Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 91,25 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,048 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.
Ngày 17/7, Ấn Độ chính thức đạt cột mốc tiêm 2 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 nhưng đây cũng là ngày quốc gia này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong 4 tháng gần đây. Quốc gia khoảng 1,35 tỷ dân này đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19, hoạt động đi lại quốc tế phục hồi mạnh mẽ. Khoảng 80% liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm tại Ấn Độ là vaccine của hãng AstraZeneca, được sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các vaccine tự phát triển như Covaxin và Corbevax cùng với vaccine Sputnik V của Nga cũng được sử dụng.
Cùng ngày, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo ghi nhận 20.528 người nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong 24 giờ, cao nhất kể từ ngày 20/2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Á lên hơn 43,75 triệu trường hợp, cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Đây cũng là ngày thứ tư liên tiếp số ca mắc mới ở Ấn Độ vượt 20.000 ca/ngày. Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 ở Ấn Độ cũng tăng lên 525.709 người, khi thêm 49 trường hợp thiệt mạng trong 24 giờ qua.
Tỷ lệ xét nghiệm dương tính hàng ngày hiện ở mức 5,23%, trong khi tỷ lệ dương tính trung bình tuần là 4,55%. Số ca mắc mới tăng cao đáng kể tại các bang ở miền Đông như Assam, Tây Bengal và Karnataka ở miền Nam.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron đang tiếp tục gây ra các làn sóng dịch mới tại nhiều nước. Giới chức các nước khuyến nghị người dân tích cực tiêm mũi vaccine tăng cường, tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Ngày 17/7, Italy ghi nhận thêm gần hơn 67.800 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên trên 20,1 triệu ca kể từ tháng 1/2020. Đây là cột mốc mới nhất trong một loạt các cột mốc liên quan đến đại dịch COVID-19 tại Italy, vốn nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, Italy là quốc gia thứ 7 chính thức có trên 20 triệu ca mắc COVID-19, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Pháp, Đức và Anh.
Số ca mắc COVID-19 tại Italy đang gia tăng trở lại trong những tuần gần đây, với số ca mới hàng ngày thường xuyên lên tới trên 100.000 ca. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong và số lượng bệnh nhân phải cấp cứu vẫn thấp hơn nhiều so với thời đỉnh điểm của đại dịch.
Số ca nhiễm mới COVID-19 tại Australia đang tiếp tục tăng. Ngày 16/7, nước này ghi nhận thêm 43.000 ca mắc COVID-19. Con số này vào ngày 17/7 là 37.899 trường hợp. Đáng chú ý, số ca mắc mới gia tăng với tốc độ nhanh, số lượng người nhập viện cũng tăng. Hai dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron đang chiếm ưu thế trong đợt bùng phát này.
Giới chuyên gia y tế cảnh báo, làn sóng dịch mới tại Australia có thể đạt đỉnh vào tháng 8 tới. Để ứng phó, giới chức Australia tiếp tục kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường, đeo khẩu trang ở nơi đông người.
Australia cũng quyết định chi 780 triệu AUD để kéo dài chương trình hỗ trợ những người bị COVID-19 phải nghỉ làm ở nhà, hoặc những người tiếp xúc gần và phải chăm sóc người bị Covid-19. Chương trình sẽ được duy trì cho đến hết tháng 9/2022.
Tại Malaysia, liên tiếp trong 3 ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 đều ở mức trên 4.000 ca/ngày. Số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tăng 42,7% trong hai tuần. Số liệu từ Bộ Y tế Malaysia cho thấy, số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này đang tiếp tục xu hướng gia tăng trở lại kể từ cuối tháng 4. Trong 3 ngày gần đây (14 - 16/7), số ca mắc mới đều ở mức trên 4.000 trường hợp/ngày, lần lượt là 4.098, 5.230 và 5.047.
Dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron với đặc tính dễ lây lan, tăng nguy cơ tái nhiễm đang chiếm ưu thế chủ đạo. Để ứng phó, giới chức Malaysia đang cân nhắc khả năng tái áp đặt quy định giãn cách xã hội, trong đó có việc bắt buộc đeo khẩu trang.
Ngày 17/7, Singapore ghi nhận thêm 6.947 ca mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên trên 1,59 triệu trường hợp. Theo thống kê của Bộ Y tế Singapore, trong số các ca mới có 694 ca phát hiện qua test PCR và 6.253 người phát hiện qua test nhanh.
Ngoài ra, Singapore ghi nhận thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên 1.453 trường hợp. Hiện đang có 789 ca phải nhập viện điều trị, với 14 ca nặng.
Nhật Bản ngày 16/7 ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 theo ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 110.000 ca. Ngày 17/7, nước này báo cáo thêm 104.832 trường hợp nhiễm mới. Thủ đô Tokyo là địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất, buộc chính quyền phải nâng cảnh báo dịch lên mức cao nhất.
Nhật Bản đã quyết định mở rộng diện đối tượng được tiêm mũi vaccine thứ tư ngừa COVID-19 cho tất cả nhân viên y tế và người làm việc tại các cơ sở dưỡng lão. Thêm 8 triệu người sẽ đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường này, dự kiến bắt đầu triển khai từ đầu tuần này.
Mặc dù số ca mắc mới COVID-19 những ngày qua ở Hong Kong (Trung Quốc) luôn ghi nhận trên 3.000 ca, nhưng 4 chuyên gia y tế thuộc Đại học Hong Kong lại ủng hộ việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Các chuyên gia trên bao gồm giáo sư Viên Quốc Dũng - Khoa Vi sinh, ông Khổng Phồn Nghị - Chủ nhiệm Khoa bệnh truyền nhiễm, Phó giáo sư Long Chấn Bang và Giáo sư Siddharth Sridhar thuộc Khoa Vi sinh là đồng tác giả của một bài báo, đề xuất chính quyền Hong Kong nới lỏng dần các biện pháp giãn cách xã hội vào mùa hè và nỗ lực để đạt được "miễn dịch hỗn hợp" trước mùa đông thông qua việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 và lây nhiễm tự nhiên.
Theo các chuyên gia này, việc xét nghiệm bắt buộc gây tốn kém, phiền phức cho người dân và lãng phí, do vậy nếu đạt đến "miễn dịch hỗn hợp" thì nên dỡ bỏ những biện pháp trên và việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên hàng ngày trước khi đến trường, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục áp dụng ở những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, nhà trẻ, nhà chăm sóc nội trú. Sau khi nới lỏng các biện pháp này, những người chưa được tiêm vaccine cần thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tránh hoạt động bỏ khẩu trang và người nhà nên xét nghiệm nhanh kháng nguyên hàng ngày.
Sau khi số ca mắc mới tăng trở lại từ 200 ca/ngày vào đầu tháng 6 lên trên 1.000 ca/ngày, chính quyền Hong Kong đã quyết định không nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội giai đoạn 3 theo lịch trình. Thay vào đó, các biện pháp giãn cách xã hội hiện tại đã được kéo dài từ ngày 14/7 - 27/7.
Chính quyền đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) tiếp tục yêu cầu các công ty và các doanh nghiệp thương mại ngừng hoạt động đến ngày 22/7 nhằm ngăn chặn lây lan dịch COVID-19. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh những mặt hàng thiết yếu như các chợ, siêu thị, nhà hàng... tiếp tục được phép hoạt động. Nhân viên nấu ăn, giao hàng mang đi và người lái phương tiện giao thông công cộng sẽ phải xét nghiệm axit nucleic hàng ngày.
Macau sẽ gia hạn lệnh phong tỏa các sòng bạc và các cơ sở kinh doanh khác đến ngày 22/7 tới trong bối cảnh đặc khu này đang phải nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Theo kế hoạch, nếu không được gia hạn, lệnh phong tỏa tại trung tâm sòng bạc lớn nhất thế giới sẽ hết hạn vào ngày 18/7.
Đặc khu hành chính Macau đã áp đặt lệnh phong tỏa từ ngày 4/7, theo đó đóng cửa các sòng bạc, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà ngoại trừ khi đi mua các mặt hàng thiết yếu. Kể từ giữa tháng 6 đến nay, Macau ghi nhận khoảng 1.700 ca COVID-19. Đến nay, hơn 90% dân số ở Macau đã tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 nhưng đây là lần đầu tiên đặc khu này phải chật vật ứng phó với biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 17/7 cho biết, Trung Quốc đại lục ghi nhận 691 ca mới, trong đó 154 ca có triệu chứng và 537 không triệu chứng. Con số này cao hơn số ca ghi nhận một ngày trước đó (547 trường hợp, trong đó 129 có triệu chứng và 418 không triệu chứng).
Trong số các ca mới, có tới 580 ca là lây nhiễm cộng đồng, mức cao nhất kể từ ngày 23/5. Phần lớn các trường hợp nhiễm mới nằm ở Quảng Tây và Cam Túc. Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc, cùng ngày thông báo các quận chính sẽ kéo dài tình trạng phong tỏa tạm thời thêm 7 ngày, đến ngày 24/7.
Ngày 16/7, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc đã vượt ngưỡng 41.000 ca, mức cao nhất trong gần 2 tháng qua, trong bối cảnh dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lây lan mạnh. Con số này vào ngày 17/7 là 40.342 ca. Trước đó, hôm 26/3, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc đã lần đầu tiên chạm mốc 10.000 ca sau 3 tuần, sau đó tăng lên trên 20.000 ca vào ngày 9/7 và trên 40.000 ca vào ngày 13/7.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) cảnh báo, Hàn Quốc đang bước vào làn sóng dịch COVID-19 mới, chấm dứt xu hướng giảm từ mức đỉnh hơn 620.000 ca vào giữa tháng 3 và số người mắc mới dự báo có thể tăng lên hơn 200.000 trường hợp vào tháng 8 tới. Theo KDCA, biến thể phụ BA.5 chiếm 35% tổng số ca mắc mới COVID-19 của nước này vào tuần trước, tăng từ mức 28,2% một tuần trước đó. BA.5 được biết là dễ lây lan hơn và có khả năng thoát miễn dịch tốt hơn so với các phiên bản trước đó.
(Theo VTV)