nhưng vẫn có thể xảy ra. Trên thực tế, 482 ca tử vong ở Mỹ thuộc nhóm này kể từ khi bùng phát đại dịch, tương đương 0,1% tổng số ca tử vong của cả nước. Trẻ em cũng có thể mắc triệu chứng hậu COVID-19, được gọi là triệu chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), ảnh hưởng đến 8.525 trẻ em ở Mỹ và làm 69 em tử vong. Giống người trưởng thành, một số trẻ em mắc COVID-19 có thể mắc hội chứng COVID kéo dài với các triệu chứng mới hoặc lặp lại như sương mù não và mệt mỏi.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 9/6, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,19 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Ấn Độ đang tăng trở lại. Hơn 7.000 ca mắc mới COVID-19 đã được báo cáo trong 24 giờ qua tại quốc gia Nam Á này, cao hơn 38% so với con số của ngày trước đó. Đây là lần đầu tiên số người mắc COVID-19 hàng ngày ở Ấn Độ vượt ngưỡng 7.000 ca kể từ ngày 1/3 vừa qua. Chỉ tính riêng trong tháng 6, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 39.400 ca mắc mới, trong đó có tới hơn 20.000 trường hợp được ghi nhận trong tuần này.

Nhằm tăng cường phòng chống dịch COVID-19, mới đây, Ấn Độ đã lần đầu tiên cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Biological E làm mũi tăng cường cho những người đã tiêm liều cơ bản bằng các vaccine khác. Ấn Độ, quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 3 trên thế giới, đã thực hiện hơn 1,87 tỷ mũi tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với khoảng 667.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 31,31 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đang đặc biệt quan tâm tới việc duy trì giám sát bộ gene của các biến thể virus SARS-CoV-2 cần quan tâm và sự tồn tại của các biến thể này ở tất cả các quốc gia. Dể đạt được mục tiêu này, ECDC đã công bố các chỉ dẫn kỹ thuật nhằm thiết lập hoặc nâng cao năng lực và phương tiện giám sát các biến thể virus SARS-CoV-2. ECDC cho biết, các biến thể cần quan tâm của virus SARS-CoV-2 đã tiếp tục xuất hiện trong năm 2022, do đó cần xác định đặc tính kháng nguyên của các biến thể này đối với việc đánh giá hiệu quả của vaccine phòng bệnh và lựa chọn các chủng virus trong phát triển vaccine.

ECDC khuyến nghị tiêu chuẩn hóa các phòng thí nghiệm và phương pháp báo cáo. Cơ quan này đồng thời bày tỏ mong muốn việc chia sẻ dữ liệu kháng nguyên giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu và ECDC được thực hiện ngay lập tức.

Một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có khả năng phân lập và xác định đặc điểm của các biến thể cần giám sát. ECDC và WHO châu Âu đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia không có dịch vụ này thông qua những phòng thí nghiệm tham chiếu COVID-19 của WHO châu Âu. Các quốc gia cũng có thể hưởng lợi từ cơ chế của WHO châu Âu để gửi mẫu vật đến những phòng thí nghiệm nói trên.

Cuối tuần này, quy định bắt buộc đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19 tại Ontario, tỉnh đông dân nhất Canada, sẽ được dỡ bỏ tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe và phương tiện công cộng, nhưng vẫn tiếp tục được duy trì ở các cơ sở chăm sóc dài hạn và nhà dưỡng lão. Với xu hướng giảm số ca nhập viện do COVID-19 trong những tuần gần đây và tỷ lệ tiêm phòng cao, Giám đốc Y tế Ontario, Tiến sĩ Kieran Moore cho biết, các yêu cầu về khẩu trang sẽ kết thúc vào ngày 11/6, ngoại trừ tại nhữngcơ sở chăm sóc dài hạn và nhà dưỡng lão để cung cấp thêm một lớp bảo vệ cho người dễ bị tổn thương nhất.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Moore vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục đeo khẩu trang nếu cảm thấy cần thiết, hoặc nếu có nguy cơ cao mắc COVID-19, đang hồi phục sau COVID-19, có các triệu chứng mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc gần với người mắc COVID-19. Nhiều chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại rằng việc dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang sẽ làm gia tăng số ca mắc mới và làm trầm trọng thêm thách thức về nhân lực y tế.

Do số ca nhiễm mới COVID-19 đang tăng trở lại, Bộ Y tế Israel đã quyết định khuyến khích người dân đeo khẩu trang trong các không gian kín nơi công cộng và nơi tập trung đông người. Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh số ca F0 tại Israel đã tăng thêm hơn 4.500 ca trong 24 giờ qua, tăng mạnh so với mức trung bình hơn 2.000 ca của tuần trước đó.

Bộ Y tế Israel nhận định, đợt gia tăng số ca F0 này dường như do biến thể phụ BA.5 của biến thể Omicron gây ra. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của biến thể BA.5 không cao hơn so với biến thể Omicron. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Israel cũng kêu gọi người dân tăng cường đưa trẻ em 5 - 11 tuổi đi tiêm phòng đủ 2 mũi và người trên 60 tuổi tiêm bổ sung mũi thứ tư.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Indonesia (BPOM) ngày 9/6 đã phê duyệt giai đoạn 3 của quy trình thử nghiệm lâm sàng (PPUK) đối với vaccine ngừa COVID-19 mang tên SOE do Doanh nghiệp Nhà nước (BUMN) phát triển trên cơ sở hợp tác nghiên cứu giữa hãng dược phẩm PT Bio Farma (Persero) ở thành phố Bandung (Tây Java) và trường Đại học Dược Baylor College of Medicine ở Mỹ.

Người đứng đầu BPOM, bà Penny K Lukito cho biết, với việc cung cấp các thử nghiệm lâm sàng PPUK giai đoạn 3, vaccine SOE đã có thể tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người. Cho đến nay, BPOM đã triển khai đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để sản xuất thuốc, đảm bảo vaccine an toàn, hiệu quả và chất lượng; cơ sở sản xuất dược phẩm đáp ứng những yêu cầu của Phương pháp sản xuất thuốc tốt (CPOB) với tiêu chuẩn quốc tế.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Phục hồi kinh tế quốc gia và quản lý COVID-19 (KCP-PEN) Airlangga Hartarto cho biết, Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị chương trình tiêm chủng COVID-19 liều tăng cường cho người dân Indonesia, một trong số vaccine được sử dụng là SOE.

Bộ Y tế Malaysia sẽ bắt đầu sử dụng bộ đôi kháng thể đơn dòng Tixagevimab và Cilgavimab (Evusheld) để phòng ngừa COVID-19 trong tương lai gần nhằm đảm bảo rằng các nhóm nguy cơ cao tiếp tục được bảo vệ. Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết, thuốc kháng thể Evusheld sẽ chỉ được sử dụng tại các bệnh viện công và loại thuốc này có thể được sử dụng như một liệu pháp dự phòng trước khả năng phơi nhiễm đối với những người chưa mắc COVID-19 nhưng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Phát biểu trước báo giới ngày 9/6, ông Khairy cho biết, các nghiên cứu cho thấy, thuốc kháng thể Evusheld có thể bảo vệ con người trước sự lây nhiễm COVID-19 trong thời gian 6 tháng kể từ khi tiêm. Liệu trình sử dụng là tiêm 2 mũi liên tiếp Tixagevimab và Cilgavimab (tiêm bắp). Đối với những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch đã được tiêm vaccine COVID-19, ông Khairy khuyến nghị nên tiêm Evusheld ít nhất 2 tuần sau khi tiêm chủng.

Các hãng hàng không của Nhật Bản sẽ khôi phục hoàn toàn các chuyến bay nội địa vốn phải tạm dừng hoặc giảm tần suất khai thác do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) cho biết sẽ khôi phục hoàn toàn các chuyến bay đi và đến sân bay Haneda trong tháng 7 và tháng 8/2022. Đây là lần đầu tiên sau hơn hai năm, số lượng các chuyến bay của hãng này trở lại trạng thái trước khi dịch COVID-19 xảy ra.

Ngoài ANA, một hãng hàng không lớn khác của Nhật Bản Japan Airlines (JAL) cũng đang chuẩn bị công bố kế hoạch khôi phục tần suất khai thác chuyến bay nội địa về mức trước khi dịch COVID-19 xảy ra, thời gian áp dụng ban đầu là 2 tháng kể từ tháng 7/2022.

Đối với các chuyến bay quốc tế, ANA và JAL đều cho rằng việc khôi phục nhu cầu đi lại quốc tế sẽ cần thêm thời gian. Do đó, cả hai hãng này sẽ duy trì chính sách giảm nhiều chuyến bay để giảm chi phí khai thác và nhân công.

Ngày 9/6, thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đã phát cảnh báo mới về dịch COVID-19.

Quận Triều Dương đông dân nhất ở thủ đô Bắc Kinh (với 3 triệu dân) đã thông báo đóng cửa các địa điểm vui chơi giải trí từ ngày 9/6. Chủ của 4 quán bar ở quận này đã được thông báo phải tự cách ly. Trước đó, cơ quan chức năng cho biết, thủ đô Bắc Kinh đã ghi nhận 3 ca mắc mới tại 3 quận. Tất cả các ca này đều được phát hiện trong quá trình kiểm tra liên quan đến quán bar ở quận Triều Dương.

Một số khu vực ở Thượng Hải bắt đầu áp đặt các hạn chế phong tỏa mới chống COVID-19, trong đó cư dân của quận Mẫn Hàng phải ở nhà trong hai ngày. Quận Mẫn Hàng với hơn 2 triệu dân sẽ tiến hành xét nghiệm axit nucleic cho tất cả cư dân vào ngày 11/6. Các hạn chế sẽ được dỡ bỏ sau khi việc xét nghiệm được hoàn tất. Thượng Hải đã báo cáo 4 trường hợp COVID-19 có triệu chứng mới được xác nhận vào ngày 8/6, tất cả đều ở các khu vực đã được kiểm dịch. Không có ca mắc mới nào được xác nhận ở quận Mẫn Hàng.

Thượng Hải vào tuần trước đã mở cửa trở lại sau khi đóng cửa toàn thành phố kéo dài hai tháng. Tuy nhiên, một số khu dân cư đã bị phong tỏa trở lại trong bối cảnh giới chức thành phố tiếp tục theo đuổi chính sách "Zero COVID", phong tỏa các ổ lây truyền dịch càng sớm càng tốt.

Bộ phận quản lý cấp khu phố đã ban hành thông báo cho biết, cư dân sẽ phải ở trong nhà hai ngày và triển khai 12 ngày xét nghiệm nghiêm ngặt bắt đầu từ ngày 9/6. Theo thông báo, tại ít nhất 3 khu phố ở Thượng Hải, người dân sẽ phải trải qua 5 vòng xét nghiệm bắt buộc kết thúc vào ngày 23/6 và sẽ phải ở trong nhà cho đến ngày 11/6.

Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) cho biết, Trung Quốc đã ghi nhận 240 ca mắc mới trong ngày 9/6, trong đó 70 trường hợp có triệu chứng và 170 người không có triệu chứng.

(Theo VTV)

Các tin khác
Hành khách xếp hàng chờ ở sân bay Incheon.

Tất cả người nhập cảnh Hàn Quốc không phải tự cách ly bắt buộc trong 7 ngày, song vẫn phải thực hiện xét nghiệm PCR trong vòng 3 ngày sau khi nhập cảnh.

Thuốc Evusheld của hãng dược AstraZeneca, tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 8/2/2022.

Giới chức y tế Hàn Quốc ngày 8/6 cho biết nước này đang thúc đẩy việc phê duyệt sử dụng thuốc dự phòng và điều trị COVID-19 Evusheld của hãng AstraZeneca trong tháng này để bảo vệ tốt hơn những người có hệ miễn dịch yếu.

Ý đã dỡ bỏ hoàn toàn các quy định nhập cảnh có liên quan đến COVID-19, bao gồm xuất trình bằng chứng tiêm, hồi phục và kết quả xét nghiệm.

Người dân chờ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 3/5/2021. Ảnh tư liệu

Ngày 7/6, Bộ Y tế Campuchia thông báo quốc gia Đông Nam Á này đã loại bỏ COVID-19 sau khi bệnh nhân cuối cùng mắc căn bệnh này đã bình phục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục