Phát biểu chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy về công tác chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/3/2022 | 3:05:15 PM

YênBái - Sáng 11/3, tỉnh Yên Bái đã chính thức khai trương hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh phục vụ công tác chuyển đổi số và tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác chuyển đổi số năm 2022. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy về nội dung này.


- Kính thưa đồng chí Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
- Kính thưa đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel
- Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương,
- Thưa toàn thể các đồng chí!

Thực hiện Chương trình công tác, hôm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác chuyển đổi số năm 2022 nhằm đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu chuyển đổi số năm 2022. 

Trước hết, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chào đồng chí Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, các đồng chí trong đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Viettel, cùng toàn thể các đồng chí tham dự Hội nghị tại các điểm cầu trên địa bàn tỉnh. Xin gửi tới toàn thể các đồng chí lời chào thân ái, lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc, thành công. 

Thưa toàn thể các đồng chí!

Có thể khẳng định, chúng ta đã thống nhất rất cao về nhận thức rằng: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số là một nội dung trong sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Cùng với đó, Ban Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các nghị quyết, quyết định, chương trình hành động thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. 

Trong đó, vấn đề cơ bản, quan trọng trong chuyển đổi số của tỉnh chính là xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, cho đến cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân bởi vì "Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ”.

Theo đó, tỉnh đã chủ động xây dựng và ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản làm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số, đặc biệt là Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Tỉnh ủy và các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã tích cực, chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị mình. 

Qua báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh ủy và các tham luận trình bày tại Hội nghị, chúng ta đã có cái nhìn tổng quan về những kết quả tích cực bước đầu của quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Tôi thống nhất với các nội dung đánh giá trong Báo cáo và các tham luận đã nêu; đồng thời, nhấn mạnh một số điểm nổi bật như sau: 

Một là, nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân đã chuyển biến tích cực. Đặc biệt là doanh nghiệp, người dân đã bắt đầu có ý thức trách nhiệm và mong muốn được tham gia vào quá trình chuyển đổi số. 

Với mong muốn tận dụng những thời cơ mang lại từ quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình hội nhập, là cơ hội để một tỉnh nghèo như Yên Bái dù "đi sau”, nhưng có thể "đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã rất chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyển đổi số, chủ động hợp tác, đặt hàng tư vấn, hỗ trợ từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông hàng đầu của cả nước như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT. Tháng 02/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh đã có chuyến đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm và ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số tại Tập đoàn Viettel.

Một số cấp ủy cấp huyện cũng đã chủ động tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi số với việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông như: Thành phố Yên Bái đã huy động được sự tài trợ của VNPT để xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh IOC; thị xã Nghĩa Lộ đang phối hợp với Tập đoàn Viettel để triển khai thử nghiệm hệ thống IOC, huyện Văn Yên đã tham vấn công ty CMC để xây dựng, ban hành Đề án Chuyển đổi số cấp huyện đầu tiên trên toàn tỉnh…

Đặc biệt, người dân Yên Bái cũng đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và đang bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động như: giao dịch điện tử; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng các ứng dụng phòng chống dịch bệnh Covid-19; sử dụng thẻ BHYT điện tử…

Hai là, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Giai đoạn 1 của Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái đã cơ bản hoàn thành và đi vào khai thác sử dụng. Trong đó, tạo lập một hạ tầng số hiện đại gồm một số nội dung như: Trung tâm tích hợp dữ liệu DC; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP; Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng SOC; Mạng truyền số liệu chuyên dùng; hệ thống camera giám sát thông minh… sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số trong thời gian tới.

Ba là, bước đầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số phục vụ hiệu quả các hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân. Đã thực hiện cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện ở mức độ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước được thực hiện trên môi trường mạng. 

Cổng thông tin điện tử tỉnh được đánh giá thuộc nhóm 10 cổng vận hành tốt nhất cả nước, được Văn phòng Chính phủ tặng Bằng khen; Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh kết nối, vận hành tốt với cổng dịch vụ công quốc gia, 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính tại 3 cấp chính quyền.

Bốn là, kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành. Tỉnh đã xây dựng và bước đầu đi vào vận hành hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, thông tin về sản phẩm OCOP. 100% đơn vị cấp xã có băng rộng cáp quang. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 94%. Tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng điện thoại thông minh đạt 94,7%. 100% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý giáo dục. 100% cấp huyện có hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (telehealth) và là tỉnh thứ 6 trên cả nước triển khai thí điểm hệ thống telehealth đến cấp xã.

Đã triển khai một số nền tảng công nghệ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cụ thể như: Bản đồ thông tin dịch tễ được cập nhật số liệu hàng ngày; cập nhật dữ liệu tiêm chủng; trả kết quả xét nghiệm qua phần mềm PC-COVID; nền tảng quản lý, theo dõi và hỗ trợ chăm sóc F0 cách ly tại nhà ; sử dụng công nghệ để truyền thông chủ động về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, người dân và doanh nghiệp bắt đầu có tiếp cận về công nghệ thông tin và các dịch vụ y tế, giáo dục thông minh.

Năm là, trong tổ chức thực hiện chuyển đổi số, đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả, bước đầu đem lại kết quả tích cực. Trong đó, đã tổ chức triển khai xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 8 đơn vị thuộc 3 cấp chính quyền và doanh nghiệp; đặc biệt là thí điểm sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”, là tỉnh thứ 3 trên cả nước triển khai nền tảng này … 

Trong quá trình tổ chức triển khai thí điểm, nhiều cơ quan, đơn vị mặc dù chưa có trong kế hoạch nhưng đã chủ động hưởng ứng tham gia, tiếp cận với cơ quan chuyên môn để đề nghị hỗ trợ triển khai thực hiện sớm.

Sáu là, những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số đã góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thưa toàn thể Hội nghị!

Những kết quả bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái thời gian qua chính là kết quả của sự thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sự ủng hộ, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh với mong muốn bắt kịp xu thế và nắm bắt, tận dụng thời cơ của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư mạng lại. 

Những kết quả đáng khích lệ trên là cơ sở, tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi đánh giá cao những kết quả bước đầu chúng ta đã đạt được trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh, đặc biệt là vai trò tham mưu của các cơ quan, đơn vị đầu mối như: Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh và sự phối hợp, đồng hành, hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Xin chúc mừng toàn thể các đồng chí!
Thưa toàn thể Hội nghị!

Như chúng ta đã biết, bên cạnh kết quả bước đầu đạt được, quá trình chuyển đổi số tại tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, trở ngại nhất định, cụ thể là:

- Trình độ đội ngũ cán bộ, trình độ dân trí và khả năng tiếp cận chuyển đổi số của cán bộ, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Việc đầu tư, phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật chưa tương xứng với quy mô đầu tư cho hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin; nhất là chưa có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư chuyển đổi số ở các sở, ngành, địa phương để ứng dụng và lan tỏa công nghệ số. 

- Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số, phát triển mô hình đô thị thông minh. 

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, an ninh trật tự… còn triển khai đơn lẻ, rời rạc; chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, chưa khai thác được cơ sở dữ liệu liên ngành. Trong khi, yếu tố về công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ, đòi hỏi quá trình chuyển đổi số của tỉnh cần nhanh hơn, đáp ứng tốt hơn, đồng bộ hơn và mang lại hiệu quả thực sự.

- Chuyển đổi số là nhiệm vụ mới và khó, do vậy, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh như báo cáo đã nêu, đòi hỏi cần có định hướng đúng đắn, giải pháp đồng bộ, sát thực tế để tiếp tục triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Thưa toàn thể Hội nghị!

Năm 2022, là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề để thúc đẩy tăng tốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX đảng bộ tỉnh; là năm được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông coi là năm "tổng tiến công chuyển đổi số”. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 56-CTr/TU lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022. 

Trong đó, xác định chủ đề của năm là "Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; duy trì phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và chuyển đổi số; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”. Theo đó, chuyển đổi số đã được xác định là một khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ tỉnh trong năm 2022.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cao với các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số năm 2022 đã nêu trong báo cáo, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như: Y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, du lịch, dịch vụ, kế hoạch - tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên - môi trường… 

Đồng thời, đề nghị các đồng chí tiếp thu, quán triệt sâu sắc những nội dung phát biểu chỉ đạo, gợi mở của đồng chí Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông để kịp thời tham mưu, áp dụng trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi số.


Ngoài ra, tôi xin nhấn mạnh thêm một số điểm cần lưu ý trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới, trong bối cảnh năm 2022, cụ thể như sau:

Một là, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 195-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách của Trung ương và của tỉnh về chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về quan điểm, chủ trương và vai trò, vị trí, tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc chuyển đổi số, cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Phải xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân; trong đó lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, là chủ thể quan trọng nhất, là mục tiêu, yêu cầu, động lực và là đối tượng chính thụ hưởng thành quả của quá trình chuyển đổi số.

Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các thể chế, chính sách, quy chế… liên quan đến chuyển đổi số theo thẩm quyền, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

Hai là, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, số ca mắc tăng cao, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để giúp giảm tải áp lực công việc cho ngành y; giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, đầy đủ về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của chính quyền, thông tin hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid tại nhà. Áp dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trong tỉnh.

Bên cạnh đó, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tổ chức hội nghị, dạy và học trực tuyến, làm việc từ xa, họp không giấy tờ, chữ ký số để các hoạt động kinh tế - xã hội không bị dán đoạn. Đưa việc sử dụng các nền tảng công nghệ, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân thành một thói quen.

Ba là, đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa vào khai thác, sử dụng Dự án Trung tâm Điều hành xử lý dữ liệu tập trung đa nhiệm tỉnh Yên Bái (thuộc Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái). Đặc biệt, chú trọng triển khai có hiệu quả các hạng mục về y tế thông minh, giáo dục thông minh, du lịch thông minh, thương mại điện tử… để người dân, doanh nghiệp sớm được thụ hưởng các thành quả trực tiếp từ Đề án. Phấn đấu sớm đưa hạng mục thông tin chỉ đạo, điều hành vào hoạt động với mục tiêu giúp cho cấp có thẩm quyền có thể ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu lớn được cập nhật, tổng hợp, phân tích theo thời gian thực.

Bốn là, tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cho cấp sở, huyện, xã phường, trường học, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó có đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu việc thành lập các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại 100% các xã, phường, thị trấn để làm lực lượng nòng cốt trong thực hiện chuyển đổi số toàn dân. 

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số, bao gồm: tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; tiếp cận thông tin về quy hoạch, đầu tư, đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh; tham gia sàn thương mại điện tử…

Năm là, tích cực huy động, lòng ghép đa dạng các nguồn lực thực hiện chuyển đổi số; tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết với các tập đoàn, công ty viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp số để tư vấn, hỗ trợ và cung cấp giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Có giải pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực nhà nước trong thực hiện chuyển đổi số. 

Trong đó, lấy đầu tư công để kích thích, thu hút đầu tư tư; nguồn lực nhà nước chỉ ưu tiên đầu tư ban đầu cho các hạng mục thiết yếu như hạ tầng khung, cơ sở dữ liệu dùng chung, giám sát an toàn không gian mạng, đào tạo nguồn nhân lực…; kết hợp hài hòa giữa phương thức đầu tư xây dựng, mua sắm công với phương thức thuê hạ tầng, thuê dịch vụ về chuyển đổi số; quá trình đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật hiện hành.

Tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Thông tin và truyền thông và chủ động phối hợp với các doanh nghiệp ngành bưu chính, viễn thông để triển khai hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông phục vụ chuyển đổi số tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa như: phủ sóng 3G, 4G; cung cấp Internet cáp quang băng thông rộng; hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh cho các hộ nghèo; triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến Mobile Money…

Sáu là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người lao động, người dân về chuyển đổi số. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để đội ngũ này trở thành các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật nòng cốt tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số.
 
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ chuyên ngành công nghệ thông tin, chuyển đổi số làm việc trong các cơ quan, đơn vị nhà nước. Quan tâm thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh tỉnh Yên Bái. 

Nghiên cứu, có cơ chế thu hút, mời các chuyên gia công nghệ trong và ngoài tỉnh, tham gia tư vấn, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số cấp tỉnh; nghiên cứu đề xuất thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh.

Thưa toàn thể Hội nghị!

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030. Điều đó đặt ra những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ rất lớn cho cả hệ thống chính trị, trong đó mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.

Tôi tin tưởng rằng, với sự thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm chính trị cao, trên cơ sở những kết quả tích cực bước đầu đạt được về chuyển đổi số, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Yên Bái sẽ thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số theo Nghị quyết số 51-NQ/TU đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh. 

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh Yên Bái, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ tích cực, thường xuyên của Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị thuộc Bộ; sự hợp tác, tư vấn, hỗ trợ hiệu quả của Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT và các đơn vị thành viên đối với quá trình chuyển đổi số, xây dựng mô hình đô thị thông minh, chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong suốt thời gian vừa qua; trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ sâu sắc, tích cực, thường xuyên của các đồng chí.

Một lần nữa, xin kính chúc toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc, thành công! 

Xin trân trọng cảm ơn!

Tags chuyển đổi số Đỗ Đức Duy đô thị thông minh Nghị quyết số 51-NQ/TU Covid-19 thủ tục hành chính Chương trình hành động số 56-CTr/TU Chương trình hành động số 195-CTr/TU chính quyền số kinh tế số xã hội số y tế thông minh giáo dục thông minh du lịch thông minh thương mại điện tử

Các tin khác

Sáng 11/3, tỉnh Yên Bái đã chính thức khai trương hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh phục vụ công tác chuyển đổi số và tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác chuyển đổi số năm 2022.

Hướng dẫn người dân mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử.

Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham quan, trải nghiệm thực tế những ứng dụng, tiện ích của thẻ điện tử công chức, viên chức tại thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thu Trang)

Với một tỉnh còn nhiều khó khăn, Yên Bái chủ trương chuyển đổi số theo cách “thông minh”. Trong đó, ưu tiên đầu tư và các ngành, lĩnh vực đã có sẵn dữ liệu đầu vào, “dễ làm trước, khó làm sau”, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh...

Ảnh minh họa.

Thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số năm 2022 và lộ trình đến năm 2025 của UBND huyện Yên Bình, đến nay, đã có 38 cơ quan, đơn vị trên địa bàn đăng ký thực hiện trên 50 công trình, phần việc thực hiện chuyển đổi số năm 2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục