Tỷ lệ mắc bệnh cao
Bước tập tễnh, khó nhọc vào Đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp và y học thể thao, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM (Bệnh viện 1A - Bộ LĐTB-XH) sáng 13-10, chị V.T.H. (28 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) kể: "Tôi khám ở bệnh viện tuyến quận, bác sĩ cho biết bị bệnh xương khớp không do viêm. Điều trị đã 3 tháng nhưng bệnh không thuyên giảm, giờ đau lan xuống chân, đi không được; đến cả nằm, ngồi, bò cũng đau. Đại, tiểu tiện khó khăn và không tự chủ, tôi lo lắm”, chị H. nói.
Chị N.T.T. (40 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) gặp triệu chứng đau buốt vùng vai cổ; luôn có cảm giác tức ngực khó thở, người mệt mỏi, mất ngủ triền miên không rõ nguyên nhân. Gần đây, tình trạng đau buốt vượt quá sức chịu đựng, chị đến bệnh viện khám bệnh. Quan sát dáng ngồi, đi, đứng và qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ phát hiện chị T. bị hội chứng mất cân bằng cơ thân trên (còn gọi là hội chứng chéo trên). Tại bệnh viện, mỗi ngày chị T. được thực hiện các quy trình hiệu chỉnh cơ xương khớp để khắc phục tình trạng co rút cơ.
ThS-BS Trịnh Quang Anh, Trưởng Đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp và y học thể thao, Bệnh viện 1A, cho biết, 2 bệnh nhân đều bị hội chứng mất cân bằng cơ. Sự mất cân đối giữa các cơ và sự vận động sai lệch của nhiều khớp gây biến dạng khung xương. Hậu quả là làm thay đổi hình dáng cơ thể, gây mất thẩm mỹ, như: lệch vẹo cột sống, gù lưng, đầu lệch trục nhô trước, ngực hõm lép, bụng ưỡn, mông thấp, chân ngắn chân dài, chân vòng kiềng, xoay lệch khung chậu… Nếu không điều trị, có thể bị gây chèn ép dây thần kinh và hạn chế hoạt động các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, gây ra khó thở, mệt mỏi do thiếu oxy mạn tính hoặc gây ra táo bón, sình hơi.
Thống kê của ngành xương khớp Việt Nam cho thấy, hiện tỷ lệ người mắc các chứng bệnh về xương khớp chiếm 35% dân số, trong đó 30% người từ 35 tuổi, 65% người từ 65 tuổi trở lên bị thoái hóa khớp.
Riêng tại TPHCM, ghi nhận của các cơ sở y tế cho thấy tỷ lệ người dân đi khám và tái khám các bệnh cơ xương khớp tăng 10%-50%/năm. Cụ thể, Bệnh viện Nhân dân 115 mỗi ngày ghi nhận 200 lượt người tới khám, tái khám các bệnh xương khớp, trong đó trên 50% bị thoái hóa khớp và 2/3 trong số này phải nhập viện điều trị. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số lượt người bệnh đến thăm khám gần 65.000 lượt/năm; tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, trung bình gần 100.000 lượt người thăm khám/năm.
Theo TS-BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện 1A, nguyên nhân gây các bệnh về xương khớp chủ yếu là do sức đề kháng của cơ thể chưa cao, dẫn đến các yếu tố gây bệnh cùng xâm nhập vào các khớp, gây ra các hiện tượng sưng, nóng, đỏ, đau buốt. Đặc biệt, triệu chứng của bệnh cơ xương khớp diễn ra âm thầm hoặc chỉ là những cơn đau, mỏi ngắn nên mọi người thường có tâm lý chủ quan và bỏ qua. Điều này đã khiến không ít trường hợp bị tàn phế hoặc để lại di chứng nặng nề, việc điều trị trở nên hết sức khó khăn.
Trong khi đó, BS-CKII Đoàn Thị Huyền Trân, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, bệnh lý cơ xương khớp đang có tỷ lệ mắc rất cao trong cộng đồng. Việc điều trị hiện nay tại các cơ sở y tế gặp nhiều thách thức bởi mạng lưới chẩn đoán, chăm sóc, điều trị bệnh chưa phổ biến và chưa có độ phủ rộng khắp.
Các chuyên gia khuyến cáo: các bệnh cơ xương khớp có thể phòng tránh. Người dân cần quan tâm tới chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thể thao đều đặn; đồng thời cần bổ sung các khoáng chất như canxi, vitamin D, acid folic theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trẻ sơ sinh tốt nhất là nên được đảm bảo bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Người lớn tránh mang vác nặng ở tư thế xấu. Khám sức khỏe định kỳ hàng năm giúp phát hiện bệnh sớm - không chỉ là bệnh lý cơ xương khớp mà còn cả các bệnh lý ở các cơ quan khác như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… để có các kế hoạch điều trị sớm, phòng tránh các biến chứng của bệnh. Không nên cố chịu đựng để đến khi bệnh nặng mới đi chữa, bởi khi đó sẽ mất rất nhiều chi phí chữa bệnh mà hiệu quả điều trị không cao.
Lệch vẹo cơ xương khớp không thể điều trị triệt để bằng thuốc
Theo Th.S-BS Trịnh Quang Anh, Trưởng đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp và y học thể thao, Bệnh viện 1A, đau đớn và hạn chế vận động do lệch vẹo cơ xương khớp cơ học không thể điều trị triệt để bằng thuốc.
Phẫu thuật được chỉ định khi có biến chứng, cùng với đó, các phương pháp vật lý trị liệu truyền thống như: hồng ngoại, sóng ngắn, xoa bóp, bấm huyệt…, chỉ giúp cho các vùng cơ giãn đều, giúp giảm đau, tăng vận động tức thời nhưng không giải quyết được vấn đề gốc rễ.
"Bởi tình trạng lệch vẹo do mất cân bằng giữa tất cả các cơ liên quan đến vận động ổ khớp vẫn còn tồn tại, hiệu chỉnh cơ xương khớp mới giúp đánh giá điều trị cân bằng lại và người bệnh lấy lại vị trí chỉnh chu của khớp và dáng vóc như trước khi chưa mắc bệnh cơ xương khớp”, BS Anh nhấn mạnh.
(Theo SGGP)