Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 96,95 triệu ca mắc và hơn 1,074 triệu trường hợp tử vong.
Bang New York của Mỹ bắt đầu tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa biến thể Omicron, đồng thời dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và nhiều địa điểm khác. Thống đốc New York Kathy Hochul cho biết, các cơ sở y tế của bang đã có sẵn vaccine ngừa COVID-19 vốn được bào chế nhằm chống lại các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron. Vaccine này còn có khả năng tăng cường hiệu quả bảo vệ của các vaccine trước đó.
Bên cạnh đó, giới chức New York thông báo dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, xe thuê, sân bay, các cơ sở dành cho người vô gia cư, các trung tâm giam giữ. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn sẽ tiếp tục bị bắt buộc phải sử dụng tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe và chăm sóc người già và một số cơ sở y tế.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ thanh niên tại nước này từ 20 - 24 tuổi được điều trị sức khỏe tâm thần đã tăng lên trong giai đoạn dịch COVID-19. Cụ thể, gần 22% thanh niên trong độ tuổi trên đã được điều trị sức khỏe tâm thần trong năm 2021, tăng so với mức 19% ghi nhận trong năm 2019. Các nhà dịch tễ học tâm thần nhận định, mức tăng này có thể là do sự liên quan giữa nhu cầu điều trị gia tăng và khả năng tiếp cận với việc điều trị tốt hơn. Trong khi đó, báo cáo của CDC Mỹ cho thấy, nhìn chung việc gia tăng số người điều trị sức khỏe tâm thần diễn ra phần lớn là ở những người trưởng thành dưới 45 tuổi.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 9/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,48 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Pháp là điểm nóng dịch bệnh thứ 3 thế giới với trên 34,68 triệu ca mắc, hơn 154.400 người thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil có số người tử vong vì COVID-19 cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ với hơn 684.700 trường hợp. Đến nay, nước này xác nhận tổng cộng trên 34,54 triệu người nhiễm bệnh, sau Mỹ, Ấn Độ và Pháp.
Kết quả nghiên cứu do Đại học Bar-Ilan (Israel) công bố ngày 8/9 cho thấy, bệnh nhân COVID-19 nếu được tiêm từ 2 mũi vaccine trở lên có khả năng giảm đáng kể nguy cơ bị các triệu chứng có thể xuất hiện nhiều tháng sau khi khỏi bệnh.
Nghiên cứu được thực hiện dưới sự chủ trì của Giáo sư Michael Edelstein, Khoa Dược Azrieli thuộc Đại học Bar-Ilan, phối hợp với các nhóm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và chuyên gia công nghệ thông tin của một số bệnh viện tại Israel. Dữ liệu trích xuất của gần 3.500 bệnh nhân trưởng thành trong giai đoạn từ tháng 7 - 11/2021 cho thấy, những người được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine đã giảm được 50 - 80% nguy cơ mắc 8 trong số 10 triệu chứng phổ biến nhất của bệnh nhân hậu COVID-19.
Cụ thể, trong số những người tham gia nghiên cứu có 2.447 người cho biết đã từng bị mắc COVID-19, trong đó 67% đã được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine. Các nhà khoa học đã so sánh các triệu chứng hậu COVID-19 của nhóm này với nhóm chưa được tiêm sau khi đã loại trừ các biến số như tuổi tác, thời gian tiêm. 4 triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, đau đầu, chân tay yếu, đau nhức cơ đã được giảm lần lượt ở các mức 62%, 50%, 62% và 66%. Một số triệu chứng khác như hụt hơi giảm tới 80%.
Giáo sư Edelstein khẳng định: "Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vaccine không chỉ giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh, mà còn ngăn chặn các triệu chứng về lâu dài, đôi khi làm thay đổi cuộc sống của người bệnh, như kết quả nghiên cứu đã cho thấy".
Đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng của vaccine đối với các triệu chứng hậu COVID-19. Bên cạnh vấn đề này, nghiên cứu của Đại học Bar-Ilan còn xem xét tác dụng của vaccine đối với các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và chất lượng cuộc sống của người bệnh trong thời gian dài sau nhiễm bệnh.
Người dân Hàn Quốc cần cảnh giác trước nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Trung Thu (Chuseok) kéo dài 4 ngày bắt đầu từ ngày 9/9. Đây là lời kêu gọi được Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đưa ra. Theo Thủ tướng Hàn Quốc, số ca nhiễm được dự báo có xu hướng tăng sau kỳ nghỉ khi lượng người di chuyển tăng. Do vậy, người dân cần giảm thiểu tụ tập và đeo khẩu trang ở những không gian công cộng trong nhà.
Thủ tướng Han Duck-soo cũng cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch mở khoảng 6.000 trung tâm điều trị COVID-19 "một cửa" để người dân có thể thực hiện các xét nghiệm, nhận các dịch vụ chăm sóc y tế và thuốc kháng virus trong kỳ nghỉ tới. Khoảng 30.000 nhà thuốc sẽ mở cửa trong kỳ nghỉ lễ.
Indonesia sẽ chuyển từ việc coi COVID-19 là đại dịch sang giai đoạn coi đây là bệnh thông thường từ năm 2023 dựa vào tình hình dịch bệnh từ nay đến cuối năm. Giới chức y tế Indonesia cho biết, nếu số ca mắc mới được kiểm soát từ tháng 9 đến cuối năm, nước này sẽ chuyển sang giai đoạn bệnh thông thường từ đầu năm 2023.
Hiện số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày tại quốc gia vạn đảo đã giảm đáng kể. Trung bình, Indonesia ghi nhận khoảng 3.000 ca mắc mới mỗi ngày. Để đảm bảo kiểm soát dịch hữu quả, giới chức y tế Indonesia nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19; khuyến nghị người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch cần thiết.
Chính quyền thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Tây Nam Trung Quốc) đã quyết định gia hạn biện pháp phong tỏa để phòng dịch COVID-19 lan rộng, áp dụng với phần lớn trong tổng số hơn 21 triệu dân tại đây.
Thành Đô đã áp dụng biện pháp phong tỏa từ ngày 1/9 sau khi phát hiện các ca mắc mới COVID-19 và là thành phố lớn nhất Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch kể từ đầu năm nay, khi Thượng Hải triển khai các biện pháp tương tự. Sau khi triển khai các biện pháp phong tỏa, Thành Đô ghi nhận trung bình gần 200 ca mắc mới mỗi ngày. Theo kế hoạch, biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ sau ngày 7/9 nhưng vào chiều cùng ngày, giới chức thành phố đánh giá vẫn tồn tại nguy cơ dịch bệnh ở một số khu vực.
Khoảng 16 triệu người dân tại thành phố chịu ảnh hưởng của biện pháp phong tỏa, theo đó phải thực hiện xét nghiệm hàng ngày, người có kết quả dương tính với virus sẽ phải cách ly. Người dân ở những khu vực nguy cơ cao không được phép ra khỏi nhà. Chính quyền thành phố đặt mục tiêu gỡ hết các ca bệnh trong cộng đồng trong vòng 1 tuần tới. Nhiều quận đã dừng áp dụng biện pháp phong tỏa hoàn toàn nhưng người dân vẫn thực hiện xét nghiệm trong ngày 9/9, được yêu cầu không di chuyển đến quận khác và không rời thành phố nếu không quá cấp thiết. Giới chức y Thành Đô cho biết sẽ điều chỉnh quy định tùy tình hình dịch bệnh.
Làn sóng dịch bệnh thứ 5 tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đang bùng phát mạnh trở lại. Vì vậy, ngày 8/9, nhà chức trách đã quyết định hạ độ tuổi tối thiểu áp dụng "hộ chiếu vaccine" từ 12 xuống 5 tuổi. Cụ thể, trong giai đoạn 1 tính từ ngày 30/9, trẻ từ 5 đến 11 tuổi phải tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 mới có thể đến các cơ sở được chỉ định như nhà hàng. Nếu trẻ đã tiêm mũi một được trên 3 tháng thì phải tiêm mũi thứ 2 mới có thể được sử dụng "hộ chiếu vaccine". Trong giai đoạn 2 tính từ ngày 30/11, trẻ em trong độ tuổi này sẽ phải tiêm 2 mũi vaccine mới được vào các cơ sở chỉ định.
Hiện 83% số trẻ em ở Hong Kong được tiêm một mũi vaccine và 70% số trẻ được tiêm 2 mũi. Hiện còn 68.000 trẻ chưa được tiêm vaccine.
Ngoài ra, chính quyền Hong Kong cũng sẽ điều chỉnh yêu cầu đối với "hộ chiếu vaccine". Trong giai đoạn 1 tính từ ngày 30/9, khoảng cách giữa mũi tiêm thứ 2 và thứ 3 cho những người từ 12 tuổi trở lên sẽ giảm từ 6 tháng xuống 5 tháng. Trong giai đoạn 2 kể từ ngày 30/11, những người từ 12 tuổi trở lên phải tiêm đủ 3 mũi vaccine mới đáp ứng đủ điều kiện của "hộ chiếu vacccine".
Do số ca mắc đang tăng nhanh nên hiện các trường học ở Hong Kong vẫn yêu cầu học sinh phải xét nghiệm nhanh kháng nguyên hàng ngày trước khi đến trường. Cục Giáo dục Hong Kong yêu cầu các trường có trên 90% học sinh trung học cơ sở tiêm 3 mũi vaccine mới được dạy học trực tiếp cả ngày.
Hong Kong đã ghi nhận trên 10.000 ca mắc mới trong nhiều ngày liên tiếp. Ngày 9/9, đặc khu này ghi nhận thêm 10.076 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 9.922 ca bệnh của địa phương và có 11 bệnh nhân qua đời.
Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với những người mắc COVID-19. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, thời gian cách ly đối với người mắc COVID-19 có triệu chứng sẽ giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Họ có thể đi ra ngoài địa điểm cách ly 24 giờ sau khi các triệu chứng đã được cải thiện.
Đối với những người mắc COVID-19 không có triệu chứng, thời gian cách ly sẽ giảm từ 7 ngày xuống còn 5 ngày với điều kiện có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5. Bên cạnh đó, các đối tượng này cũng được phép đi ra ngoài để mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Katsunobu Kato, người mắc COVID-19 dù có triệu chứng hay không có triệu chứng đều phải kiểm tra tình hình sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong thời gian tương ứng là 10 ngày và 7 ngày.
Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản đang có xu hướng giảm. Ngày 7/9, nước này ghi nhận 129.793 ca nhiễm mới, giảm khoảng 40.000 ca so với 1 tuần trước đó, và 247 ca tử vong. Ngày 9/9, Nhật Bản xác nhận thêm 112.404 trường hợp nhiễm virus SARS-Cov-2, 261 người thiệt mạng.
9 quốc gia châu Phi sẽ được hưởng lợi từ một sáng kiến do các nhà tài trợ quốc tế đưa ra nhằm tăng cường khả năng tiếp cận điều trị COVID-19. 9 quốc gia này bao gồm Ghana, Kenya, Malawi, Nigeria, Rwanda, Nam Phi, Uganda, Zambia và Zimbabwe.
Theo nhóm các nhà tài trợ phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, dự án này, được hỗ trợ bởi các nhà từ thiện và các tổ chức nghiên cứu sức khỏe toàn cầu, sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận chẩn đoán nhanh và các loại thuốc giá cả phải chăng để quản lý bệnh tật cho các nhóm người có nguy cơ cao trên lục địa đen.
Tổng Giám đốc Trung tâm Y sinh Rwanda, ông Claude Muvunyi, nhấn mạnh rằng việc tiếp cận tốt hơn với các loại thuốc điều trị COVID-19 thiết yếu, được hỗ trợ bởi một liên minh các nhà tài trợ, ngành công nghiệp và các nhóm nghiên cứu, sẽ rất quan trọng trong nhiệm vụ giúp châu Phi vượt qua đại dịch.
(Theo VTV)