Mục tiêu chung Đề án hướng đến là bảo đảm cho trẻ em từ 0 - 8 tuổi trong tỉnh được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; được bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc, phát triển toàn diện theo độ tuổi nhằm thực hiện các quyền của trẻ em.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, công văn chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố về chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng.
Bà Lê Hoàng Anh - Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Các hoạt động chính của Đề án tại Yên Bái gồm truyền thông, nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, cơ sở cung cấp dịch vụ, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cộng đồng các kiến thức, kỹ năng liên quan đến chăm sóc phát triển toàn diện trẻ những năm đầu đời; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác trẻ của các ngành, đoàn thể các cấp, các cơ sở cung cấp dịch vụ về các kiến thức, kỹ năng liên quan đến chăm sóc phát triển toàn diện trẻ những năm đầu đời; bảo đảm cung cấp các dịch vụ toàn diện theo nhu cầu cho trẻ từ 0 - 8 tuổi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ và phúc lợi xã hội”.
Sau 5 năm triển khai Đề án, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gia đình và xã hội, công tác chăm sóc toàn diện cho trẻ em những năm đầu đời trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, việc chăm sóc y tế trẻ em từ 0 - 8 tuổi được đẩy mạnh. Từ đầu năm 2018 đến nay, công tác tiêm chủng được xây dựng kế hoạch và triển khai bảo đảm tiến độ. Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt các hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ em được khám và điều trị đảm bảo theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, phụ nữ có thai được xét nghiệm HIV đầy đủ, quản lý thai nghén với tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị dự phòng lây truyền mẹ con. Khám và tư vấn cho 52 trẻ đang điều trị ARV; tư vấn cách chăm sóc trẻ HIV, thông báo trao đổi tình trạng HIV cho bố, mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ; tổ chức cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi uống vitamin A; tỷ lệ đạt trên 99,5%.
Bà mẹ sau sinh và trẻ dưới 5 tuổi được uống vitamin A dự phòng thường kỳ đạt trên 90%; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đạt 98,5%; tổ chức tẩy giun cho trẻ từ 25 - 60 tháng tuổi, các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em để thực hiện các mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.
Hiện nay, toàn tỉnh có 442 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với quy mô 6.795 lớp. Trong đó, giáo dục mầm non có 1.942 nhóm, lớp, 56.638 trẻ ra lớp; giáo dục tiểu học 2.789 lớp, 86.221 học sinh...
Thực hiện theo Đề án, các nhà trường đã thực hiện nâng cao chất lượng "Giáo dục dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm”; có nhiều giải pháp thiết thực để giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trẻ mầm non. Đặc biệt, quan tâm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn nội trú, bán trú, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Cùng với đó, các trường phối hợp với y tế địa phương có những biện pháp tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho trẻ em. Ngoài ra, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng đối với giáo dục mầm non được chú trọng, 100% trẻ ra nhóm, lớp được khám sức khỏe định kỳ, được cân đo, chấm biểu đồ theo dõi sự phát triển của trẻ.
Không chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất, giáo dục, Đề án còn có các hoạt động hướng gia đình, cộng đồng quan tâm đến trẻ em thông qua xây dựng mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Các địa phương duy trì và nhân rộng 25 câu lạc bộ trẻ em nòng cốt với 624 thành viên và 31 câu lạc bộ cha mẹ với 844 thành viên giúp trẻ em nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em tại cộng đồng và có kỹ năng ứng phó trước những rủi ro, thể hiện quyền tham gia của trẻ em được bày tỏ nguyện vọng, nói lên tiếng nói của mình…
Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong những năm đầu đời, xem đây nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về quyền trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như tăng cường các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, phòng tránh đuối nước, tai nạn thương tích, làm tốt công tác xã hội hóa huy động nguồn lực để hỗ trợ trẻ em khó khăn.
Thu Hiền