Biến thể phụ JN.1 đã xuất hiện ở ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh
Tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2024 do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/1, thông tin về số ca mắc COVID-19 trong thời gian qua ở nước ta, TS.BS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng cho biết, trong 2 tuần đầu năm 2024 ghi nhận 419 ca mắc COVID-19 và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố; số mắc tăng 2,4 lần so với 2 tuần trước đó, số ca nhập viện tăng nhưng không có trường hợp nặng, hệ thống điều trị hiện vẫn đáp ứng hiệu quả.
Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, Thành phố đã phát hiện biến thể phụ JN.1 của SARS-CoV-2 trên bệnh nhân nhập viện trong tháng 12/2023 trên địa bàn.
Cụ thể, có 12/16 bệnh nhân (chiếm 75%) nhiễm biến thể phụ của Omicron JN.1, ngoài ra có 1 ca nhiễm biến thể JN.1.1, 2 ca nhiễm BA.2.86.1 và 1 ca nhiễm biến thể XDD. Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, biến thể JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của chủng Omicron, thuộc nhóm biến thể cần quan tâm (VOI), không có bằng chứng độc lực tăng lên dù số mắc có dấu hiệu tăng.
Từ ngày 18/12/2023 đến ngày 22/1/2024, các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh ghi nhận 94 ca mắc COVID-19 mới, điều trị nội trú đến từ TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác. Trong đó, 17 ca nặng phải thở oxy.
"Trước đó, trong năm 2023 TP vẫn ghi nhận rải rác ca mắc phải nhập viện, cũng có trường hợp phải thở oxy. Còn 17 ca nặng phải thở oxy là con số ghi nhận liên tiếp trong 5 tuần lễ. Một trong những đặc điểm khá quan trọng là hầu hết các trường hợp này thuộc nhóm nguy cơ, người cao tuổi có bệnh lý nền, có người chỉ tiêm 2, 3 mũi, không có mũi nhắc thứ 4 theo khuyến cáo của ngành y tế"- bà Nga nói và cho biết thêm ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn theo dõi sát các ca COVID-19 nhập viện.
Theo TS.BS Hoàng Minh Đức, hiện nay dịch bệnh truyền nhiễm đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Không ghi nhận các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A. Các bệnh truyền nhiễm khác ổn định. Tuy nhiên, tại khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường; đây cũng là thời điểm nước ta chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, vì vậy người dân đi lại, giao lưu nhiều là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan và có nguy cơ gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
Việt Nam còn hơn 400.000 liều vaccine COVID-19 nhưng mới có 100.000 người đăng ký tiêm
Cũng theo TS.BS Hoàng Minh Đức, sau phiên họp ngày 22/1 với Tổ chức Y tế thế giới về các vấn đề liên quan đến COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục họp với Hội đồng tư vấn về vaccine và tiêm chủng.
Theo hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, có 3 đối tượng ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 là người từ 50 tuổi trở lên có bệnh lý nền (tiêm nhắc lại vào thời điểm 9-12 tháng sau mũi cuối cùng), sau đó là phụ nữ mang thai, người chưa tiêm vaccine mũi nào.
"Hiện nay chúng ta có hơn 400.000 liều vaccine COVID-19 của Pfizer hạn dùng đến tháng 9/2024, trong đó mới có 100.000 trường hợp đăng ký tiêm. Vì thế, các địa phương cần có kế hoạch tiêm vaccine cho nhóm nguy cơ cao"- TS.BS Hoàng Minh Đức nói.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, các địa phương cần đăng ký số lượng người tiêm vaccine COVID-19, đồng thời triển khai truyền thông đến người dân về tiêm vaccine COVID-19 với những trường hợp đã được khuyến cáo...
Đến nay nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine COVID-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.
(Theo ĐCSVN)