Táo bón mãn tính là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Sự ứ đọng phân táo lâu ngày sẽ dẫn tới sỏi phân cũng thường gặp ở những độ tuổi này.
Tuy nhiên, thủng đại trực tràng do sỏi phân là các trường hợp hiếm gặp. Hầu hết các bệnh nhân được chẩn đoán là người lớn tuổi, nằm liệt giường, suy nhược, bệnh Alzheimer, mất trí nhớ do tuổi già hoặc tâm thần phân liệt. Sự tồn tại sỏi phân lâu ngày gây ra áp lực lên thành đại trực tràng, gây ra các vết loét niêm mạc và cuối cùng là thủng đại trực tràng.
Bs.CKII. Nguyễn Mạnh Chiến - Trưởng khoa Ngoại, BVĐK tỉnh Yên Bái chia sẻ "Đây là tình trạng cấp cứu vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ tử vong từ 15-30% ngay cả khi được phẫu thuật cấp cứu sớm, tăng gấp đôi ở những bệnh nhân có nhiều bệnh lý phối hợp, trên 75 tuổi và tăng cao hơn nữa ở giai đoạn muộn".
Bệnh nhân nam 86 tuổi tiền sử táo bón mạn tính, vào viện cấp cứu với lý do đau bụng tăng dần sau 3 ngày không đi đại tiện được. Tại Khoa Ngoại BVĐK tỉnh Yên Bái, Ths. Lưu Kim Trọng - Phó trưởng khoa cho biết, bệnh nhân L.H.B nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng hạ vị và hố chậu trái, bụng chướng, ấn đau nhiều nửa bụng dưới, bên trái đau nhiều hơn bên phải.
Qua kết quả cắt lớp vi tính (CLVT) thấy nhiều sỏi phân dọc theo đại tràng trái tới trực tràng nhưng không có dấu hiệu gợi ý tới thủng tạng rỗng.
Tuy nhiên qua theo dõi và thăm khám, các bác sỹ nghi ngờ bệnh nhân bị viêm phúc mạc do bệnh lý thủng ruột và chủ động mở đường trắng giữa ổ bụng để xử lý nguyên nhân.
Kết quả sau mổ cho thấy, bệnh nhân bị thủng trực tràng do sỏi phân. Các bác sỹ đã lấy bỏ hết sỏi phân và khối bã, làm hậu môn nhân tạo, cứu sống bệnh nhân. Hiện tại sức khoẻ bệnh nhân đang dần ổn định và chờ phẫu thuật lần 2 để đóng hậu môn nhân tạo.
Tập thể khoa Ngoại chúc mừng bệnh nhân L.H.B trong ngày ra viện.
Táo bón là không bình thường, những bệnh nhân bị táo bón sẽ bị ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống và đôi khi có thể nguy hại đến tính mạng. Trong hầu hết các trường hợp, táo bón có thể được giải quyết bằng cách thay đổi hành vi (tập thể dục thường xuyên, không trì hoãn đi đại tiện, tư thế ngồi đại tiện..) và chế độ ăn uống khoa học (bổ sung chất xơ, uống nhiều nước, hạn chế chất chứa caffein và rượu bia..).
Các phương pháp điều trị nội khoa cũng mang lại nhiều hiệu quả như dầu thực vật đường uống (ô liu), thuốc nhuận tràng, các chất làm mềm phân dùng qua đường trực tràng. Tuy nhiên, người bệnh cần tới các cơ sở Y tế để được khám và tư vấn khi có triệu chứng ứ phân, táo bón kéo dài, có cảm giác đầy chướng bụng nhiều, đặc biệt khi có triệu chứng buồn nôn, nôn, bí trung tiện hay đại tiện phân lẫn máu để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị
vỡ xương chậu phức tạp. Đây cũng là lần đầu tiên các bệnh viện ở tỉnh miền núi này thực hiện ca phẫu thuật vốn thường chỉ được tiến hành ở các trung tâm lớn. Bệnh nhân là nam giới 19 tuổi, dân tộc Dao, ở huyện vùng cao Trạm Tấu, bị tai nạn ngã từ trên cao, đã qua 9 ngày sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. Khi chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, qua thăm khám cho thấy, bệnh nhân bị gãy xương cánh tay phải liệt thần kinh quay và vỡ xương chậu phức tạp.
(Theo SKĐS -YBĐT)