Tiêm chủng - biện pháp hữu hiệu phòng bệnh bạch hầu

  • Cập nhật: Thứ bảy, 13/7/2024 | 8:59:25 AM

YênBái - Trước tình hình bệnh bạch hầu có diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố, trong đó, đã ghi nhận một trường hợp tử vong, 119 người tiếp xúc với bệnh nhân đã được cách ly theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, 1 trong số những người tiếp xúc đã dương tính với bệnh. Vậy nên, việc hiểu rõ về phương thức lây truyền, triệu chứng và cách phòng bệnh là rất cần thiết.

Phòng bệnh chủ động bằng vắc- xin được coi là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh Bạch hầu nói riêng.
Phòng bệnh chủ động bằng vắc- xin được coi là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh Bạch hầu nói riêng.


Nhằm thông tin đến người dân công tác phòng, chống dịch bệnh cùng những khuyến cáo của ngành y tế đối với bệnh bạch hầu, phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái.

- Trước tiên, xin cảm ơn Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Báo Yên Bái. Xin bác sĩ cho biết mức độ nguy hiểm của bệnh Bạch hầu ra sao? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh bạch hầu?

Bác sĩ Lê Thị Hồng Vân: Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở hầu họng, thanh quản, mũi. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc, các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh dễ bùng phát thành dịch ở những cộng đồng chưa có miễn dịch đầy đủ, đặc biệt là trẻ em dưới 15 tuổi. 

Trước kia, thời kỳ chưa có vắc xin dự phòng, Bệnh bạch hầu lưu hành rộng rãi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao, nhất là ở trẻ em. Từ khi vắc xin giải độc tố bạch hầu ra đời, tính nghiêm trọng của bệnh dịch đã thay đổi, tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể. Có thể khẳng định, tiêm chủng mở rộng đã bảo vệ hàng triệu trẻ em tại Việt Nam khỏi nhiều loại bệnh tật trong đó có Bạch Hầu trong suốt hơn 40 năm qua.

Gần đây, Bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước và đã có trường hợp tử vong, cho thấy việc phòng bệnh, phát hiện sớm những biểu hiện của bệnh để cách ly, điều trị kịp thời là rất cần thiết và là nhiệm vụ quan trọng. 

Nguyên nhân gây bệnh Bạch hầu là do vi khuẩn Bạch hầu - Corynebacteirum diphtheria gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn Bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. 

Các triệu chứng lâm sàng chủ yếu của bệnh như: sốt, sốt cao thời kỳ toàn phát, mệt, ăn kém, họng đỏ, nuốt đau, amydan có giả mạc trắng mờ, hạch góc hàm sưng đau.

Đối với thể ác tính có nhiễm trùng nhiễm độc nặng, sốt cao 39-400C, giả mạc lan rộng, khắp hầu họng và môi. Hạch cổ sưng to bạnh gây biến dạng, có nhiều biến chứng sớm viêm cơ tim, suy thận và tổn thương thần kinh.


Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái khuyến cáo: Tiêm chủng vắc xin Bạch hầu đầy đủ, đúng lịch cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng mở rộng là biện pháp để phòng tránh bệnh Bạch hầu.

- Trước tình hình bệnh Bạch hầu đang có diễn biến phức tạp trên cả nước, ngành Y tế tỉnh Yên Bái đã có sự chuẩn bị như thế nào để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh Bạch hầu, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Thị Hồng Vân: Hiện tại, theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật, trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh Bạch hầu. Tuy nhiên, đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, dễ lây lan và dễ bùng phát thành dịch. 

Vì vậy, để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh Bạch hầu, tỉnh Yên Bái đã tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện sớm ca bệnh để cách ly và điều trị kịp thời. Chú trọng rà soát những trường hợp đi từ vùng có dịch về, các trường hợp tiếp xúc gần. Giám sát phát hiện phải được tích cực thực hiện tại các phòng khám, tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. 

Cùng với đó, ngành Y tế đã tích cực truyền thông, giáo dục sức khỏe, cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh Bạch hầu cho nhân dân, nhất là cho các bà mẹ, thầy cô giáo biết để họ phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh, và cộng tác với cán bộ y tế cho con đi tiêm vắc-xin bạch hầu đầy đủ.

Ngành Y tế cũng đảm bảo cung ứng vắc - xin, dịch vụ tiêm chủng đến gần dân để mọi người dân dễ dàng tiếp cận, đảm bảo mục tiêu tiêm chủng đầy đủ các loại vắc -xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, giường bệnh cách ly để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh. Củng cố các đội cơ động chống dịch sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá và xử lý ổ dịch. 

- Bác sĩ có khuyến cáo như thế nào để người dân nâng cao hiệu quả phòng tránh bệnh Bạch hầu?

Bác sĩ Lê Thị Hồng Vân: Khuyến cáo quan trọng nhất để không có dịch bệnh Bạch hầu xảy ra là tiêm chủng vắc xin Bạch hầu đầy đủ, đúng lịch cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Do đó, các bậc cha mẹ hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.

Cùng với đó, mỗi người dân cần thực hành vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, hạn chế hoặc không tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng, sát khuẩn bề mặt nhà cửa và vật dụng. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

- Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi!

Thanh Chi (thực hiện)

Tags Yên Bái tiêm chủng bạch hầu dịch bệnh

Các tin khác
Cán bộ y tế phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái tiêm vắc xin cho trẻ em.

Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, có thể dẫn đến tử vong do các biến chứng. Tăng cường hoạt động dự phòng, giảm lây nhiễm là điều kiện cần thiết để phòng chống căn bệnh này.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) lấy mẫu xét nghiệm cho trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh bạch hầu. Ảnh: Báo Bắc Giang

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Nghệ An và Bắc Giang và các đơn vị chức năng khẩn trương tập huấn nhắc lại Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.

Sau 7 ngày phẫu thuật và hồi sức tích cực, bệnh nhân đã hồi phục

Khi đang nâng tạ tại phòng tập, người đàn ông lên cơn tím tái, khó thở, ngã gục xuống đất.

Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh tiêm chủng mở rộng, tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine để phòng các bệnh truyền nhiễm.

Theo Bộ Y tế, dịch sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vaccine đang gia tăng ở nước ta.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục