"Thời điểm hiện nay rất phù hợp để tiêm nhắc mũi 4 vaccine COVID-19"

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/7/2022 | 1:12:28 PM

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, các nghiên cứu trên thế giới, trong đó có nghiên cứu của Việt Nam đã chỉ ra, kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron. Do vậy việc tiêm mũi 4 đặc biệt hữu ích. Tại Việt Nam, hiện tại việc triển khai tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ 69% ở người từ 18 tuổi trở lên, rất cần thiết và là thời điểm phù hợp để người dân tiêm nhắc mũi thứ 4.

Thời điểm hiện nay rất phù hợp để tiêm nhắc mũi 4 vaccine COVID-19.
Thời điểm hiện nay rất phù hợp để tiêm nhắc mũi 4 vaccine COVID-19.

Một số nước liên tiếp ghi nhận gia tăng số ca mắc COVID-19

Theo Bộ Y tế, tính tới ngày 7/7, tổng số ca mắc trên thế giới hơn 558,8 triệu ca, trên 6,36 triệu ca tử vong.

Tại châu Âu, Italy liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trên 100.000 ca/ngày do biến thể phụ BA.5 tiếp tục lây lan rộng. Liên đoàn Các cơ quan y tế và bệnh viện Italy (FIASO) cho biết, số trẻ em phải nhập viện điều trị COVID-19 trong 1 tuần đã tăng 84%, từ 51 trẻ trong ngày 28/6 lên 94 trẻ vào ngày 5/7.

Cũng theo FIASO, 78% số ca phải nằm viện là trẻ em dưới 5 tuổi do chưa có vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi này. Cùng thời gian trên, tỷ lệ nhập viện chung do COVID-19 tại nước này đã tăng 19%, với số ca nhập viện và các triệu chứng hô hấp điển hình tăng 24,5%.

Tại Pháp, số ca mắc đang ghi nhận ở mức cao, riêng ngày 5/7, nước này ghi nhận 206.554 ca mắc mới. Hiện Pháp đã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ 7 và nhấn mạnh sự cần thiết của việc đeo khẩu trang ở những nơi đông người.

Trong khi đó, bệnh viện tại Đức thiếu nhân viên do số ca mắc COVID-19 tăng trở lại. Theo thống kê công bố sáng 5/7, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 147.489 ca mắc mới và 102 ca tử vong do COVID-19.

Tại Việt Nam, tính đến 16h ngày 8/7, cả nước ghi nhận 10.752.942 ca mắc, trong đó 10.746.741 ca trong nước. Đến nay đã có 9.749.865 người khỏi bệnh, 43.089 ca tử vong. Đặc biệt, số ca mắc mới trong 4 ngày vừa qua có xu hướng tăng nhẹ khoảng 200 ca/ngày so với mấy ngày trước đó và ghi nhận 2 ca tử vong trong 7 ngày qua.

Các chuyên gia nhận định, đến thời điểm hiện nay, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.

Khi vẫn còn virus lưu hành, tiêm mũi nhắc lại rất cần thiết

Theo TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đến nay đại dịch chưa kết thúc. Một khi còn chủng virus lưu hành, chúng ta vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng. Sau 4 đến 6 tháng, tiêm vaccine là cơ hội giúp cộng đồng được bảo vệ. Đặc biệt khi chúng ta có vaccine thì điều đó rất tốt, chúng ta phải tiêm phòng để bảo vệ chính mình và cộng đồng. 

Vị chuyên gia này cũng cho biết, tiêm vaccine là một biện pháp được Chính phủ thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta cũng mong đợi người dân tình nguyện đi tiêm vaccine để bảo vệ bản thân, gia đình và cả quốc gia. Những nhóm dân số dễ bị tổn thương càng cần phải tiêm vaccine hơn. Chính phủ cung cấp vaccine và người dân nhận vaccine đó để bảo vệ bản thân và cả quốc gia. Trên toàn thế giới hiện nay, nguồn cung vaccine rất hạn chế, nên chúng ta cần ưu tiên vaccine cho các đối tượng dễ bị tổn thương.

"Chúng ta muốn mở cửa càng sớm càng tốt, trẻ em được đến trường… thì chúng ta phải sử dụng công cụ bảo vệ bản thân chúng ta, bảo vệ những người khác, đó chính là vaccine. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tiêm vaccine là trách nhiệm của chúng ta để bảo vệ bản thân, người khác và cộng đồng", TS. Socorro Escalante chia sẻ.

TS. Socorro Escalante cũng cho biết, việc đáp ứng vaccine ở các đối tượng không như nhau, ví dụ người suy giảm miễn dịch thì đáp ứng không giống người bình thường. Chính vì vậy, tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, những đối tượng có suy giảm miễn dịch phải được nhận mũi tiêm thứ 3, 4 vì khả năng của họ tạo ra miễn dịch chống lại bệnh không như những nhóm khác.  

"Chúng ta đã có nghiên cứu tại sao phải tiêm mũi nhắc lại sau 4-6 tháng, đặc biệt khi vẫn còn những chủng virus lưu hành và biến chủng mới có khả năng xuất hiện như hiện nay và Việt Nam đã áp dụng thêm các cách rất hiệu quả để tiêm mũi nhắc lại cho mọi người dân, tiếp tục bảo vệ cộng đồng của chúng ta".

TS.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, các nghiên cứu trên thế giới, trong đó có nghiên cứu của Việt Nam cũng chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron.

Vì vậy, việc tiêm mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.

"Với tình hình dịch COVID-19 hiện nay ở nước ta và việc triển khai tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ 69% ở người từ 18 tuổi trở lên, rất cần thiết và là thời điểm phù hợp để chúng ta tiêm nhắc mũi thứ 4", TS.BS Vương Ánh Dương cho biết.

(Theo VGP)

Các tin khác
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul (Hàn Quốc), ngày 26/1/2022.

Quan chức y tế Hàn Quốc cho biết nguyên nhân gia tăng số ca nhiễm những ngày gần đây ở nước này là do gia tăng di chuyển của người dân trong mùa Hè và khả năng miễn dịch của vaccine suy giảm.

Chiều 8-7, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 800 ca nhiễm Covid-19 (giảm 113 ca so với ngày trước đó). Ngoài ra, có thêm 8.755 F0 khỏi bệnh (gấp gần 11 lần ca mắc mới) và không có ca mắc Covid-19 tử vong.

Các ca mắc Covid-19 mới một lần nữa đang gia tăng trở lại ở hơn một trăm quốc gia, chủ yếu là dòng phụ của biến chủng Omicron là BA.4 và BA.5. Trong cuộc họp hằng tuần về Covid-19 tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 6-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nêu bật các nguy cơ khiến làn sóng Covid-19 mới lây lan nhanh do chủng này có khả năng lẩn tránh miễn dịch được tạo ra sau tiêm vắc xin hoặc sau những lần mắc Covid-19 trước đó.

Công nghệ sử dụng để phát triển vaccine COVID-19 của AstraZeneca hiện đang được điều chỉnh để sử dụng làm vaccine cho các bệnh nhân ung thư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục