Là ngân hàng thương mại nhà nước, Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái (Agribank Yên Bái) có mạng lưới giao dịch rộng khắp từ thành thị đến nông thôn với 19 chi nhánh, phòng giao dịch, 16 máy ATM, CDM, trên 30 đơn vị chấp nhận thẻ bao gồm: POS và QR Code.
Mạng lưới thanh toán có quy mô lớn với hơn 100.000 khách hàng đang giao dịch tiền gửi, sử dụng thẻ ATM và sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại như Internet Banking, SMS banking, E Mobile banking.
Với thị phần khách hàng lớn thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Agribank Yên Bái tích cực triển khai nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại của người dân tại vùng sâu vùng xa, tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực này.
Đặc biệt, để cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 5/4/2019 của UBND tỉnh Yên Bái về "Thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, điện, nước, học phí, viện phí… trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Agribank Yên Bái đã phối hợp với Công ty Điện lực Yên Bái ký thỏa thuận hợp tác, triển khai thu tiền điện qua tài khoản thanh toán có phát hành thẻ thấu chi tại Ngân hàng.
Với thỏa thuận hợp tác này, Agribank Yên Bái cung cấp dịch vụ cho vay qua hình thức thấu chi tài khoản thanh toán phát hành thẻ để khách hàng cá nhân thanh toán tiền điện (TTTĐ). Theo đó, khách hàng sẽ được Ngân hàng mở tài khoản thanh toán cá nhân phát hành thẻ, cấp hạn mức thấu chi để đăng ký thanh toán tiền điện theo phương thức tự động trích tài khoản của khách hàng. Thẻ thấu chi cũng có thể sử dụng TTTĐ và các dịch vụ khác như mua sắm vật tư nông nghiệp, khám chữa bệnh, đóng học phí.
Bà Nguyễn Thị Tú Oanh - Trưởng phòng Phòng Dịch vụ và Marketing, Agribank Yên Bái cho biết: sau khi triển khai thí điểm thành công tại xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, đến nay, các chi nhánh trực thuộc đã phối hợp với ngành điện triển khai đến 21/82 xã, phường, thị trấn.
Đến nay, đã có 1.949 khách hàng mở tài khoản đăng ký TTTĐ qua Agribank; trong đó, có 71 khách hàng mở tài khoản thấu chi với hạn mức được cấp trên 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, số khách hàng thực tế chạy thành công thu hóa đơn tiền điện qua tài khoản Agribank mới đạt tỷ lệ 25,5%. Lũy kế, đã có 9.170 hóa đơn thu tiền điện qua Agribank Yên Bái với doanh thu hàng tháng đạt trên 7 tỷ đồng.
Việc TTTĐ qua tài khoản thấu chi của Agribank sẽ góp phần tích cực trong hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan trong bối cảnh đang diễn biến phức tạp; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc thanh toán, tiết kiệm thời gian giao dịch và từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng hiện đại, phù hợp với xu thế thanh toán không dùng tiền mặt của xã hội hiện đại.
Chị Đặng Thị Thanh Huyền ở thôn Chấn Hưng, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn cho biết "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và tiền điện nói riêng, vì điều này mang lại rất nhiều tiện lợi cho gia đình. Chỉ cần có tài khoản ngân hàng là tôi đã có thể chi trả tiền điện một cách nhanh chóng mà khỏi tốn nhiều thời gian”.
Mặc dù có những ưu thế rõ ràng, nhưng việc triển khai dịch vụ TTTĐ qua tài khoản thanh toán, cấp hạn mức thấu chi đến khách hàng còn nhiều khó khăn do người dân chưa quen dùng thẻ cũng như hạn chế trong sử dụng công nghệ hiện đại nên số lượng thẻ phát hành chưa đúng với tiềm năng, nhu cầu thực tế.
Việc tư vấn cấp hạn mức thấu chi cho khách hàng còn nhiều khó khăn do nhiều chủ công tơ đã đổi số điện thoại; bán nhà nhưng chưa làm lại hợp đồng thu tiền điện; nhiều hộ đi làm xa, không ở nhà, nhiều hộ dùng chung một công tơ điện; người dân còn thói quen nộp tiền mặt TTTĐ do PCYB vẫn tổ chức thu tiền điện bằng tiền mặt tại các điểm thu lưu động.
Nhiều khách hàng quan ngại việc sử dụng thẻ thấu chi phải trả lãi cho ngân hàng, ngại đi lại nộp tiền trả nợ vào tài khoản. Nhiều hộ lượng điện tiêu thụ trong tháng thấp (từ 15.000 - 30.000 đồng) nên không có nhu cầu sử dụng dịch vụ vì phải mất thời gian xuống các điểm giao dịch của ngân hàng để nộp tiền vào tài khoản, phải trả thêm các khoản phí của ngân hàng để duy trì dịch vụ (khi hết chương trình khuyến mại).
Để khắc phục hạn chế này, thời gian tới, Agribank Yên Bái và ngành điện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng các trang fanpage, qua mạng Zalo, Facebook, hệ thống loa phát thanh, các buổi họp giao ban của xã, thôn, bản, tổ vay vốn… để khách hàng tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn hiểu và sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng; có chính sách thu hút khách hàng mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ; xây dựng kế hoạch và đề ra các chỉ tiêu phát triển khách hàng cụ thể; đồng thời, phối hợp với các địa phương, tổ chức, đoàn thể vào cuộc để giúp người dân trang bị kiến thức, hiểu biết để sử dụng dịch vụ.
Văn Thông