Thời gian qua, số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam có xu hướng giảm mạnh nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố.
Cụ thể, biến thể Omicron đã được ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới.
GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra kết luận tiêm mũi nhắc lại lần 2 cho các đối tượng sau:
- Người từ 50 tuổi trở lên.
- Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến nặng.
- Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm COVID-19.
- Cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.
Vaccine sử dụng là vaccine mRNA (vaccine do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vaccine do Astrazeneca sản xuất; vaccine cùng loại với mũi 3; khoảng cách tiêm ít nhất là 4 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lần 1). Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3 sẽ trì hoãn 3 tháng sau khi mắc COVID-19.
Với các nhóm đối tượng có chỉ định tiêm mũi 3, mũi 4 cần phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, người mắc bệnh nền. Dù chưa có quy định bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 nhưng lợi ích của việc tiêm vaccine là để đảm bảo yêu cầu của công tác phòng chống dịch, vì vậy người dân cần đi tiêm đúng lịch, đủ liều.
Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tiêm vaccine COVID-19 tại thời điểm này là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống dịch, trong đó có dịch COVID-19. Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân, hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
GS Lân nhấn mạnh, hiện nay chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vaccine COVID-19 giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Vaccine COVID-19 có miễn dịch không bền vững và lâu dài, chỉ sau khoảng 4-6 tháng thì miễn dịch sẽ giảm. Vì vậy, người đã tiêm vaccine COVID-19 vẫn có thể bị tái nhiễm, miễn dịch sẽ giảm dần. Việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là rất cần thiết để phòng bệnh, nếu không may nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ, hệ thống y tế không bị quá tải, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong.
(Theo VTV)