Các nhà khoa học Anh đã phân tích 8 nghiên cứu dựa trên tư liệu của 15.000 trẻ em từ 10 đến 19 tuổi ở nhiều quốc gia về việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm chứa các hạt bụi mịn PM2.5 siêu nhỏ có trong khói thải ô tô và các hạt PM10 văng ra từ các mảnh lốp ô tô lưu thông trên đường sẽ có tác hại như thế nào.
Kết quả cho thấy, nếu trẻ em tiếp xúc với mức PM2.5 và PM10 cao trong thời gian dài có thể tăng nguy cơ bị cao huyết áp khi đến tuổi trưởng thành.
Cụ thể, vì kích thước rất nhỏ nên những hạt bụi mịn này có thể xâm nhập thẳng vào phổi và máu. Sự tích tụ bụi mịn trong máu và phổi sẽ gây tổn thương niêm mạc, làm mạch máu cứng hơn. Tim khi đó sẽ cần hoạt động nhiều hơn để bơm máu nhanh hơn, làm tăng nguy cơ cao huyết áp khi đến tuổi trưởng thành và tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.
Các nhà khoa học khuyến cáo cha mẹ nên hướng dẫn con mình đi từ trường về nhà dọc theo những con đường yên tĩnh ít xe cộ, ít bị ô nhiễm. Các trường học nên trồng nhiều cây cối ngăn phần nào ô nhiễm khói bụi.
Trước đây từng có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh ảnh hưởng của bụi mịn đến sức khỏe trẻ em, nhưng không được giới khoa học thống nhất và chủ yếu dựa vào các nghiên cứu ở Trung Quốc, nơi có không khí rất ô nhiễm.
Tuy nhiên, đánh giá khoa học mới này dựa trên 8 nghiên cứu, trong đó có 5 nghiên cứu ở Đức, Hà Lan và Đan Mạch, Anh.
Khoảng 3.700 trẻ em ở độ tuổi 12 tiếp xúc với PM2,5 và PM10 ở mức độ cao trong một năm hoặc lâu hơn có huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu cao hơn đáng kể.
Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn với những trẻ em thừa cân, béo phì. Mặc dù cùng tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí như nhau, bụi mịn cũng xuất phát từ khói xe hơi và lốp cao su nhưng những trẻ em này sẽ có huyết áp cao hơn gần như gấp đôi so với trẻ em có cân nặng bình thường.
Cao huyết áp là tình trạng thường xuất hiện ở người trưởng thành, nhưng nhiều năm trở lại đây, số ca trẻ em bị cao huyết áp ngày càng nhiều hơn. Điều này được lý giải một phần do chế độ dinh dưỡng, lối sống ít vận động, một phần khác là do ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, chẳng hạn như không khí ô nhiễm hoặc sống cạnh người thân hút thuốc lá.
Ngoài ra, trẻ em dễ bị ô nhiễm và thay đổi huyết áp hơn vì chúng vẫn đang phát triển cơ thể.
Không chỉ tăng nguy cơ cao huyết áp, đột quỵ, nhiều nghiên cứu cũng kết luận rằng không khí ô nhiễm chứa nhiều bụi mịn, trẻ em hít phải lâu ngày có thể khiến tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh hô hấp, rút ngắn tuổi thọ, chậm phát triển, ghi nhớ kém, tăng nguy cơ bị tự kỷ.
(Theo TTO)