Ghép gan - cơ hội sống của người bệnh ung thư gan giai đoạn cuối

  • Cập nhật: Chủ nhật, 5/3/2023 | 9:55:07 AM

Những năm gần đây, ghép gan ở Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một phương pháp mới có hiệu quả cao để điều trị các bệnh lý gan giai đoạn cuối, GS.TS.Lê Trung Hải, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam và Phân hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm bệnh nhân ghép tạng tại BVTWQĐ 108.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm bệnh nhân ghép tạng tại BVTWQĐ 108.

Tại Hội nghị 'Cập nhật những tiến bộ trong phẫu thuật và quản lý điều trị sau ghép gan', do Hội Gan mật Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mới đây, GS.TS.Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, tỷ lệ mắc các bệnh lý về gan mật ở Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng. Tình trạng lạm dụng rượu bia, thực phẩm bẩn, thuốc tây, hóa chất, viêm gan virus B, C...  gây tổn thương tế bào gan. Trong đó, số lượng bệnh nhân mắc bệnh lý gan giai đoạn cuối chiếm tới khoảng 30%, với tỷ lệ tử vong rất cao. Các tế bào gan bị phá hủy hàng loạt, hoặc hình thành các sợi xơ hóa, hoặc ác tính không có chức năng. Với nhóm bệnh nhân này, ghép gan được coi là biện pháp điều trị hiệu quả nhất.

Ghép gan lấy từ người cho chết não là phương pháp điều trị bệnh gan giai đoạn cuối và ung thư biểu mô tế bào gan an toàn và hiệu quả ở Việt Nam với tỷ lệ sống sau 5 năm là 77,4%. Vì vậy ghép gan người cho chết não là phương pháp cần được khuyến khích và ngày càng phát triển, TS.BS. Ninh Viết Khải, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết thêm.

Tuy nhiên, ghép gan là kỹ thuật rất khó, đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều chuyên ngành liên quan. Ngoài các chuyên ngành như ngoại khoa, ghép tạng, hồi sức, gây mê, tiêu hoá gan mật, truyền nhiễm, thì không thể thiếu vai trò quan trọng ngành giải phẫu bệnh.

Theo PGS.TS.Trịnh Tuấn Dũng - Chủ tịch Hội giải phẫu bệnh - tế bào học Việt Nam, vai trò của giải phẫu bệnh trước và sau ghép gan là rất quan trọng. Trước khi ghép gan, cần giải phẫu chất lượng gan của người hiến. Khi đánh giá chất lượng gan còn tốt, không bị viêm, thoái hóa mỡ, xơ hóa… thì mới được ghép cho người nhận. Sau ghép gan, mảnh ghép của người nhận phải tăng sinh để đảm bảo đủ chức năng của gan. Gan của người hiến cũng phải tăng sinh để bù lại phần đã mất. Chính vì thế, giải phẫu bệnh cũng cần phải tính toán thể tích gan lấy làm sao cho vừa đủ. Bởi nếu lấy mảnh gan ghép quá nhỏ có thể dẫn đến suy gan ở người nhận. Còn nếu lấy thể tích lấy đi quá nhiều có thể gây suy gan cho người hiến. Sau ghép gan, bệnh nhân vẫn cần định kỳ sinh thiết để đánh giá nguy cơ thải ghép hay để điều chỉnh phác đồ điều trị chống thải ghép.

Những năm 70-80 của thế kỷ 20, các thuốc chống thải ghép còn nhiều tác dụng phụ, nên việc chăm sóc và dùng thuốc cho bệnh nhân sau ghép cũng gặp nhiều vấn đề phức tạp. Qua nhiều thập kỷ cùng với sự phát triển về kỹ thuật ghép gan, các nhà khoa học đã thực sự thành công, mở ra hy vọng sống cuối cùng cho những bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối, với tỷ lệ sống trung bình sau 3 năm tới gần 75%.

Tại Việt Nam, ca ghép gan đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103 năm 2004, bệnh nhân này đã sống tiếp được 17 năm sau ghép. Theo TS.Lê Văn Thành, Chủ nhiệm khoa phẫu thuật gan - mật - tụy, Bệnh viện TWQĐ 108: Với sự phát triển của kỹ thuật ghép gan và thuốc chống thải ghép rất tốt hiện nay, sau ghép gan, chất lượng sống được cải thiện rất nhiều. Kể cả với trường hợp bệnh nhân sau ghép có gặp phải biến chứng thì sau điều trị biến chứng, bệnh nhân hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống bình thường. Trường hợp ghép gan từ người cho sống tại Bệnh viện Việt Đức từ năm 2007, đến nay vẫn đang sống bình thường.

Với các trường hợp bệnh nhân ghép gan còn nhỏ tuổi, thì khi trưởng thành hoàn toàn có thể lập gia đình, sinh con như những người bình thường khác. Với trường hợp không may thải ghép thì có thể tiến hành ghép lại được.


Bệnh nhân sau ghép gan chất lượng sống sẽ được cải thiện và có thể trở về cuộc sống bình thường.

Đến nay trên cả nước đã có 9 trung tâm ghép gan và ghép được trên 500 ca. Riêng tại Bệnh viện TWQĐ 108, mặc dù ghép gan được thực hiện muộn hơn một số trung tâm khác, năm 2017 mới tiến hành ca ghép gan đầu tiên, nhưng đến nay đã thực hiện được 169 ca. Đặc biệt là năm 2021, Bệnh viện đã thực hiện ca phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống và triển khai ghép thành công đầu tiên tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng theo GS.Mai Hồng Bàng, việc ghép tạng như gan, thận lại phải rất thận trọng, đề phòng trước các vấn đề vi phạm pháp luật, liên quan đến vấn đề môi giới, mua bán tạng. Nhưng không vì thế mà chúng ta không thực hiện được các ca ghép gan từ người hiến sống để cứu bệnh nhân, mà cần thực hiện rất chặt chẽ các thủ tục pháp lý theo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

(Theo SKĐS)

Các tin khác
Bác sĩ phẫu thuật lấy các sợi chỉ bị nhiễm khuẩn cho bệnh nhân.

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, căng da bằng chỉ là phương pháp làm đẹp không phẫu thuật được nhiều người lựa chọn, tuy nhiên biến chứng căng chỉ gây ra nhiễm khuẩn là vô cùng tai hại.

Ngày 16/5, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã phê duyệt nhanh thuốc Tarlatamab của công ty dược phẩm Amgen, một liệu pháp miễn dịch điều trị cho những người trưởng thành mắc ung thư phổi tế bào nhỏ ở giai đoạn cuối dù bệnh nhân đã thực hiện hóa trị trước đó.

Người dân tiêm vaccine tại Trung tâm tiêm chủng VNVC.

Ngày 15/5, Bộ Y tế ký quyết định cấp phép, gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 40 loại vaccine, sinh phẩm; trong đó có 3 loại vaccine mới là vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, phòng bệnh zona thần kinh và vaccine phòng 23 tuýp phế cầu thế hệ mới.

Bé Sùng Anh Dũng, 5 tháng tuổi ở thôn Khe Ron, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên trước và sau khi phẫu thuật.

Vừa qua, 32 trẻ em tỉnh Yên Bái đã tham gia khám và phẫu thuật nụ cười miễn phí tại Bệnh viện E Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục