Cúm đang ngày càng nguy hiểm về cuối năm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/10/2022 | 7:35:54 AM

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới - The Lancet, tỷ lệ ca mắc cúm tại Việt Nam là hơn 3.700/100.000 dân, cao gấp 5 lần trung bình thế giới.

Ngay từ tháng 6/2022, dịch cúm A bùng phát ở Hà Nội khiến gần 3.000 người mắc.
Ngay từ tháng 6/2022, dịch cúm A bùng phát ở Hà Nội khiến gần 3.000 người mắc.

Sự bùng phát cúm trái mùa từ tháng 6 kéo dài cho đến nay cùng với biến chứng mới được ghi nhận trong mùa cúm 2022 là viêm não, tổn thương thần kinh trung ương… đang chứng minh virus cúm ngày càng biến đổi phức tạp, cần đề phòng để chuẩn bị cho một mùa cúm có thể tồi tệ hơn.

Hàng năm, có khoảng 800.000 người mắc cúm. Số ca mắc cúm thường gia tăng vào mùa đông - xuân. Tuy nhiên năm nay, ngay từ tháng 6, dịch cúm A bùng phát ở Hà Nội khiến gần 3.000 người mắc.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, từ đầu tháng 9 đến nay, số lượng bệnh nhân cúm A thăm khám và điều trị nội trú tại bệnh viện gia tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, khoa hô hấp của bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho 30 - 40 bệnh nhân nhiễm cúm A. Khoảng một nửa trong số này (10 - 15 ca) được chỉ định nhập viện.

Không ít trường hợp diễn tiến nặng, thậm chí phải đặt ECMO. Điển hình là bệnh nhi 7 tuổi sau 1 tuần điều trị cúm tại nhà, tình trạng của bé không được cải thiện mà ngày càng nặng, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, tổn thương phổi, phải nhanh chóng can thiệp ECMO. Theo các bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh, bệnh nhi bị tổn thương phổi nặng nề, phải duy trì chức năng sống trong giới hạn bình thường, nhưng phổi đã tổn thương trầm trọng, phục hồi chậm.

Đáng nói, cúm A năm nay nguy hiểm hơn rất nhiều so với những năm về trước. Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: "Qua phân tích có thể thấy cúm A năm nay có nhiều điểm khác biệt so với năm 2009 (ngành Y tế thống kê mỗi 10 năm một lần). Hiện trung bình có đến 40% - 45% trẻ bị co giật so với chỉ vài ca năm 2009; số ca bị viêm não sau cúm lên đến 3% - 6% so với 1 - 2 ca trước đây".

Biến chứng mới nguy hiểm gần đây xuất hiện nhiều sau cúm A là viêm não, tổn thương thần kinh trung ương, sau khoảng 3 đến 5 ngày mắc cúm, một số trẻ sẽ có biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương lơ mơ, li bì, co giật...

Virus cúm A năm nay tiết ra một loại enzyme tác động mạnh đến hệ thần kinh, viêm não, gây lú lẫn, hưng cảm, rối loạn tâm thần… đây là biến chứng được cho là nặng hơn so với biến chứng hô hấp, tim mạch của chủng cúm A năm trước đó. Nếu những biến chứng này xảy ra ở người lớn tuổi thì bệnh tình sẽ càng trầm trọng hơn, khó hồi phục hơn so với người trẻ khoẻ.

"WHO và các quốc gia phải thường xuyên giám sát dịch cúm vì những đột biến gene liên tục của virus cúm có thể tạo ra các chủng virus cúm khác biệt rất xa so với chủng ban đầu, thoát khỏi sự phát hiện của hệ miễn dịch, từ đó thổi bùng lên thành đại dịch cúm. Đây cũng là lý do các vaccine cúm phải cập nhật thành phần kháng nguyên hàng năm để theo kịp sự thay đổi của virus cúm. Vaccine cần được tiêm ngay thời điểm trước mùa đông để kịp sinh kháng thể vì trong những tháng cuối năm, bệnh cúm gia tăng do nhiệt độ thấp thuận lợi cho virus cúm tồn tại", BS Bạch Thị Chính cho biết thêm.

BS.CKII Mã Thanh Phong - Khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP. HCM cho biết: "Bất kỳ chủng cúm nào cũng nguy hiểm vì đều có thể gây ra các biến chứng viêm phổi hay viêm não. Vì thế, khi có dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục, thở gấp, khó thở, ho dữ dội, suy nhược, nôn ói… cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám, xác định chủng virus cúm để có hướng điều trị kịp thời. Tiêm vaccine cúm là cách phòng bệnh hiệu quả, nhất là với những người có bệnh lý mạn tính, người bị suy giảm miễn dịch".

Theo ghi nhận của Hệ thống tiêm chủng VNVC, từ đầu tháng 9/2022 đến nay, lượng khách hàng đến VNVC tiêm vaccine cúm tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 6, 7, 8. Con số này tiếp tục tăng cao những ngày đầu tháng 10 và vượt 30% so với tháng trước đó.

Ngoài bệnh cúm, mùa đông xuân, người dân cần phòng tránh các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, thủy đậu, ho gà… thường tăng cao vì nhiệt độ xuống thấp, thuận lợi cho lưu hành và lây nhiễm của virus, vi khuẩn. Trong khi đó, các bệnh truyền nhiễm khác như COVID-19, sốt xuất huyết và mới đây là Adenovirus vẫn đang ở mức cao. Hiện dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu, cần phải chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.

Để phòng bệnh mùa đông xuân, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch, giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, ăn uống đủ chất, tăng cường vitamin, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày.

Nhằm giải đáp thắc mắc, cập nhật kịp thời thông tin mới nhất về virus cúm và biến chứng nguy hiểm trong những tháng cuối năm, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam VTV tổ chức Tư vấn trực tuyến chủ đề "Cập nhật diễn biến nguy hiểm của cúm và các bệnh hô hấp cuối năm" vào 20 giờ, thứ Sáu, ngày 14/10. Chương trình có các chuyên gia:

- BS Lê Thị Trúc Phương, bác sĩ tiêm chủng Hệ thống tiêm chủng VNVC;

- BS CKII Mã Thanh Phong, Khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP Hồ Chí Minh.

(Theo VTV)

Các tin khác
Các loại siro ho đang bị nghi ngờ liên quan tới các ca tử vong ở Gambia

Số bệnh nhi tử vong liên quan tới siro ho ở Ấn Độ được điều chỉnh từ 66 lên 69 ca. Một nhà máy đã phải ngừng sản xuất dược phẩm này vì có nhiều vi phạm.

Bé Bùi D.M ngày đầu nhập viện.

Ngày 13-10, Bệnh viện Nhi Đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh thông tin về ca hồi phục kỳ diệu của bệnh nhi 7 tuổi sau hơn 2 tháng điều trị tích cực căn bệnh rất hiếm gặp là bệnh viêm não hoại tử cấp tính.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

Trong bài viết cho báo The Guardian đăng ngày 12-10, tổng giám đốc WHO kêu gọi hành động ngay lập tức để giải quyết tình trạng nhiễm COVID kéo dài đang gây "đau khổ kéo dài" cho hàng chục triệu người.

Ảnh minh họa

Tính đến sáng 13/10, thế giới lần lượt ghi nhận tổng số 628.030.102 ca nhiễm và 6.564.878 trường hợp tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 357.775 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó châu Âu là khu vực đứng đầu với 178.043 trường hợp. Nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh mới tại "lục địa già" đang hiện hữu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục