Thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 15 của UBND tỉnh Yên Bái về chuyển đổi số (CĐS), ngành giáo dục và đào tạo (GD& ĐT) đã triển khai đạt được một số kết quả tích cực.
Đồng chí Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Ngành GD&ĐT tỉnh đã xác định CĐS là tất yếu trong công cuộc cách mạng số 4.0 hiện nay. CĐS trong giáo dục sẽ mở đầu cho hướng đi mới và là cơ hội tốt đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh toàn ngành tiếp cận công nghệ thông tin (CNTT) vào trong giảng dạy và học tập dễ dàng và thuận tiện hơn, phát huy được những sáng tạo, năng lực học tập hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục đã được kết nối băng thông rộng; có máy tính, máy in, cũng như được trang bị các thiết bị hiện đại như: bảng tương tác, máy chiếu, máy tính bảng; tỷ lệ máy tính có kết nối mạng Internet đạt trên 80,6%. Đã đủ điều kiện để tổ chức dạy học môn Tin học cho 100% học sinh cấp THPT, 64,8% học sinh THCS và 12,5% học sinh cấp tiểu học.
Việc triển khai khai thác kho học liệu số, ứng dụng các phần mềm, khai thác mạng đã được triển khai tích cực đáp ứng nhu cầu tự học và đổi mới, sáng tạo trong dạy và học đáp ứng cho 33,9% học sinh THCS, 97,1% học sinh THPT tham gia học trực tuyến.
100% giáo viên các cấp học có năng lực ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu. Đội ngũ giáo viên tin học đáp ứng đủ cho cấp THPT. Hiện nay, tỉnh đang tuyển dụng để triển khai dạy môn Tin học ở cấp THCS và cấp tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Công tác bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên; đội ngũ giáo viên chủ động, tích cực trong tự học, tự bồi dưỡng, tự đầu tư thiết bị phục vụ nghiên cứu, học tập và giảng dạy, từng bước làm chủ công nghệ và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong công tác quản lý giáo dục, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng tốt các phần mềm quản lý trường học, phần mềm chuyên ngành, phần mềm quản lý văn bản, hệ thống thư công vụ... Từ năm 2008 đến nay, Sở GD&ĐT là đơn vị tiên phong trong khai thác các hệ thống họp trực tuyến. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, gần 60% các cuộc họp, hội nghị, tập huấn được thực hiện trực tuyến.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Lan - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cho biết: "Là một trong hai đơn vị trường học thí điểm thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh, nhà trường xác định thực hiện CĐS toàn diện mang theo những kỳ vọng đột phá, đổi mới trong công tác dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục cũng như hiệu quả quản lý giáo dục”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc CĐS trong ngành GD&ĐT cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, trang thiết bị hạ tầng công nghệ mặc dù đã được tích cực đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, còn lạc hậu và chưa đồng bộ; hệ thống phần mềm sử dụng ở các đơn vị còn riêng lẻ, độc lập, thiếu sự tương thích và kết nối đồng bộ.
Các dịch vụ viễn thông ở các địa phương vùng khó chưa ổn định, khó tiếp cận đối với giáo viên và nhất là học sinh. Bên cạnh đó, khi thực hiện CĐS có thể làm xuất hiện bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền và học sinh có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; học sinh khuyết tật, học sinh không được tiếp cận hạ tầng viễn thông tốt...
Để thực hiện CĐS trong giai đoạn tới, ngành GD&ĐT tiếp tục nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên trong toàn ngành, đặc biệt là đổi mới nhận thức của người đứng đầu về CĐS...
Cụ thể hóa, triển khai xây dựng kế hoạch CĐS theo giai đoạn và từng năm ở tất cả các cơ sở giáo dục. Tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng dụng trong quản lý và dạy học ở tất cả các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Tăng cường bổ sung, thay thế trang thiết bị phục vụ cho ứng dụng CNTT trong quản lý, trong dạy và học; xây dựng giáo dục thông minh; đầu tư phòng học trải nghiệm sáng tạo STEM, giáo dục trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học…
Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên nòng cốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp trường để triển khai các nội dung CĐS. Triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về việc triển khai CĐS trong giáo dục; các chuyên đề ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy, học đảm bảo đội ngũ có đủ năng lực, trình độ để triển khai CĐS.
Trước mắt, tập trung thực hiện thí điểm CĐS tại 2 đơn vị là Trường THCS Quang Trung và Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, dự kiến hoàn thành, tổ chức sơ kết trong quý II đầu quý III/2022 để đánh giá, triển khai CĐS tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Đức Toàn