Trong một bức thư chung gửi Ủy ban châu Âu (EC) mới đây, các Bộ trưởng Y tế các nước Ba Lan, Bulgaria, Croatia, Estonia, Hungary, Latvia, Litva và Romania đã kêu gọi giảm lượng vắc-xin đã đặt hàng. Các bộ trưởng khẳng định, hiện hầu hết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều dư thừa vắc-xin ngừa Covid-19. Nghịch lý là trong khi chi phí mua vắc-xin đang đặt gánh nặng lớn lên ngân sách các nước thì những lô vắc-xin mới lại có nguy cơ bị tiêu hủy.
Sau một thời gian dài nỗ lực tăng nguồn dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng và giải quyết tình trạng thiếu vắc-xin trầm trọng hồi năm ngoái, nhiều nước hiện đang đối mặt thực tế lượng vắc-xin dự trữ hiện nay đã vượt quá nhu cầu. Ba Lan, nước đi đầu trong nỗ lực đàm phán lại các hợp đồng mua vắc-xin, hiện dự trữ hơn 30 triệu liều vắc-xin và dự kiến nhận thêm 70 triệu liều trong thời gian tới theo các thỏa thuận đã ký.
Trong khi đó, khoảng 60% dân số Ba Lan đã tiêm các mũi cơ bản. Không chỉ Ba Lan, nhiều nước châu Âu cũng đang đối mặt tình trạng dư thừa vắc-xin ngừa Covid-19. Mới đây, giới chức y tế Thụy Sĩ cho biết, nước này phải tiêu hủy hơn 620 nghìn liều vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Moderna đã hết hạn sử dụng. Nhiều nước kỳ vọng các hãng dược tiếp tục lùi thời hạn cung cấp vắc-xin, điều chỉnh số lượng sản xuất phù hợp tốc độ lây lan của đại dịch và phát triển các loại vắc-xin có khả năng chống lại các biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2.
Trước thực trạng nêu trên, EU đang nỗ lực đàm phán lại hợp đồng với các nhà cung cấp nhằm cho phép các nước thành viên tiếp nhận vắc-xin dựa trên nhu cầu thực tế. Tại cuộc họp của các Bộ trưởng Y tế EU diễn ra mới đây, Ủy viên EU phụ trách y tế và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides (X.Ki-ri-a-ki-đét) nhấn mạnh, giới chức EU đã nỗ lực thảo luận với các nhà sản xuất nhằm tìm giải pháp cho vấn đề này.
Đầu tháng 6 vừa qua, Công ty dược phẩm Moderna của Mỹ đã chấp thuận lùi thời gian bàn giao một số lô vắc-xin ngừa Covid-19 cho EU đến cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023, thay cho kế hoạch ban đầu là vào quý II năm nay. Trước đó, EU cũng điều chỉnh các thỏa thuận với nhà sản xuất dược phẩm Pfizer (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) nhằm lùi thời hạn bàn giao vắc-xin.
Mặc dù tình trạng thừa vắc-xin đang diễn ra tại châu Âu và nhiều nước phát triển, song hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng. Khoảng cách tiêm chủng giữa nước phát triển và nước thu nhập thấp còn rất lớn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, hiện chỉ có gần 17,3% dân số châu lục này đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, tỷ lệ này ở EU là hơn 70%.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (T.Ghê-brây-ê-xút) mới đây cảnh báo, mặc dù tổng số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, song con số này lại đang gia tăng tại châu Phi, khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất. Các lô vắc-xin đã được chuyển đến châu Phi, song tỷ lệ tiêm chủng tại một số quốc gia trong khu vực vẫn thấp, chủ yếu do những thách thức về phân phối và tâm lý chần chừ trong việc tiêm vắc-xin do các thông tin sai lệch.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, đại dịch sẽ không kết thúc trên toàn cầu cho đến khi mọi nơi trên thế giới không còn ca mắc. Tốc độ phủ sóng vắc-xin chậm có thể biến châu Phi thành "lò ấp” các biến chủng vi-rút SARS-CoV-2 và biến chủng mới xuất hiện có thể kéo lùi nỗ lực chống dịch của thế giới.
Trong bối cảnh nguồn dự trữ vắc-xin ngừa Covid-19 trên thế giới nói chung và châu Âu nói riêng đang đối mặt nguy cơ dư thừa dẫn đến lãng phí, nhiều chuyên gia kêu gọi các nước và các hãng sản xuất lên kế hoạch điều chỉnh phù hợp, đồng thời nghiên cứu các giải pháp phân phối, tuyên truyền để thúc đẩy hoạt động tiêm chủng tại các khu vực có tỷ lệ bao phủ vắc-xin thấp, nhất là châu Phi.
(Theo nhandan)