Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 91,76 triệu ca mắc và hơn 1,05 triệu trường hợp tử vong.
Gần 1/4 người dân Mỹ từng nhiễm virus SARS-CoV-2 chịu ảnh hưởng của hội chứng COVID kéo dài. Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Nam California phụ trách được thực hiện với khoảng 8.000 người trên khắp nước Mỹ. Những người này phải trả lời các câu hỏi về tình trạng sức khỏe nói chung và tình trạng bệnh COVID-19 của họ. Tần suất là 2 lần/tuần trong thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021.
Theo kết quả, hơn 20% người tham gia nghiên cứu cho biết có ít nhất một triệu chứng mới kéo dài hơn 12 tuần. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc hội chứng COVID kéo dài tăng đáng kể ở người béo phì, bị rụng tóc, đau đầu hoặc bị đau họng vào thời điểm bị mắc COVID-19.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 21/7, số ca mắc mới COVID-19 đã vượt mốc 21.000 ca. Theo số liệu của Bộ Y tế liên bang Ấn Độ vào ngày 21/7, tổng cộng 21.566 người nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên trên 43,82 triệu. Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 45 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên 525.870 ca kể từ đầu dịch. Tỷ lệ dương tính theo ngày tăng lên 4,25% và tỷ lệ dương tính theo tuần là 4,51%.
Giới chức y tế Ấn Độ lo ngại, các biến thể phụ BA.5 và BA.2.75 có thể lây lan nhanh và tìm cách tránh né khả năng miễn dịch.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Bắt đầu từ tuần này, Brazil triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi. Động thái trên diễn ra sau khi cơ quan y tế nước này cho phép sử dụng vaccine CoronaVac để tiêm cho lứa tuổi trên. Loại vaccine này do Viện Butantan của Brazil phối hợp với với công ty dược phẩm Sinovac của Trung Quốc sản xuất.
Theo giới chức y tế Brazil, trẻ em dưới 5 tuổi mắc COVID-19 phải nhập viện và gặp biến chứng đang có chiều hướng gia tăng. Chính vì vậy, họ hy vọng việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi sẽ giúp giảm tỷ lệ nhập viện do COVID-19 ở trẻ em.
Châu Âu đang đối mặt với làn sóng mới của dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới ghi nhận trong 6 tuần qua đã tăng gấp 3 lần. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cho biết, làn sóng mới của dịch COVID-19 tại châu lục này chủ yếu do sự lây lan của các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron. Hai biến thể này hiện gây ra tới 80% số ca mắc mới tại châu Âu.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, châu Âu có gần 3 triệu ca nhiễm mới trong tuần qua, tức chiếm gần 50% số ca nhiễm mới ghi nhận toàn thế giới. Số bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện điều trị cũng tăng gấp 2 lần trong nhiều tuần qua. Có gần 3.000 người châu Âu tử vong do COVID-19 mỗi tuần.
Giới chức châu Âu cho rằng cần tái áp đặt các biện pháp phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng và hạn chế tụ tập đông người.
Vương quốc Bỉ từ đầu tuần này thử nghiệm một sáng kiến ở quy mô nhỏ, biến nhà thuốc thành nơi tiêm chủng vaccine COVID-19 nhằm sẵn sàng cho một chương trình tiêm chủng mở rộng liều thứ tư, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới đây. Những người có nhu cầu tiêm liều thứ ba và đủ điều kiện tiêm liều thứ tư được mời tới những hiệu thuốc đang tham gia chương trình thử nghiệm.
Từ đầu tuần này, 700 nhà thuốc trên toàn Vương quốc Bỉ tham gia chương trình thử nghiệm, tiêm chủng tăng cường vaccine ngừa COVID-19 ngay trong hiệu thuốc. Thử nghiệm dựa trên thực tế là tất cả các dược sĩ đều biết tiêm chủng và biết cách xử lý các vấn đề có thể xảy ra sau tiêm chủng.
Quy luật lây nhiễm của COVID-19 gần như đã thay đổi hoàn toàn và rất đáng ngại. Đây là khẳng định từ các bác sỹ Đức khi đại dịch đã bước sang năm thứ 3 và đang gây ra các làn sóng dịch mới tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Nếu như trong 2 năm đầu của đại dịch COVID-19, số ca mắc hầu như giảm vào mùa hè, khi bước sang năm thứ 3, số ca mắc mới COVID-19 đang tăng mạnh trong cả mùa hè, khiến hệ thống y tế bị quá tải. Vào thời điểm đầu tháng 6, tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày tại Đức vẫn ở mức thấp nhất trong cả năm. Tuy nhiên, sau đó, số ca đã tăng chóng mặt. Số ca mắc mới theo ngày liên tục ghi nhận từ 120.000 - 150.000 ca và thực tế có thể còn cao hơn nhiều do người dân không đi xét nghiệm. 2/3 số ca mắc hiện nay ở Đức nhiễm biến thể phụ BA.5.của Omicron.
Giải thích về tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng biến thể phụ BA.5 có thể lây lan nhanh ngay cả trong mùa hè. Thậm chí những người đã tiêm chủng hoặc phục hồi sau khi đã mắc COVID-19 cũng không còn an toàn trước biến thể này.
Chính quyền thủ đô Bangkok, Thái Lan đã mở hai bệnh viện dã chiến mới với công suất 500 giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ, khi số ca mắc mới COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng. Các bệnh viện mới mở có khoảng 760 giường được phân bổ cho bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng từ trung bình đến nặng.
Tính đến 20/7, khoảng 47% số giường đã có bệnh nhân. Để chuẩn bị cho sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19, nhiều bệnh viện trực thuộc Cục Dịch vụ Y tế Thái Lan cũng đang phải tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân với tốc độ tổng cộng khoảng 1.500 bệnh nhân mỗi ngày. Ngày 21/7, Thái Lan ghi nhận hơn 2.600 ca nhiễm COVID-19 nhập viện cùng 23 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.
Nhật Bản đã phê duyệt 3 loại thuốc kháng virus mà để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có hiệu quả cao trong việc chống lại biến thể phụ BA.5 của Omicron. Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học nước này. Các loại thuốc kháng virus này bao gồm Remdesivir, Molnupiravir và Nirmatrelvir/Ritonavir.
Nhóm nghiên cứu đã cho các tế bào nuôi cấy nhiễm biến chủng phụ BA.5 và sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau cho các tế bào này. Sau đó, họ kiểm tra mức độ kiềm chế sự nhân bản của virus của mỗi loại thuốc. Kết quả là họ đã phát hiện 3 loại thuốc kháng virus trên có thể sử dụng để điều trị một cách hiệu quả cho các bệnh nhân nhiễm phải biến thể phụ BA.5.
Ngày 21/7, Nhật Bản ghi nhận thêm 135.239 ca mắc mới. Nước này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 7, chủ yếu do biến thể phụ BA.5 của Omicron gây ra. Thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ngày 21/7 vượt mốc 30.000 ca, hơn nhiều mức kỷ lục hồi đầu tháng 2 là 21.526 ca.
Trước đó, tổng số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận ngày 20/7 đã tăng lên mức cao chưa từng có là 152.536 trường hợp do sự lây lan của biến thể phụ BA.5 của biến thể Omicron. Trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản, 30 địa phương ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao kỷ lục, trong đó tỉnh Kanagawa gần thủ đô Tokyo và tỉnh Aichi miền Trung ghi nhận hơn 10.000 bệnh nhân.
Bất chấp sự gia tăng số ca mắc COVID-19, chính quyền Nhật Bản tái khẳng định sẽ không áp đặt các hạn chế di chuyển. Trong bối cảnh Nhật Bản bước vào kỳ nghỉ hè, làn sóng dịch mới trên gây gia tăng lo ngại ngành du lịch và nhà hàng có thể bị ảnh hưởng.
Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch bổ sung trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tái bùng phát và số ca nhiễm mới tại nước này đã vượt mốc 70.000 ca/ngày. Tốc độ lây lan của biến thể BA.5 cũng nhanh hơn nhiều so với dự kiến ban đầu và có thể đạt đỉnh 300.000 ca/ngày trong khoảng đầu tháng 8.
Theo đó, từ ngày 25/7, các bệnh viện, cơ sở y tế, viện dưỡng lão sẽ đình chỉ việc gặp mặt trực tiếp để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm. Toàn bộ nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện, cơ sở y tế, viện dưỡng lão bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm PCR mỗi tuần một lần. Số lượng cơ sở y tế có thể điều trị và kê đơn tại cùng một điểm sẽ tăng từ 6.500 ở thời điểm hiện tại lên 10.000 vào cuối tháng 7.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc quyết định tăng số phòng khám sàng lọc trên toàn quốc lên 70 cơ sở và đảm bảo mỗi quận ở thủ đô Seoul sẽ có một cơ sở khám sàng lọc. Các phòng khám sàng lọc tại nước này đã chính thức hoạt động trở lại vào các ngày cuối tuần và cả ban đêm để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm những đối tượng nghi ngờ.
Ngày 21/7, Hàn Quốc ghi nhận thêm 71.109 ca mắc COVID-19, trong đó có 320 trường hợp nhập cảnh, nâng tổng số người nhiễm lên trên 19 triệu bệnh nhân. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới hàng ngày ở trên ngưỡng 70.000 ca. Tổng số người tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc là 24.794, tỷ lệ tử vong là 0,13%.
(Theo VTV)