Hàn Quốc trước nguy cơ COVID-19 chồng dịch cúm, châu Âu phê duyệt vaccine "lưỡng trị" đầu tiên

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/9/2022 | 7:37:03 AM

Đến sáng 14/9, thế giới có trên 614,56 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,51 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 614,56 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu.
Đến nay, hơn 614,56 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 97,16 triệu ca mắc và hơn 1,076 triệu trường hợp tử vong.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 13/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,5 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 154.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,76 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Tại Brazil, tổng cộng trên 34,58 triệu người đã mắc COVID-19, mức cao thứ tư thế giới, bao gồm trên 684.900 ca tử vong, cao thứ hai thế giới sau Mỹ

Cơ quan giám sát dược phẩm Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt một loại vaccine đặc biệt nhằm vào các biến thể phụ mới và có khả năng lây nhiễm cao của Omicron. Loại vaccine mới được gọi là "lưỡng trị", do Pfizer-BioNTech sản xuất, nhằm vào các biến thể phụ BA.4 và BA.5 rất dễ lây nhiễm.

Đây là loại vaccine "lưỡng trị" đầu tiên được chấp thuận trong EU. Loại vaccine mới này dành cho những người trên 12 tuổi, đã được tiêm ít nhất một liều cơ bản phòng COVID-19 và được phát triển từ vaccine Comirnaty của Pfizer.

Hiện các quốc gia châu Âu muốn gấp rút thông qua các loại vaccine thế hệ mới để khởi động chiến dịch tiêm mũi tăng cường ứng phó nguy cơ bùng phát làn sóng COVID-19 mới vào cuối năm nay. Trong những tháng gần đây, các biến thể phụ BA.4 và BA.5 được xác định là nguyên nhân gây làn sóng dịch COVID-19 tại Mỹ và châu Âu.

Ngày 13/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước châu Âu coi trọng hội chứng COVID kéo dài trong bối cảnh ít nhất 17 triệu người ở khu vực châu Âu đã trải qua hội chứng này trong 2 năm đầu tiên của đại dịch COVID-19.

Trong một tuyên bố, người phụ trách khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge nêu rõ: "Chính phủ và các đối tác y tế phải hợp tác để tìm ra giải pháp (cho hội chứng COVID kéo dài) dựa trên hoạt động nghiên cứu và bằng chứng".

Với dự báo hàng triệu người ở châu Âu có thể mắc hội chứng COVID kéo dài trong những năm tới, WHO kêu gọi các nước trong khu vực chú ý tới hội chứng hậu COVID-19 này bằng cách gấp rút đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và hồi phục sức khỏe liên quan tới hội chứng này.

Theo kết quả một nghiên cứu quốc tế mới đây do Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) thực hiện trong năm 2020 và 2021, số ca mới mắc hội chứng COVID kéo dài từ năm 2020 - 2021 đã tăng 307% do số ca mắc COVID-19 gia tăng từ cuối năm 2020 cho đến hết năm 2021. Nghiên cứu cho thấy, nữ giới mắc hội chứng COVID kéo dài nhiều hơn 2 lần so với nam giới. Ngoài ra, trong số các ca mắc COVID-19 thể nặng cần nhập viện, cứ trong 3 nữ có 1 người mắc COVID kéo dài, trong khi tỉ lệ này ở nam giới là 1/5.

Theo ông Kluge, các nước trong khu vực châu Âu cần phải thừa nhận rằng hội chứng COVID kéo dài là một vấn đề nghiêm trọng, gây ra hậu quả nghiêm trọng và do vậy, các nước châu Âu cần ứng phó nghiêm túc để ngăn chặn hội chứng này.

WHO định nghĩa hội chứng COVID kéo dài là một loạt các triệu chứng trong thời gian dài mà một số người đã trải qua sau khi mắc COVID-19. Những người mắc COVID kéo dài có thể gặp các vấn đề về thể lực lẫn trí lực, với các triệu chứng xảy ra trong khoảng thời gian khác nhau, như mệt mỏi, khó thở, bất thường về tim mạch, chứng đau nửa đầu, não "sương mù", trầm cảm và lo lắng.

Ông Konstantin Chernov, Giám đốc phát triển của Trung tâm Chumakov của Nga, cho biết, cơ quan này đã hoàn tất quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 CoviVac đối với những người từ 60 tuổi trở lên và các tài liệu liên quan đang được Bộ Y tế Nga đánh giá. Ông Chernov đưa ra thông tin trên khi trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn TASS. Khi được hỏi về sự công nhận quốc tế đối với vaccine CoviVac, ông Chernov cho hay, "mọi việc đang diễn tiến thuận lợi". Trung tâm Chumakov hiện đang chuẩn bị những thủ tục đăng ký vaccine theo quy định và dự kiến sẽ trình lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong thời gian tới.

Trước đó, hồi tháng 10/2021, Bộ Y tế Nga đã cấp phép cho Trung tâm Chumakov tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine CoviVac ngừa COVID-19 đối với 250 tình nguyện viên.

Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa COVID-19, theo đó vaccine Sputnik V được đăng ký vào tháng 8/2020. Kể từ đó đến nay, Nga đã bào chế và phát triển thêm các loại vaccine khác ngừa COVID-19, trong đó, ngoài vaccine CoviVac nói trên còn có vaccine EpiVacCorona.

Nhật Bản đặt mục tiêu dỡ bỏ giới hạn lượng du khách nhập cảnh hàng ngày vào cuối tháng 10 tới, trong bối cảnh đất nước "Mặt trời mọc" đang tìm cách vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 làm vắng bóng khách du lịch.

Ngoài việc dỡ bỏ giới hạn lượng người nhập cảnh, hiện ở mức 50.000 người/ngày, Chính phủ Nhật Bản dự kiến thảo luận việc cho phép du khách nước ngoài du lịch mà không cần hướng dẫn viên.

Đối với du lịch nội địa, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét khởi động lại chương trình trợ cấp trên toàn quốc, sớm nhất là vào cuối tháng 9 này, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 đang có xu hướng giảm. Mỗi người du lịch được hỗ trợ 11.000 Yen (77 USD) cho một đêm lưu trú. Điều kiện được nhận hỗ trợ theo chương trình này là phải tiêm ít nhất 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh cần phải cân bằng giữa việc mở cửa đón du khách nước ngoài và đảm bảo kiểm soát dịch COVID-19 trong nước, trong bối cảnh quốc gia này đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do vắng bóng khách du lịch. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, Chính phủ nước này sẽ cân nhắc cách thức nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, theo đó "duy trì ngăn chặn dịch bệnh lây lan đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế và xã hội".

Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo, nước này cần sẵn sàng cho kịch bản phải chống đỡ "nguy cơ kép", khi đợt bùng phát dịch COVID-19 có thể xảy ra cùng lúc với dịch cúm mùa vào mùa thu - đông năm nay. Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong khoảng thời gian từ ngày 28/8 đến ngày 3/9 vừa qua, cứ 1.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú thì có tới 4,7 người có các triệu chứng của cúm mùa, tăng so với 4 tuần trước đó.

Các chuyên gia y tế cho rằng khi kịch bản này xảy ra, cần phải có một quy trình từ đầu đến cuối, để sẵn sàng phát hiện và điều trị bệnh, cũng như cân nhắc triển khai xét nghiệm PCR để xác định đồng thời bệnh cúm và COVID-19. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị cơ quan chức năng lên kế hoạch tiêm chủng cả vaccine phòng COVID-19 và cúm mùa cùng lúc.

Vaccine ngừa COVID-19 nội địa Indovac của Indonesia đang trải qua giai đoạn thử nghiệm lần thứ 3 và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng để tiêm mũi tiêm tăng cường trong thời gian sớm nhất. Trong quá trình giám sát thử nghiệm lâm sàng vaccine Indovac, Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia (BUMN) Pahala Nugraha Mansury đã khẳng định, sản phẩm này sẽ được đưa vào sử dụng sớm nhất có thể.

Thành công của Indovac được kỳ vọng sẽ giúp Indonesia giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ bên ngoài trong công tác ứng phó với đại dịch COVID-19. Thứ trưởng Pahala hy vọng, Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) có thể sớm cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vaccine Indovac.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế Indonesia, nước này mới chỉ đạt 26,37% trong mục tiêu tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, tương đương với 61,87 triệu liều trên tổng mục tiêu 234,6 triệu liều. Indovac được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết được đại dịch COVID-19 tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này.

(Theo VTV)

Các tin khác
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương.

Một trong hai tình huống là dịch bùng phát mạnh trên diện rộng, đặc biệt, là nếu có sự xuất hiện của những biến chủng mới khiến dịch lây lan nhanh, mạnh và tác động nghiêm trọng đến sức khỏe… thì sẽ có các biện pháp ứng phó ở cấp độ cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 17 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Sáng 13-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 17. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Vaccine mới được gọi là "lưỡng trị", do Pfizer/BionTech sản xuất, nhằm vào các biến thể phụ BA.4 và BA.5 rất dễ lây nhiễm.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại buổi lễ.

Chiến dịch diễn ra từ ngày 12/9 đến ngày 31/10/2022 với nhiều hoạt động truyền thông tại trung ương và địa phương, hướng đến tất cả các nhóm đối tượng trong cộng đồng xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục