Sẽ có những thay đổi gì khi Việt Nam công bố hết dịch COVID-19?

  • Cập nhật: Chủ nhật, 4/6/2023 | 6:47:48 AM

Tại phiên họp chiều 3/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất đánh giá bệnh COVID-19 đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc công bố hết dịch theo quy định của pháp luật, thẩm quyền quyết định chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B sẽ thuộc về Bộ Y tế.

Theo đó, để chuẩn bị việc điều chỉnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xem xét, cho ý kiến đến việc chuyển nhóm dịch bệnh truyền nhiễm, công bố dịch và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Hoàn thiện kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch và bãi bỏ một số văn bản không còn phù hợp.

Vậy sẽ có những thay đổi gì khi Việt Nam công bố hết dịch COVID-19? PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV về vấn đế này.

PV: Theo ông, điều kiện gì để chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và tiến tới công bố hết dịch?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Việc chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và công bố hết dịch phải dựa trên nhiều yếu tố.

Ngày 5/5 vừa qua, WHO đã tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện Chiến lược "thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP từ tháng 10/2021. Và tuyên bố này của WHO cũng là cơ sở để xem xét, đánh giá nguy cơ, mức độ dịch COVID-19 tại Việt Nam để có thể đưa ra những thích ứng trong tình hình mới.

Việc công bố hết dịch cần phải xem xét cả các điều kiện về chuyên môn như nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại như thế nào, biến chủng tiếp theo có nguy hiểm không, số ca mắc có gia tăng bất thường không, hay nói cách khác, là tính ổn định của dịch, hiệu quả và tính sẵn có của vaccine phòng COVID-19…

Đồng thời, phải căn cứ vào các điều kiện pháp lý dựa trên quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định về quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm hiện hành của Chính phủ.

PV: Ông đánh giá như thế nào về diễn biến dịch COVID-19 hiện nay tại Việt Nam?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 tại nước ta vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế.

Với các trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch... Những trường hợp này bệnh có thể diễn biến nặng nếu nhiễm các virus gây bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chứ không riêng gì với COVID-19. Khi những đối tượng trên nhiễm các bệnh do virus, miễn dịch giảm, dễ mắc thêm bệnh khác dẫn đến bệnh trở nặng và tử vong.

Nếu muốn công bố hết dịch thì cần phải chuyển COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B. Tuy nhiên, phải thấy rõ là mặc dù nếu có xếp COVID-19 ở nhóm B cùng với các bệnh truyền nhiễm khác, thì COVID-19 vẫn phải là bệnh có tính đặc thù vì WHO chưa công bố kết thúc đại dịch COVID-19.

se co nhung thay doi gi khi viet nam cong bo het dich covid-19 hinh anh 2
Tiêm vaccine COVID-19 cho người cao tuổi, có bệnh nền...

PV: Sẽ có những thay đổi gì mà cơ quan chức năng và người dân Việt Nam cần lưu ý khi công bố kết thúc dịch COVID-19?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Mặc dù Việt Nam chưa chuyển đổi dịch COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B nhưng nhiều hoạt động đã thực hiện như nhóm B, đó là việc mở cửa, không cấm đoán đi lại, du lịch, tổ chức hội họp, tổ chức sự kiện, không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc, nới lỏng cách ly… để làm ăn kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội...

Hiện, chỉ còn một số hoạt động coi COVID-19 là nhóm A như quy định giám sát dịch, chữa bệnh miễn phí cho người mắc COVID-19, tiêm vaccine miễn phí, chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch… Nếu theo luật thì bệnh nhóm B khi mắc sẽ không được miễn phí điều trị. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có tính toán phù hợp về vấn đề này. Hiện, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế rất cao, vì vậy, chi phí cho điều trị COVID-19 có thể chi trả theo bảo hiểm y tế.

Còn về việc tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định về kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2023. Quyết định này nêu rõ, việc tiêm vaccine COVID-19 theo chiến dịch hoặc có thể lồng ghép với hoạt động tiêm chủng mở rộng phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.

Tuy vậy, theo tôi Bộ Y tế nên có kế hoạch về tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 trong thời gian tới một cách cụ thể như: Đối tượng nào cần tiêm vaccine trong thời gian tới, đối tượng nào tiêm bắt buộc, đối tượng nào tiêm theo khuyến cáo, lịch tiêm như thế nào và cũng có thể đối tượng nào được miễn phí, đối tượng nào phải trả tiền.

Đồng thời, WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng, chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch dịch bền vững, lâu dài.

Như vậy, Việt Nam cần có chính sách, kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, làm sao theo dõi được sát tình hình dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp, không bất ngờ, vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống nhưng không tốn kém, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân.

PV: Xin cảm ơn ông!.

(Theo VOV)

Các tin khác
Phòng, chống bệnh tay chân miệng bằng cách thường xuyên tẩy rửa đồ chơi, đồ dùng của trẻ.

Nắng nóng kéo dài trên khắp cả nước đã khiến xuất hiện nhiều dịch bệnh mùa hè bùng phát, trong đó có tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy do virus Rota, viêm não do virus… Trong vài ngày qua đã ghi nhận 2 ca tay chân miệng tử vong tại Đắk Lắk và TP Hồ Chí Minh, trong đó có sự xuất hiện của chủng virus nguy hiểm EV 71.

Điện Biên ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than trên người.

Theo thông tin cập nhật từ Bộ Y tế đến chiều 2-6, trong gần 1 tháng qua tại huyện Tủa Chùa (Điện Biên) ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than với 13 trường hợp mắc…

Lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội và Sở Y tế tỉnh Yên Bái ký kết hợp đồng nguyên tắc đào tạo bác sĩ nội trú cho tỉnh Yên Bái.

Ngày 1/6, Trường Đại học Y Hà Nội và Sở Y tế tỉnh Yên Bái đã tổ chức ký kết hợp đồng nguyên tắc đào tạo bác sĩ nội trú cho tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2028.

Hình cảnh cắt ra từ một trang web giả danh bác sỹ Trương Hữu Khanh quảng cáo bán thuốc.

Thuốc bán trên mạng vẫn có người tin và mua, vì những lời quảng cáo có cánh và vì nó được “cộp” dấu bảo hành của các bác sỹ, chuyên gia đầu ngành…giả mạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục